Làm báo cờ giải phóng ở chiến trường khu 5

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:50, 19/06/2017

Tháng 7 năm 1966 tôi rời Hà Nội, sau hai tháng rưỡi vượt Trường Sơn trong mùa mưa bão, tôi vào đến căn cứ kháng chiến chống Mỹ của khu 5, lúc này đang đóng ở vùng núi phía tây huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tôi được phân công làm Thư ký toà soạn báo Cờ giải phóng, cơ quan của Mặt trân dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ. Tổng biên tập là đồng chí Hồ Dưỡng, Phó trưởng Ban Tuyên huấn Khu ủy kiêm nhiệm.
Làm báo cờ giải phóng ở chiến trường khu 5
Bộ phận in báo “Cờ giải phóng” - Nhà in Giải phóng Ban Tuyên huấn khu 5 (C9).
Chất liệu màu nước 02/1968 
Báo Cờ giải phóng được thành lập từ năm 1962, lúc đầu in trên giấy manh, về sau mới có giấy in báo. Báo xuất bản mỗi tháng hai kỳ, sau lên ba kỳ, mỗi kỳ bốn trang khổ 30 x 40 (cm). Những ngày lễ, tết báo ra sáu đến tám trang, có khi đến mười hai trang.Tổng số người viết tin, bài, kể cả họa sĩ vẽ tranh minh họa, châm biếm và trình bày báo chỉ có năm người.Sau này, lúc biên chế cao nhất cũng chỉ có tám người, trong đó có một số đã làm báo nhiều năm như Lê Nam Bằng, Hoài Nam, Nguyễn Đình An.

Điều tôi ngạc nhiên khi mới nhận công tác ở chiến trường là mặc dù số người ít như vậy nhưng thời giờ dùng cho công tác chuyên môn viết báo chỉ chiếm một phần ba tổng số thời gian lao động trong một năm. Hai phần ba thời gian còn lại dành để phát rẫy trồng lúa, khoai, tự cấp một phần lương thực và để gùi cõng vận chuyển gạo muối, thực phẩm từ đồng bằng lên hoặc từ các trạm tiếp nhận lương thực từ miền Bắc chuyển vào. Ngoài ra còn phải dựng nhà cửa, lán trại mỗi khi di chuyển đến chỗ ở mới. Thời kỳ địch đánh phá ác liệt khu căn cứ như các năm 1968, 1969, mỗi năm Tòa soạn phải di chuyển chỗ ở bốn, năm lần. Mỗi lần dời có khi phải đi hai, ba ngày đường mới tới chỗ mới. Đến nơi là bắt tay ngay vào việc chặt cây làm nhà, bàn ghế ngồi viết. Nói chung ai cũng phải làm đủ ba việc: chuyên môn, sản xuất và gùi cõng nhưng thời gian phân chia cho cho từng người và từng lúc không nhất thiết như nhau.

Có lần họa sĩ Lý Châu Hoàn xung phong đi làm rẫy sản xuất lúa ngô thay cho toàn Tòa soạn. Một mình anh với hai bàn tay  trắng lên đường từ huyện Giằng vào tận rừng sâu Trà My, xoay xở đủ mọi thứ từ xoong nồi nấu ăn đến giống lúa, ngô, khoai, phát rẫy trồng tỉa, đảm bảo thu hoạch đủ số lương thực qui định cho tất cả các cán bộ Tòa soạn!

Năm 1968, nhà báo Phạm Hồ, Ủy viên Ban biên tập báo Hà Tĩnh, vào chiến trường khu 5, sau một thời gian làm công tác biên tập ở Tòa soạn báo Cờ giải phóng, đến lượt đi sản xuất, anh phải lao động trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt, sức khỏe yếu, bị sốt rét ác tính, đã lặng lẽ hy sinh trong trại sản xuất hẻo lánh giữa rừng sâu. Nhà báo Lê Ái Mỹ từ báo Lao động vào, rất hăng hái xông xáo đi vào tận các vùng sát nách địch ở Quảng Ngãi, Quảng Nam…viết nhiều bài cho báo, trong một lần đi cõng gạo ở miền núi huyện Trà Bồng đã bị địch phục kích bắn chết.

