Khánh Hòa: Cô giáo mầm non nhiều đêm không ngủ khi ước mơ dạy học thành hiện thực

Tin tức - Ngày đăng : 11:58, 11/06/2017

Sau ngày đầu tiên đi dạy khi mới 20 tuổi, cô giáo Hoàng Thị Bạch Tuyết đã không ngủ được nhiều đêm liền sau đó vì ước mơ bấy lâu được dạy học mầm non đã thành hiện thực. Cô được đánh giá là một giáo viên linh động trong dạy học, được phụ huynh quý mến.

Hiện nay, cô Hoàng Thị Bạch Tuyết công tác tại trường mầm non Cam Phước Đông, xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Chia sẻ về lý do chọn nghề giáo, cô Tuyết cho biết, vì rất thích trẻ nhỏ nên ngày xưa khi còn học cấp 3, cô mơ ước sau này được làm giáo viên. Năm 1994, sau khi cô tốt nghiệp THPT, địa phương nơi cô sinh sống chú trọng đến việc ra lớp mẫu giáo của trẻ (4-5 tuổi).

“Tôi vội đi nộp đơn tại UBND xã Cam Phước Đông và được trúng tuyển. Tôi được tạo điều kiện đi học các lớp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương II Nha Trang”, cô Tuyết kể về những ngày đầu học tập, theo đuổi đam mê nghề giáo. Hiện nay, cô đã có trình độ chuyên môn Đại học Sư phạm mầm non.

“Với tôi, trong cuộc sống hàng ngày dù đi đâu, làm gì nếu thấy trẻ nhỏ là tôi nhìn một cách âu yếm và muốn tiếp xúc với các bé”, nữ giáo viên mầm non chia sẻ.

Cô Hoàng Thị Bạch Tuyết cùng các em học sinh mầm non trong một buổi học
Cô Hoàng Thị Bạch Tuyết cùng các em học sinh mầm non trong một buổi học

Đến nay, cô Tuyết đã có 23 năm dạy học cho học sinh mầm non. Nữ giáo viên kể, vào những năm 1995 đến khoảng năm 2000, cơ sở vật chất, lớp học còn nghèo nàn, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của trẻ trong độ tuổi mẫu giáo.

Do đó, vào đầu năm học mới, các giáo viên phải đi vận động những trẻ trong độ tuổi ra lớp, đặc biệt trẻ 5 tuổi. Ở thời điểm đó các trường mẫu giáo được gọi là trường mẫu giáo dân lập do các xã/phường quản lý. Đến năm 2011, loại hình mẫu giáo dân lập được chuyển sang mẫu giáo công lập thì việc dạy học cho các cháu được nâng lên rõ rệt về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chuyên môn của giáo viên.

Nữ giáo viên mầm non ở Cam Ranh cho rằng, để trở thành một giáo viên mầm non giỏi thì cần hội tụ nhiều yếu tố, trong đó tình yêu với trẻ là điều rất quan trọng. “Bản thân phải yêu nghề mến trẻ vì cô giáo mầm non như là người mẹ thứ hai của trẻ. Nếu không yêu trẻ, không mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thì khó vượt qua được những thử thách”, cô Tuyết chia sẻ về nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, cô cũng cho rằng, trẻ ở độ tuổi này thường làm theo những gì mình thích. “Trẻ không biết việc mình làm là tốt hay xấu, có hại hay có lợi, được khen hay là chê... Vì thế, một giáo viên kiên nhẫn chịu đựng sẽ biết cách kiềm chế trước những hành động non nớt của trẻ”, nữ giáo viên có nhiều năm trong nghề tâm sự.

Cô Tuyết (bìa phải) tặng hoa chúc mừng các đồng nghiệp trong một buổi lễ
Cô Tuyết (bìa phải) tặng hoa chúc mừng các đồng nghiệp trong một buổi lễ

Nữ giáo viên cho biết, đã 23 năm trôi qua sau ngày đầu tiên đi dạy nhưng đến giờ vẫn chưa quên cảm giác lâng lâng vui sướng khi được học sinh gọi là “cô giáo”.

“Đó là ngày đầu tiên đi dạy, vừa đến lớp thì các cháu gọi tôi: “Cháu chào cô!”. Lúc ấy tôi mới chỉ là cô gái 20 tuổi! Cảm giác của tôi rất vui sướng, tự hào và liên tiếp mấy đêm liền, tôi không ngủ được khi ước mơ làm cô giáo đã thành hiện thực”, nữ giáo viên kể.

Trao đổi thêm với PV Dân trí, cô Mai Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng trường mầm non Cam Phước Đông (TP Cam Ranh), cho biết: “Cô Tuyết là một giáo viên rất năng nổ, cũng là Chủ tịch công đoàn của trường, linh động trong công tác dạy học, được phụ huynh rất quý mến”.

Theo Dantri.com.vn