Tục cắt đúm chợ Đình ở Hoàng Xá
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 09:48, 13/06/2017
Tục Cắt đúm chỉ diễn ra vào phiên cuối năm, tức ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Táo lên chầu trời) và phiên đầu năm, tức ngày mồng Tám tháng Giêng, bởi phiên 28 tháng Chạp thì ăn vào chợ Tết rồi không kể và phiên mồng Ba tháng Giêng thì chợ chưa họp! Nói tóm lại là mỗi năm chỉ có một lần đầu năm và một lần cuối năm mà thôi!
Vào những phiên ấy, trai chưa vợ, gái chưa chồng thường háo hức rủ nhau đi “Cắt đúm”.
Thực ra, chỉ cánh con trai mới rủ nhau đi công khai và công phu chuẩn bị con dao lá nhỏ như của người hoạn lợn sắc lẹm, dấu kín trong kẽ tay, chứ cánh con gái thân thiết lắm mới thì thầm mách nhau, rỉ tai, bày cách khâu đúm, đeo đúm sao cho tiện nhất chứ ai lại rủ nhau thì… dơ chết! Nhưng đến cái tuổi trăng tròn vành, hoa mãn khai ấy, có cô gái nào lại không muốn đi chợ cắt đúm để… xem sao? Đúng ra là để cho người ta cắt đúm.
Xin được nói về “cái đúm”. Theo tiếng địa phương, đúm là một cái túi vải xinh xinh đựng một thứ gì đó của con gái, như gương, lược, trầu cau, vài đồng chinh, đồng xu, cũng có khi là đôi khuyên tai, nụ hoa…
Bình thường các cô giữ đúm rất cẩn thận. Họ cất trong ruột tượng, nghĩa là cái bao thắt ngang trước bụng, bên ngoài còn choàng thêm một cái dây lưng rộng khoảng gần gang tay, thắt bỏ múi duyên dáng. Kẻ cắp khó mà nhằn.
Nhưng đến phiên chợ cắt đúm này thì khác. Chiếc đúm mới màu sắc đẹp, thật xinh chỉ giắt sau dây lưng, buộc hờ hững lùi ra phía sau một chút để nó đong đưa cùng nhịp bước chân.
Vì các cô không có mục đích đi chợ mua sắm nên trong đúm thông thường chỉ có trầu cau, gương lược hoặc một tờ bao hương gấp kĩ (chất liệu để thao chút má hồng), một bông hoa ngọc lan, hoa nhài, hoa móng rồng… tùy theo sở thích mỗi cô.
Họ đi ch ợ để chơi. Nơi các cô ghé đông nhất là dãy hàng thầy bói ngồi để xin một quẻ cầu duyên, cầu tài, cầu lộc. Hoặc đến tam quan chùa Chè với ông đồng, bà cốt để được thì thầm, khấn khứa với một niềm tin ngây thơ, trong sáng…
Và, khi các cô ra về thì… đúm thường bị cắt tự bao giờ…
Đương nhiên, các cô không hốt hoảng lo sợ, mà chỉ… hồi hộp thôi.
Các cô ý tứ tách ra khỏi đám bạn bè và lặng lẽ ra về. Dưới vành nón nghiêng che các cô kín đáo liếc tìm. Để rồi giật mình khi có ai đó đạp nhẹ vào vai mà ngượng nghịu cười cười: “Giả này!” hoặc sỗ sàng chộp lấy bàn tay mà trách: “Sao mờ vô ý thế?”.
Nếu gặp người đã biết hoặc bụng cũng ưng ưng, các cô sẽ tủm tỉm lườm nguýt: “Rõ dơ!” kèm theo một cái liếc nhớ đời!
Nếu phải người không ưng, các cô sẽ vùng vằng, ghé nón đi thẳng mặc cho ai chưng hửng thẫn thờ!
Nhưng cũng có khi các cô nhận được một lời ướm ý bâng quơ:
Thứ này bắt được như không
Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về!
Nhác thấy chàng trai thanh lịch, các cô sẵn sàng đối đáp ngay:
Bắt được thì cho ai xin
Hay là giữ lấy làm tin cũng đành!
Rồi họ đi với nhau một đoạn, có khi chả nói với nhau câu nào nhưng tín hiệu của tình tứ, hẹn hò thì ai mà kể cho hết được?
Nhưng, nếu trên đoạn đường xuân đôi lứa, các nàng cảm thấy không hợp cho lắm, hoặc cũng muốn làm kiêu tí chút thì:
Thưa rằng, bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người!
Rồi ngoắt đi lối khác. Nhưng dù sao các cô cũng vui, niềm vui kiêu hãnh vì đã có người để ý đến mình.
Chỉ buồn cho những cô ra về mà đúm vẫn còn nguyên; Cô đành bước nhanh đến chỗ kín, cất vội vào bao mà không tránh khỏi chạnh lòng, bâng khuâng! Lòng tự hẹn lòng, đợi phiên sau hoặc liều đi chợ khác… Chợ Lau, chợ Quéo, chợ Đanh…
Không ít đôi lứa nên duyên cũng từ những phiên chợ cắt đúm này, cho đù họ có là người làng, người thiên hạ hay người dưng!