Vào chiến trường mới ba năm, tôi được biết có đến gần mười nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ thuộc Ban Tuyên huấn khu hy sinh. Mỗi anh chị ra đi là một tổn thất nặng nề . Riêng đối với báo, vốn ít người, khó khăn thêm chồng chất. Mất một cây bút, báo có thể ra chậm năm ba ngày chứ nhất định không bỏ một kỳ nào. Địch càng đánh phá ác liệt, chiến khu càng phải có báo để củng cố lòng tin của cán bộ, nhân dân.

Làm báo cờ giải phóng ở chiến trường khu 5
Cuối năm 1968, chúng tôi đang chuẩn bị làm số báo đầu Xuân Kỷ Dậu 1969, thì có lệnh phải di chuyển cơ quan khẩn cấp vì địch chuẩn bị đánh phá vùng chúng tôi đang đóng trụ sở. Đến chỗ ở mới, bên bờ sông Thanh – một con sông nhỏ thuộc thượng nguồn sông Vu Gia, gần làng Rô đã đi vào thơ Tố Hữu: “Ôi làng Rô nhỏ của tôi ơi, cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng”… chính dưới chân ngọn núi này, chúng tôi bắt đầu đốn cây, chặt lá, làm nhà, đào bếp “Hoàng Cầm”. Công việc đồn dập. Trước mắt Tòa soạn là tám trang báo Tết phải hoàn thành giữa tháng chạp âm lịch để có thể in xong phát hành trước Tết! Tất cả phóng viên đều ra mặt trận, không còn ai ở căn cứ. Có người đi đã bảy tám tháng chưa trở lại cơ quan. Thư ký tòa soạn đến lượt phải đi gùi gạo. Thời gian đi và về mất 11 ngày một chuyến. Không có gạo thì cũng không thể nặn ra bài, tin được. Tôi cố gắng phấn đấu rút ngắn thời gian đi đường và vừa đi đường, vừa suy nghĩ. Những bài không cần phải tra cứu tư liệu chính xác như ca dao, câu đối, chuyện vui … thì nghĩ được đến đâu giở sổ tay ra ghi đến đó. Về nhà chỉ việc sửa chữa lại là xong.

Năm ấy 1969, kỷ niệm 180 năm ngày chiến thắng Đống Đa, đó là năm chẵn, cần có bài đàng hoàng! Moi trí nhớ, tìm tài liệu, viết được một bài thật là gian khổ. Cuối cùng, bài “Mùa xuân Nguyễn Huệ” dài 1000 từ cũng được hoàn thành. Và trên số báo Xuân có đủ xã luận, bài tổng kết chiến thắng, thơ chúc Tết của Bác Hồ, tranh cổ động nhiều màu. Họa sĩ Hồng Chinh Hiền vẽ bức tranh bốn màu dài suốt chiều ngang trang báo, vừa vẽ xong là thợ khắc đã khắc ngay trên gỗ suốt đêm cho kịp. Không ra được tám trang như dự định, đành rút xuống sáu trang. Nhà in đang trên đường di chuyển. Dù chưa ổn định chỗ ở, cũng cố gắng đặt máy, làm luôn đêm, in báo xong trước Tết, kịp phát hành đến các cơ quan khu vào những ngày sát Tết.

Kháng chiến thắng lợi ngày càng lớn, vùng giải phóng mở rộng. Ngoài cán bộ của toà soạn, báo còn được sự công tác đắc lực của các cơ quan khu như Tuyên truyền, Văn nghệ, Thông tấn xã, Quân đội… và các tỉnh. Một số nhà báo, nhà văn và nghệ sĩ từ Trung ương vào đã tích cực cộng tác với báo. Trong đó có những cây bút của Thông tấn xã được đông đảo bạn đọc biết như: Võ Thế Ái, Vũ Đảo, Dương Đức Quảng, Phạm Việt Long, các họa sĩ Hà Xuân Phong, Hồng Chinh Hiền (Trần Hữu Chất), Trần Việt Sơn, Giang Nguyên Thái… 
Nội dung và hình thức báo ngày một cải tiến, hấp dẫn. Cuối năm 1972, bắt đầu có bản kẽm từ miền Bắc đưa vào và về sau, báo cũng tự làm được bản kẽm cho nên đăng được nhiều ảnh trên báo, không phải chỉ có tranh khắc gỗ như trước.
Nguồn tin tức chiến sự, tin thời sự, tin về miền Bắc XHCN vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ cũng như việc chi viện cho tiền phương, chúng tôi đều lấy từ các Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh giải phóng và các đài bạn như Đài Mạc Tư Khoa, Đài Bắc Kinh … Bên cạnh đó, Ban Tuyên huấn khu 5 còn có bộ phận tê-lê-típ gọi là đài Minh ngữ có mật danh là C8 do đồng chí Sinh phụ trách. 

