Đại biểu Quốc hội quan tâm đến tinh giản biên chế trong giáo dục

Tin tức - Ngày đăng : 14:31, 09/06/2017

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc lo ngại việc tinh giản biên chế khiến ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi yêu nghề.
Sáng 9/8, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội -Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết, cử tri rất quan tâm đến cải cách giáo dục và vấn đề tinh giản biên chế, vì đây là lĩnh vực lấy con người làm trung tâm.

Thượng tọa cho rằng, giáo dục là quy trình đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra là con người, quá trình vận hành cũng là con người. "Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu. Giáo viên không nặng nề phân biệt là công chức hay viên chức, là trong hay ngoài biên chế. Họ mong tiếp tục phấn đấu thi đua công bằng để cống hiến, khẳng định mình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hiện nay. Rất mong Bộ Giáo dục chú trọng", thượng tọa nói.

dai-bieu-quoc-hoi-quan-tam-den-tinh-gian-bien-che-trong-giao-duc

Hòa thượng Thích Thanh Quyết. Ảnh: Gia Linh

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, giáo viên trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) cho rằng quá trình tinh giản biên chế ở các cơ sở giáo dục thời gian qua chủ yếu là dừng tuyển dụng. Việc này gây ra nhiều bất cập, đơn cử như không có người kế nhiệm vị trí công việc.

"Ngành giáo dục nhiều địa phương đã dừng tuyển dụng từ lâu, có nơi dừng từ năm 2008. Nay lại thêm chủ trương tinh giản biên chế khiến lòng yêu nghề của giáo viên giảm sút, ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi yêu nghề. Đề nghị Chính phủ xem xét vấn đề này", đại biểu Phúc nói.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, chủ trương chuyển dần biên chế sang hợp đồng đối với giáo viên là thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Trung ương cũng như Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần có nguồn lực và động lực. Động lực đối với nhà giáo rất quan trọng nhưng đang có nhiều bất cập.

"Do quy định tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là ở trường phổ thông dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ. Bên cạnh đó, phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định, nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được chương trình mới. Vì vậy, Bộ mới đặt vấn đề chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng", ông Nhạ giải thích.

dai-bieu-quoc-hoi-quan-tam-den-tinh-gian-bien-che-trong-giao-duc-1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội sáng 9/6. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng cho biết, ngành đang nghiên cứu các đề xuất nhằm nâng cao chất lượng nhà giáo, từ đó thực hiện thành công đổi mới theo Nghị quyết 29. Nghị quyết này đã nêu rõ, năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và phẩm chất, khi cần thiết có thể đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt yêu cầu.

"Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi và chúng tôi thực hiện rất căn cơ, trước hết thí điểm ở khối đại học vì có thuận lợi là đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ", ông Nhạ nói và thông tin thêm, Bộ đã trao đổi với các đơn vị và Sở về vấn đề trên.

"Dư luận rất quan tâm và nhiều ý kiến cho rằng việc này phù hợp với điều kiện cơ sở và tâm lý giáo viên", ông Nhạ nói.

Theo Vnexpress.net