Tổ ấm của trẻ khuyết tật
Tin tức - Ngày đăng : 08:23, 19/06/2017
Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Hà Nội đang nuôi dưỡng 165 trẻ từ sơ sinh trở lên, trong đó rất nhiều cháu bị khuyết tật bẩm sinh hoặc trí tuệ kém phát triển. Với tình thương, sự tận tâm, trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm đã biến nơi đây thực sự trở thành tổ ấm của những trẻ đang phải chịu nhiều thiệt thòi.
Dạy nghề cho trẻ tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Hà Nội
Đàn chim non lạc mẹ
Không hẹn trước, chúng tôi đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì) vào trưa hè tháng sáu nắng gay gắt. Không gian nơi đây thoảng hương ngọc lan, tĩnh lặng, yên bình. Nhưng điều xúc động, làm dịu lòng người nhất có lẽ chính là tình thương, sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm của những người đang hằng ngày làm việc ở trung tâm này. Lần nào tới đây, chúng tôi cũng có cảm xúc đặc biệt về những đứa trẻ như “chim non lạc mẹ”, đang được tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm và cộng đồng chở che, nuôi dưỡng…
Dẫn chúng tôi đi chia quà cho từng bé, Phó Giám đốc Trung tâm Phùng Công Lợi luôn được các con chào hỏi lễ phép, bé nào cũng gần gũi với cán bộ Trung tâm như người thân của mình. Cũng đúng thôi, bởi đây chính là ngôi nhà chung và các cô chú ở Trung tâm là chỗ dựa cho các bé…
“Đã có cậu bé được Trung tâm nuôi dưỡng tới tuổi trưởng thành, có việc làm, lập gia đình, nhưng được một thời gian, lại quay trở về xin sống trong Trung tâm vì không nơi nào có cảm giác thân thiết, vui vẻ như ở ngôi nhà này”. Phó Giám đốc Trung tâm Phùng Công Lợi tâm sự với chúng tôi.
Trong các căn phòng là tổ ấm của lũ trẻ, nơi chúng ăn uống, nô đùa, được quan tâm, chăm sóc. Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, giường được thiết kế phù hợp, an toàn: Bé nào khuyết tật nặng thì nằm giường riêng; nhóm nhẹ hơn được nằm chung giường lớn, để chúng có thể đua nhau ăn và vui chơi… Thấy bé nào cũng ngây thơ, hồn nhiên đến nao lòng!
Nhìn đôi mắt to tròn, đen láy như sáng lên của cô bé tên là Lan Thu khi chúng tôi hỏi chuyện mới thấy hoàn cảnh của con thật thương cảm. Lan Thu đã 9 tuổi. Bé được đưa vào Trung tâm từ khi mới sinh và mang căn bệnh xương thủy tinh. Dù được tận tình chăm sóc, đôi chân bé nhỏ cứ mềm oặt, không thể phát triển bình thường. Cùng nhóm bệnh với Lan Thu còn rất nhiều bé khác. Các con không thể tự di chuyển, mọi sinh hoạt cá nhân đều được các cô, chú ở Trung tâm và các tình nguyện viên chăm sóc chu đáo, tận tình…
Trách nhiệm - tình người
Chúng tôi đến Phòng Chăm sóc trẻ sơ sinh, nơi đang có 20 cháu được nuôi dưỡng đặc biệt. Trong nhóm sơ sinh này, nhiều bé phát triển khỏe mạnh. Vậy nhưng, cũng có nhiều bé bị bệnh bại não, hội chứng chậm phát triển trí tuệ hoặc dị tật... Nhìn những gương mặt non nớt, từng thân thể nhỏ bé nằm, bò, đứng, chập chững bước đi... ai cũng xót xa. Chúng tôi thoáng nghĩ đến những người sinh ra chúng... Có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau mà họ đã bỏ rơi “giọt máu” của mình. Giá như các bé được hưởng sự ôm ấp, vỗ về bằng bầu sữa ấm của người mẹ và tình thương, trách nhiệm của người cha!
