Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Gỡ vướng từ thể chế

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:06, 01/11/2021

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào 1 trong 137 nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ khóa XV và như dự kiến Dự Luật này sẽ được xem xét và thông qua tại hai Kỳ họp trong năm 2023. Đây là tin vui, bởi Thủ đô đang cần thêm những cơ sở pháp lý mạnh mẽ, toàn diện cho quá trình xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới, cũng như giải quyết những “điểm nghẽn” đang tồn tại.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Gỡ vướng từ thể chế
Đường Vành đai 4 được quy hoạch kết nối với tuyến cao tốc huyết mạch như tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Hải

Luật Thủ đô năm 2012 có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Hà Nội với vị trí là Thủ đô tại thời điểm ấy. Các cơ chế đặc thù quy định trong luật bước đầu giúp Hà Nội huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về nhiều lĩnh vực, trong đó có kết cấu hạ tầng, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị…

Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành không cao, dẫn đến khó đi vào cuộc sống. Trong đó có những vấn đề đã được chỉ ra nhiều lần đó là Luật còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại hoặc những vấn đề mới phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển. Đặc biệt, vẫn thiếu những quy định mang tính đặc thù, vượt trội đúng với vị trí, vai trò của Thủ đô. Hơn thế nữa, nhiều văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật và quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế, khiến không ít quy định tại Luật Thủ đô trở thành lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn.

Việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật đã được TP Hà Nội đề cập đến nhiều lần và những công việc liên quan đến đánh giá tác động, tổng kết thực tiễn cũng được tiến hành, với mong muốn phát huy hiệu quả của một thể chế đặc biệt này. Hiện, Hà Nội đang “tăng tốc” việc tổng kết Luật, nghiên cứu, đề xuất các định hướng sửa đổi toàn diện Luật. Qua đó, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Nhiều định hướng lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung và nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành, chuyên gia. Từ tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn, đến tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực tài chính - ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa xã hội... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của TP… Đặc biệt, xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện thực tiễn, mục tiêu xây dựng Thủ đô

Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với sự phát triển của Hà Nội. Đúng như lãnh đạo Quốc hội và TP đã nhận định, việc làm rõ đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để thiết kế các điều luật, cơ chế chính sách đặc thù vượt trội là rất cần thiết. Tầm nhìn bao quát, tính dài hạn của Luật cũng được đề cập tới, bởi Luật không chỉ giải quyết những vấn đề, điểm vướng trước mắt của Hà Nội mà còn là sự phát triển trong mối quan hệ chung của vùng, cả nước. Với những bước đi chắc chắn, việc sửa đổi Luật, đưa ra được các quy định phù hợp, khả thi, sẽ giúp Luật khi ban hành thật sự đi vào cuộc sống, là cơ hội để Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh cho các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

KTĐT