Kiến nghị xếp hạng đền thờ Ông Hoàng Mười là di tích quốc gia

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:28, 12/06/2017

“Đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là một di tích có sức sống mãnh liệt trong lòng Nhân dân, quanh năm thu hút rất đông du khách thập phương. Di tích này xứng đáng được được đề nghị xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”.
Giáo sư-tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) đã khẳng định như vậy tại Hội thảo khoa học “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười - huyện Hưng Nguyên, Nghệ An” diễn ra sáng (10/6) tại Hà Nội.
Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tổ chức.
​Nhận diện giá trị di tích
Theo thạc sĩ Phan Thị Anh - Phó trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An), đền ông Hoàng Mười (hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ) thuộc địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
“Đây là một trong những di tích nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ, đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh vào năm 2002”, bà Phan Thị Anh cho biết.
Làm rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho biết, di tích được xây dựng từ năm 1634 (dưới triều vua Lê Thần Tông) với quy mô bề thế. Theo quan niệm phong thủy, ngôi đền dựng trên vùng đất có hình tượng đầu một con hạc, trong hình thế “đầu đội Lam Giang, mỏ chầu Đồng Trụ”. Các công trình kiến trúc của di tích nhìn ra phía sông Lam (hướng Nam), phía sau dựa vào núi Kỳ Lân, Dũng Quyết.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, hiện nay, di tích được phục dựng trên cơ sở khung nhà cũ, theo đúng quy mô truyền thống, bao gồm khu đền và khu lăng mộ với tổng diện tích khoảng 10.615m2.
Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho hay, một trong những điểm nổi bật nhất của di tích này là gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đây là nơi thờ chính Quan Hoàng Mười.
Bên cạnh đó, đền cũng là nơi thờ các vị thần thuộc hệ thống Đạo Mẫu Tứ phủ của người Việt (Ngọc Hoàng, Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị vương quan…) và các nhân thần địa phương (như thành hoàng làng Nguyễn Duy Lạc, Nguyễn Duy Nhân...).
“Trong tín ngưỡng Tứ phủ, Quang Hoàng Mười là một nhân vật huyền thoại, con Vua cha Bát Hải Động Đình - vốn là một Thiên thần. Theo sự phân công của Vua cha và Đệ nhất Thánh Mẫu, ông Hoàng Mười giáng trần để giúp đời, được giao nhiệm vụ trấn thủ, coi sóc việc tâm linh ở vùng đất Nghệ An ngày nay. Ở nơi nào có điện thờ Mẫu thì nơi đó có tượng thờ quan Hoàng Mười”, thạc sĩ Phan Thị Anh cho biết.
Tại đền còn lưu giữ nhiều thư tịch, hiện vật quý; trong đó nổi bật là 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử, thẩm mỹ cao.
Ở một góc độ khác, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng cho hay, ở xứ Nghệ tồn tại các truyền thuyết (với nhiều dị bản khác nhau) về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười: gắn ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam (như Uy Minh vương Lý Nhật Quang - con trai vua Lý Thái Tổ, Cương Quốc công Nguyễn Xí - một người con xứ Nghệ từng tham gia nghĩa quân Lê Lợi chống quân xâm lược nhà Minh…).
“Tuy nhiên, trên hết, giá trị của một công trình văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ vẫn là nét đặc sắc nhất của di tích đền Quan Hoàng Mười. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Tứ phủ ấy cũng đã tạo nên cho di tích một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo - lễ hội truyền thống đền Ông Hoàng Mười”, thạc sĩ Phan Thị Anh khẳng định.
Lễ hội đền Ông Hoàng Mười
Hàng năm, tại đền Ông Hoàng Mười có hai kỳ lễ hội: Lễ hội rước sắc (dịp Rằm tháng 3 Âm lịch) và lễ khai điển - lễ hội chính (dịp 10/10 Âm lịch). 
Những tham luận tại hội thảo nhất trí cho rằng, một trong những nét đặc sắc của lễ hội đền Hoàng Mười là các hoạt động diễn xướng hầu đồng.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, hầu đồng (hay còn gọi là nghi lễ chầu văn) thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm; từ đó, đưa con người vào trạng thái ngây ngất.
Đây là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những ước muốn, khát vọng của mình. Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, hình thức này có thể giúp con người giao tiếp được với thần linh. Khi đó, các thanh đồng đóng vai trò trung gian, là cầu nối giữa con người và thần linh.
Trong khuôn khổ hội thảo, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển và các cung văn, hầu dâng đã thực hành diễn xướng hầu giá Quan Hoàng Mười, ngợi ca công đức, tài năng văn-võ song toàn của Ông Hoàng Mười. Ông ngự về tấu hương, khai quang, khi múa cờ xông pha trận mạc; lúc lấy quạt làm sách, lấy bút làm trâm cài đầu, vừa đi vừa ngâm thơ; hay cầm dải lụa vàng cùng người dân kéo lưới trên sông... 
Cũng như các đền, phủ khác trong cả nước, tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền Hoàng Mười hướng tới cuộc sống thực tại với niềm tin, ước vọng về phúc-lộc-thọ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng.
Khi diễn xướng giá hầu Quan Hoàng Mười, thanh đồng thường mặc áo màu vàng có thêu hình rồng kết uốn thành hình chữ “Thọ”, đầu đội khăn xếp, thắt dây vàng, cài chiếc trâm lệch màu vàng.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị: “Cần có những giải pháp để nâng tầm di tích và lễ hội ở đền ông Hoàng Mười ngang với vị thế là một trong những di tích gốc về một vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Muốn vậy, các nhà quản lý và giới chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, xác định chính xác các giá trị lịch sử văn hóa của di tích và lễ hội; để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích đền Quan Hoàng Mười là di tích cấp quốc gia và đưa lễ hội đền Quan Hoàng Mười vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng chỉ rõ: Hiện nay, các di tích liên quan đến tục thờ Mẫu ở nước ta được xếp hạng di tích cấp quốc gia thường thuộc hai loại hình: Di tích lịch sử hoặc di tích kiến trúc nghệ thuật.

Với đền Quan Hoàng Mười, hiện nay, còn tồn tại nhiều khúc mắc, quan điểm chưa thống nhất về lai lịch ông Hoàng Mười. Điều này gây khó khăn cho việc xem xét xếp hạng di tích theo loại hình dưới góc độ di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân). Bởi vậy, ông Hùng cho rằng, giới nghiên cứu cần tiếp tục sưu tầm tư liệu, nghiên cứu làm rõ thân thế, sự nghiệp ông Hoàng Mười.

Không chỉ có vậy, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, cần nghiên cứu so sánh để làm nổi bật những nét riêng, đại diện của di tích và lễ hội đền Quan Hoàng Mười (Nghệ An) trong hệ thống di tích và lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu trên cả nước.

“Một trong những việc quan trọng là đi sâu tìm hiểu, làm rõ sự sáng tạo của cộng đồng địa phương, vai trò, sự tham gia của các thành phần dân cư trong quá trìn hình thành, phát triển của lễ hội”, ông Hùng cho hay.

Theo kinhtedothi.vn