Thấu hiểu được sự mất mát “kép” ấy của các con, cả cộng đồng luôn sẵn sàng chung tay giúp các con vơi đi phần nào sự thiệt thòi. Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Thị Nguyễn Nhạn - Tổ trưởng Tổ Sơ sinh xúc động: “Với tấm lòng người mẹ, hễ nghe có trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi ở các bệnh viện hay các nơi khác, tôi trực tiếp đến tận nơi đón về, chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm. Chăm bé mới sinh vốn đã vất vả, bận rộn, nhưng với các bé này thì sự vất vả đó tăng gấp bội vì các cháu thiếu nguồn sữa mẹ, sức đề kháng kém, dễ đổ bệnh; thương nhất và cũng cực khổ nhất là những bé bị khuyết tật nặng, không có hậu môn, dị tật... Vì vậy, chỉ có tình yêu trẻ, tâm huyết, không ngại khó khăn, gian khổ mới có thể làm được công việc này”…
Phó Giám đốc Trung tâm Phùng Công Lợi cho biết: 51 năm qua, nơi đây đã trở thành mái ấm cho hàng nghìn người già, trẻ khuyết tật, trẻ bị bỏ rơi... Hiện tại, 102 cán bộ, nhân viên của Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 358 đối tượng, trong đó có 165 trẻ em. Nhiều trẻ lúc vào Trung tâm chỉ nằm một chỗ, nhưng được chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ, đặc biệt là được chữa bệnh, phục hồi chức năng, dần dần một số bé đã tự vận động được như: Ngồi, đi, tự ăn, nói, viết…
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Mạnh Cường - cán bộ phục hồi chức năng của Trung tâm cho biết “lịch”: “Hằng ngày, chúng tôi đưa trẻ đi phục hồi chức năng bằng nhiều liệu pháp, trực tiếp xoa bóp chân tay và tập các động tác, khôi phục giác quan. Mọi sự thay đổi của các bé đều được ghi chép tỉ mỉ, qua đó sàng lọc từng trường hợp để có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bé. Công việc này, ngoài tình thương, trách nhiệm, phải có chuyên môn và kỹ năng chăm sóc trẻ”.
Có thể nói, với trẻ khuyết tật, Trung tâm đã trở thành “tổ ấm” đúng nghĩa. Các con được chăm sóc, che chở, bảo đảm sức khỏe và đời sống tinh thần phong phú. Cùng với Trung tâm, sự chia sẻ của cộng đồng cũng góp phần quan trọng giúp các bé vơi bớt khó khăn… Trò chuyện với một cô gái nước ngoài có mái tóc vàng, dáng người cao mảnh đang rửa bát cùng một cậu bé ở Trung tâm, cô diễn đạt khi tiếng Anh, khi tiếng Việt, chúng tôi hiểu tên cô là Justine, 24 tuổi, đến từ Australia; đã tình nguyện làm việc ở Trung tâm được 1 năm 7 tháng. Với nụ cười thân thiện, cô nói bằng tiếng Việt tuy chưa lưu loát nhưng khá rõ: "Em thích ở đây. Em làm việc cùng các bé và người già. Rất vui". Justine là một trong nhiều tình nguyện viên quốc tế đã đến Trung tâm giúp đỡ người già, trẻ khuyết tật những công việc cụ thể, thiết thực…
"Rất nhiều cá nhân, tập thể trong nước và quốc tế đã tới đây giúp đỡ người già, trẻ em ở Trung tâm… với tinh thần tự nguyện. Điều này khiến cán bộ nhân viên Trung tâm trân trọng, trách nhiệm và gắn bó hơn với công việc. Đặc biệt, những năm gần đây, các trường học đã đưa học sinh đến giao lưu; nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó có Báo Hànộimới đã tổ chức cho con em của cán bộ, công nhân viên đến thăm Trung tâm. Ngoài hỗ trợ đáng quý về vật chất, quà tặng… những cuộc giao lưu đó mang ý nghĩa đặc biệt: Các bé ở Trung tâm được học hỏi, hòa nhập với bạn cùng trang lứa, và cũng qua đó góp phần giáo dục, khơi gợi cho học sinh về tình thương, sự đồng cảm, chia sẻ với người kém may mắn… Tôi nghĩ đó là những đóng góp rất quý giá, đáng trân trọng và lan tỏa trong cộng đồng” - Phó Giám đốc Trung tâm Phùng Công Lợi chia sẻ.
Rời Trung tâm, trong mỗi chúng tôi dường như ai cũng suy tư về thân phận những đứa trẻ non nớt và tương lai của các bé sau này khi thiếu hơi ấm mẹ cha. Quyền trẻ em đã rõ ràng, nhưng để mỗi trẻ được hưởng trọn vẹn quyền đó vẫn là câu chuyện còn nhiều trăn trở.