Mấy tục lạ trong Hội làng Hà Nội
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 16:03, 15/06/2017
Từ thời Lê, Nhà nước phong kiến có chủ trương ghi điển tích của các vị Thần, Thánh, để vua căn cứ vào đó bao phong mỹ tự mỗi khi ban sắc. Tại Đền Hàng Tổng huyện Thanh Oai là nơi thờ “Ông Bõ Đại Từ, bà U Cát Động” cùng hai người con là “Chàng Cộc Kim Bài, Chàng Dài Kẻ Ó”. Mỗi khi làm đại lễ các làng phải chuẩn bị:
- Làng Đôn Thư làm một nhà nhỏ để bày lễ bằng lá sen.
- Làng Chuông phải chuẩn bị một thuyền lớn và có người kéo ngược dòng.
- Làng Văn Quán chuẩn bị đủ dầu đèn thắp sáng trong đêm tế lễ. Việc phân công trở thành Tục lệ:
Đôn Thư làm nhà lá sen
Làng Chuông kéo thuyền, Văn Quán thắp canh
Dân Kim Bài làm hình nhân hai ông bà Võ, hình nộm hai chàng Rắn, Cát Động thì tổ chức trò vui, gánh hát.
Trong ngày lễ, lại có người làng Yên Nhân đến làm trò vui trong đám rước, họ đi giật lùi trước cỗ kiệu. Xuống đến bên sông Đôn Thư thì xuống thuyền kéo ngược dòng và Đền Ông Bõ ở Đại Từ để tổ chức tế lễ.
2. Tục làm hoa thuyền ở thôn Chằm Bầu, xã Kim Chung.
Các cụ cao tuổi thôn Chằm Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, đến nay vẫn còn nhớ câu “Mồng Tám mở hội, mồng Chín vui Xuân, mồng Mười đóng thuyền, Mười một tế cáo, Mười hai rước quay mũi thuyền, hóa mã và giã hội” để nhắc lịch làm lễ thờ Thần trong thôn Chằm Bầu… Trong ngày lễ, có tế rước thuyền Tiên Chúa. Theo Tục lệ của làng thì trước ngày mồng Mười tháng Giêng các trai làng đã vào Hội Hương ẩm được cử đi mua gỗ đóng thuyền. Nhưng mua gỗ gì và mua ở đâu? Các cụ giải thích rằng: Tuy nói là mua gỗ đóng thuyền nhưng thực ra là đến các xóm Bãi ven sông Hồng, nơi có hàng ngàn cây chuối tại các vườn nhà. Những chàng trai đó phải khéo léo xin nhà chủ cho phép cắt những tài lá chuối to nhất, dài nhất, đem về đóng thuyền Tiền Chúa Tiên Dung. Những nhà có vườn chuối cũng vui vẻ giúp cho khách “mua” được gỗ tốt, họ tin rằng được góp phần nhỏ vào lễ Chúa thì sẽ được Tiên Chúa phù hộ quanh năm.
Những tàu lá thu được đem về sân đình được các cụ lựa chọn từng tàu, bỏ đi lá rách, hoặc tàu lá có vết sâu đục. Sauk hi chọn, các cụ dùng dao dọc bỏ lá, xếp ba cái làm một, dùng đinh tre đóng qua, ghép với nhau cho chắc chắn. Những người được giao làm thuyền Tiên Chúa phải là người có chân trong Tư văn, trong Hương ẩm. Làm thuyền xong, các cụ dùng đồ mã trang hoàng trên thuyền, làm cho lâu thuyền có linh xa tám mái, cờ, quạt. Khi thuyền được làm xong, có kích thước 1,5m x 1,8m, rỡ ràng tráng lệ được rước chung của làng. Đám rước đi tới Đền Tiên Chúa, các bà làm lễ dâng hương. Lễ xong, ai nấy nhẹ tay nâng thuyền ra Chầm Bầu nhẹ nhàng thả xuống nước, diễn lại tích Công chúa Tiên Dung thanh thản dạo chơi trên sông hồ.
3. Tục Luồn kiệu ở làng Nhược Công
Trong lễ hội làng Nhược Công (nay là phường Thành Công, quận Ba Đình) có rước kiệu của hai vợ chồng vị Thành hoàng là Công Ba đại vương và Thụ La Công chúa. Ông là một vị quan dưới triều vua Lý Huệ Tông, bà là người thợ dệt giỏi của làng Nhược Công, lại hay chữ nên được triều đình mời dạy các cung nữ.
Khi nữ vương Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh, nhường ngôi cho họ Trần, các ông Đoàn Thượng, Đoàn Thưởng cùng nổi binh chống lại nhà Trần. Nhưng lòng trời đã định, thế nước khó xoay nên các ông đều bị chết. Bà Thụ La nghe tin chồng chết dũng tử tiết theo chồng. Hai vị được thờ làm Thành Hoàng làng Nhược Công.
Đời sau có thơ rằng:
Chồng Trung vợ Tiết chết như sinh
Sống cũng vinh mà chết cũng vinh
Vạn thuở cương thường lưu trần thế
Miếu đường hương hỏa mãi cao minh
Hội làng tổ chức vào ngày 13 tháng Hai ta. Khi kiệu Ông, kiệu Bà đã ra khỏi cửa đình đi diễu hành trên đường, có nhiều phụ nữ bế con nhỏ đứng bên đường, chờ dịp là chui qua kiệu Thánh. Ai cũng vui mừng khi đưa được bé chui qua kiệu Bà, họ cho rằng “đó là Tục lệ của làng”. Các cháu được khước của Ngài sẽ thông minh mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn.
4. Tục ném quả chài giữa hai làng Tiên Ca – Lễ Pháp
Làng Lễ Pháp, huyện Đông Anh, thờ Đống Vĩnh Linh Quang đại vương, ông là con trai tướng quân Nồi Hầu dưới triều vua An Dương Vương. Khi nhà vua xây thành ốc, được bầy tiên nữ xuống giúp. Lúc nghỉ ngơi, các cô hay ca hát. Đống Vĩnh tuy là tướng, nhưng rất mê thích các tiên hát, nên thường lẻn đến nghe trộm. Sau khi ông hóa, dân làng Lễ Pháp thờ ông nhưng Ngài vẫn tìm đến Tiên Ca để gặp gỡ. Dân làng Lễ Pháp mới tìm cách lấy trộm bài vị Tiên nữ đem về. Việc bại lộ, dân Tiên Ca đuổi theo, đến Chuôm Rậm, ví quá, dân Lễ Pháp đành giấu bài vị rồi chạy, dân Tiên Ca đến nơi, quăng chài mò tìm bài vị không thấy, nên bỏ về. Người Lễ Pháp đến tìm được mang về đình phối thờ. Cho đó là điềm Giời nên dân Tiên Ca không thù oán, mà hai làng kết chạ với nhau. Hàng năm, khi làng Lễ Pháp mở hội, lúc rước kiệu Thánh về đền, dân Tiên Ca thường nhặt đất ven đường ném theo (như động tác ném quả chài, mò tìm bài vị ngày xưa). Hai làng tin rằng có làm như thế thì vụ dưa hồng hàng năm mới sai quả.