Cũng như cán bộ của tất cả các cơ quan khu ngày ấy, anh chị em trong tiểu ban báo Cờ giải phóng ngoài việc làm chuyên môn đều dành phần lớn thời gian tham gia gùi cõng, sản xuất … để tự túc lương thực, thực phẩm … Sau chiến dịch Mậu Thân, toàn khu 5 đói to, nguyên nhân là do địch đánh phá dữ dội đường dây 559 nên việc nhận chi viện lương thực từ miền Bắc vào rất khó khăn. Nhiều anh chị em trong cơ quan lăn ra sốt rét, cái đói và cái rét triền miên khiến anh chị em làm báo trong những năm tháng ấy thật vô cùng gian nan, vất vả.

Khi đã có nội dung, họa sĩ Lý Châu Hoàn phải lên maket trình bày, trang đầu luôn dành để đưa những tin tức, sự kiện nổi bật, những năm đó, việc làm báo đúng là khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Từ Chủ nhiệm đến Thư ký, phóng viên trị sự … đều phải tự làm tất cả mọi việc để cho ra được tờ báo. Họa sĩ Lý Châu Hoàn kiêm cả họa sĩ vẽ tranh biếm họa, tranh truyện … Từ địa điểm của Báo, chúng tôi lại phải mang maket tới nhà in, có khi đi mất cả hai, ba ngày đường. Nhà in lúc đó cũng đã in được typo, chữ đúc bằng chì được sắp thành từng bát chữ rồi đưa vào máy in. Đây là cỗ máy in Tứ Khai của Trung Quốc viện trợ từ những năm kháng chiến chống Pháp. Máy rất nặng, phải tới hai, ba tấn, riêng bánh xe đà đã tới 400 kg. Máy có Pê-đan, công nhân in phải thay nhau dận Pê-đan để vận hành máy – lại phải đào hầm cho máy xuống để tránh tiếng ồn. Mỗi lần cần di chuyển địa điểm, anh chị em nhà in phải tháo rời từng bộ phận rồi người khiêng, kẻ vác, chữ in thì cho vào gùi để đeo sau lưng … Bởi vậy, bộ phận in (có mật danh là C9) có phong trào hoạt động thanh niên rất sôi nổi, có nhiều anh, chị, em sau giải phóng đã được đi học để bồi dưỡng chuyên môn và chính trị, nhiều người đã trưởng thành, thành những cán bộ nòng cốt cho tỉnh và cho Trung ương.

Riêng bộ phận báo Cờ giải phóng thời đó đã chuyển trụ sở ở nhiều nơi trong vùng rừng núi khu 5. Đó là những địa danh giờ đã đi vào kỷ niệm của một thời. Năm 1966 ở vùng Nước Xa huyện Trà My. Cuối năm 1967di chuyển ra bến Giằng để chuẩn bị Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Sau đó, giữa năm 1969 cơ quan chuyển ra vùng Nước Leng ở huyện Quế Sơn. Năm 1971 trong một lần đi công tác, nhà thơ Nguyễn Mỹ ở tiểu ban Tuyên truyền Khu ủy khu 5 đã hy sinh. Nguyễn Mỹ với bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” đã ngã xuống năm anh vừa tròn 35 tuổi. Hiện mộ anh nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà My. Năm 1971, báo Cờ giải phóng về khu A8 ở huyện Nam Trà My, cuối năm 1971 về Dốc Voi, tới năm 1973 thì về sông Trà Nô, gần cầu Bà Huỳnh, Bà Xá ở huyện Hiệp Đức tỉnh Quảng Nam.

Suốt những năm kháng chiến, báo Cờ giải phóng miền Trung Trung Bộ luôn đi sát Ban Tuyên huấn khu 5, những anh chị em làm báo chúng tôi một lòng, một dạ làm báo cho Cách mạng. Đói cơm, gian khổ, ác liệt, bệnh tật … nhưng không một ai dao động. Nhớ lại những năm tháng gian nan và đầy ắp tình người khi ấy, chúng tôi đều cảm thấy tự hào và trong sâu thẳm tâm trí mỗi người, những năm tháng đó không thể nào quên.

Đặng Giang