Bảo đảm quy trình chạy thận nhân tạo
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:35, 16/06/2017
Sau biến chứng chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong ở tỉnh Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác kiểm tra bảo đảm an toàn, tránh biến chứng cho 3.000 bệnh nhân đang phải chạy thận trên địa bàn.
Tăng cường chất lượng điều trị
TP Hồ Chí Minh hiện có 32 bệnh viện đang tiến hành kỹ thuật lọc thận nhân tạo, với tổng số 518 máy lọc sử dụng cho 3.000 bệnh nhân. Nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, ngày 31-5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn, yêu cầu các bệnh viện trên tăng cường chất lượng bảo đảm an toàn người bệnh trong thực hiện kỹ thuật lọc máu - thận nhân tạo.
Công văn chỉ rõ các quy định và những vấn đề quan trọng cần tuân thủ khi tiến hành lọc máu - thận nhân tạo, bao gồm chỉ định lọc máu - thận nhân tạo phù hợp phác đồ điều trị của Bộ Y tế, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn đối với nguồn nước và dụng cụ y tế; bảo đảm loại bỏ hoàn toàn hóa chất khử khuẩn tồn dư đối với dụng cụ lọc máu, đặc biệt là quả lọc, dây lọc máu và hệ thống nước R.O; bảo đảm các yêu cầu về nhân sự thực hiện lọc máu - thận nhân tạo cũng như các điều kiện cấp cứu kịp thời nếu xảy ra tai biến.
Qua kiểm tra, ngày 31-5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện đơn vị Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh (quận Gò Vấp) không có đủ số lượng bác sĩ phụ trách nên đã cho tạm dừng hoạt động. Sau khi bệnh viện này bổ sung nhân sự mới cho đơn vị thận nhân tạo, Sở Y tế mới tạm thời chấp thuận cho hoạt động trở lại.
Thường xuyên kiểm tra quy trình
Trong số 32 bệnh viện được chạy thận nhân tạo TP Hồ Chí Minh, có 13 bệnh viện tuyến quận, huyện được thực hiện kỹ thuật này. Việc chạy thận về bệnh viện tuyến quận, huyện hoàn toàn phù hợp. Trong khi các bệnh viện tuyến trên quá tải, các bệnh viện tuyến dưới được phép thực hiện kỹ thuật này giúp người suy thận mạn được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, sau sự cố chạy thận ở tỉnh Hòa Bình, nhiều chuyên gia y tế lo ngại việc TP Hồ Chí Minh đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo xuống các bệnh viện tuyến quận, huyện sẽ có khả năng xảy ra biến chứng cho người bệnh.
Trong số các bệnh viện ở tuyến quận, huyện, Bệnh viện quận Gò Vấp là đơn vị mới triển khai kỹ thuật lọc thận nhân tạo. Quy trình kiểm tra chạy thận ở đây đã được Sở Y tế kiểm tra kỹ lưỡng, đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới cấp phép. Bác sĩ Phạm Hữu Quốc - Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp nói "Bệnh viện được triển khai chạy thận nhân tạo vào tháng 2-2017. Hiện nay, bệnh viện đang chạy cho 60 bệnh nhân/ngày và chuẩn bị tiếp nhận thêm bệnh nhân. Sau sự cố y khoa ở Hòa Bình, bệnh viện đề cao cảnh giác hơn nữa, tiến hành họp với các nhà đầu tư hóa chất để rà soát quy trình chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, chúng tôi xây dựng các phác đồ điều trị các biến chứng thường thấy khi chạy thận như: Tụt huyết áp, sốc phản vệ, chuột rút. Đồng thời, triển khai hệ thống báo động nhanh nhất để xử lý kịp thời các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra".
Tại Bệnh viện quận Thủ Đức, kỹ thuật chạy thận nhân tạo đã được triển khai từ lâu. Mỗi ngày bệnh viện quận tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến chạy thận, và 10 bệnh nhân hiện được chạy thận tại Trạm y tế Bình Chiểu - là trạm xá vệ tinh của bệnh viện này. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, bệnh viện đã rà soát lại toàn bộ quy trình chạy thận và trạm y tế phường Bình Chiểu, tăng cường tập huấn xử trí tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Thiết nghĩ, việc các bệnh viện thực hiện tốt kiểm tra quy trình chạy thận là cần thiết, nhưng công tác này phải tiến hành thường xuyên, nếu lơ là sẽ xảy ra những hậu quả khó lường.