Vì sao Chelsea vẫn thành công dù là 'cỗ máy xay HLV'
Âm nhạc - Giải trí - Ngày đăng : 15:58, 19/06/2017
Jose Mourinho vô địch mùa 2014-2015 và gần như khủng hoảng ngay khi mùa giải tiếp theo bắt đầu. Roberto Di Matteo giành Champions League nhưng chỉ tại vị sáu tháng tiếp theo. Carlo Ancelotti có cú đúp ngay mùa đầu tiên, và bị sa thải ở mùa tiếp theo.
Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi chỉ vài tuần sau chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2016-2017, những suy đoán về tương lai của Antonio Conte đã nổ ra. Điều này khiến nhiều người nghĩ Chelsea gặp hỗn loạn và đội bóng không có triết lý chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Đội bóng thành London vẫn rất ổn, dù HLV là ai.
Antonio Conte vô địch Ngoại hạng Anh ngay trong mùa đầu tiên |
Chelsea không còn mất nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng. Họ bán để mua. Đội chủ sân Stamford Bridge đầu tư vào học viện bóng đá trẻ nhưng phần lớn sử dụng nó như một nguồn thu nhập. Tất cả đều là nguyên tắc của CLB mà HLV không dính dáng gì trong đó. Người ta có thể hỏi ý kiến của HLV, xác định các vị trí cần tăng cường sức mạnh, hoặc những cầu thủ có thể mang đến lợi nhuận trong việc mua đi bán. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.
Nếu Conte hy vọng được tham gia trong các hoạt động buôn bán của Chelsea, ông sẽ phải thất vọng. Roman Abramovich có 12 HLV trong vòng 14 năm, không tính những HLV tạm quyền như Ray Wilkins và Steve Holland, nhưng họ vẫn rất thành công. Hệ thống của Chelsea được xây dựng để HLV nào cầm quân, bất kể tuổi tác, quốc tịch hay phong cách huấn luyện, đều chỉ cần yếu tố duy nhất là chất lượng chuyên môn hàng đầu. HLV của Chelsea cũng giống như các bản hợp đồng, mục đích chỉ đơn giản là giúp ích cho CLB.
Đội bóng Tây London có một quan điểm rõ ràng. Họ không bao giờ có những người như Arsene Wenger hay Sir Alex Ferguson. Họ muốn Conte ký hợp đồng dài hạn nhưng nếu HLV người Italy thiếu sự kiểm soát, Chelsea sẽ hy sinh ông để tìm kiếm ứng cử viên phù hợp.
Mourinho cũng vô địch Ngoại hạng Anh ngay mùa đầu tiên, từng là huyền thoại của Chelsea, nhưng vẫn bị Abramovich sa thải |
Cách làm của Chelsea trái ngược với những gì xảy ra ở Arsenal, những người đã thỏa hiệp với Wenger mùa hè này, theo cách mà Chelsea sẽ không bao giờ làm, dù HLV có là ai. Arsenal đã nhượng bộ Wenger về vấn đề ban huấn luyện, về Giám đốc thể thao, về chiến lược trên thị trường chuyển nhượng. Không một HLV nào của Chelsea có quyền tự do ấy khi Abramovich là ông chủ. Và nếu đó là những gì Conte tìm kiếm, HLV người Italy có thể phải ra đi ngay hè 2017, dù ông đã được mời một bản hợp đồng dài hạn.
Trong thời gian 14 năm làm ông chủ của Abramovich tại Chelsea, Arsenal chỉ có một HLV duy nhất và ông đã giúp họ giành một danh hiệu Ngoại hạng Anh cùng bốn Cup FA. Chelsea có thành tích tốt hơn hẳn, với năm danh hiệu Ngoại hạng Anh, bốn Cup FA, ba Cup Liên Đoàn, một Champions League và một Europa League.
CLB đã xác định được một triết lý, đảm bảo sự vững chắc và không bị xáo trộn từ việc ra đi của bất kỳ HLV nào. Giám đốc thể thao Michael Emenalo chịu trách nhiệm trên thị trường chuyển nhượng, chứ không phải HLV. Chủ tịch Abramovich được cho là thích bóng đá có tính thẩm mỹ, giống như Arsenal của Wenger, nhưng tỷ phú người Nga muốn chiến thắng và những danh hiệu nhiều hơn.
Real Madrid được coi là mô hình mà Chelsea theo đuổi. Từ tháng 11/1986 đến tháng 5/2013, Man Utd chỉ có một HLV duy nhất là Sir Alex Ferguson, thì Real có tới 26 HLV. Họ giành 11 danh hiệu La Liga, ba lần giành Champions League ba lần vô địch Cúp Nhà Vua, một Siêu Cúp châu Âu và hai Cúp Liên lục địa, thành tích hoàn toàn ngang ngửa với Man Utd.
Điểm khác biệt lớn nhất là vai trò HLV. Nếu Man Utd là sự tôn vinh dành cho một cá nhân, thành công ở Real lại là một hành trình lộn xộn, qua rất nhiều triết lý huấn luyện tưởng như đối lập nhau hoàn toàn, chẳng hạn Alfredo Di Stefano và Jose Mourinho, Fabio Capello và Leo Beenhakker, John Toshack và Vicente del Bosque, Vanderlei Luxemburgo và Jupp Heynckes.
Ancelotti, người được cho là tài năng, lịch lãm và giỏi chiều các ông chủ, cũng bị sa thải nếu không giành được chiếc cúp nào |
Điều đó đã xảy ra ở Chelsea. Không có triết lý bóng đá thuần túy ở Stamford Bridge, giống như ở Barca. Conte vô địch Ngoại hạng Anh theo cách rất khác so với người tiền nhiệm Mourinho. Juan Mata là người chơi hay nhất Chelsea năm 2013, nhưng anh bị bán một cách không thương tiếc sang Man Utd tháng 1/2014, khi đội bóng thay đổi HLV.
Vì vậy, những HLV có thể ra đi bất cứ lúc nào mà không hề ảnh hưởng tới triết lý chung của CLB. Những người kế nhiệm luôn được cài đặt sẵn với hằng số bất biến là Giám đốc thể thao Emenalo. Chelsea có thể mang về những hợp đồng tốt hoặc rất tệ và nhiệm vụ của những HLV là phải chấp nhận thực tế ấy. Điều này khiến Conte khó xử.
Nếu ông ra đi, đó là mất mát lớn. Nhưng cũng như Ancelotti hay Mourinho, Chelsea đều hồi phục và vẫn nằm trong nhóm hàng đầu tại Ngoại hạng Anh. Conte có thể cảm thấy, ông đang ở vị thế của kẻ tạo ra sức mạnh, giúp Chelsea vô địch ngay mùa đầu tiên. Tuy nhiên, đội bóng của Abramovich không bao giờ nhìn nhận HLV người Italy dưới tư cách ấy.
Giống như Zinedine Zidane ở Real, gần như không có tiếng nói nào trong việc giữ hay bán Gareth Bale, dù ông là người đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Champions League. Vì vậy, Conte đã sai lầm nếu nghĩ rằng thành công trong mùa vừa rồi sẽ giúp ông trở thành người có tiếng nói quyết định, một con át chủ bài ở Stamford Bridge.
Dưới triều đại Abramovich ở Chelsea, HLV cũng chỉ là một thành viên ban huấn luyện. Không có bất cứ sự ưu tiên nào hơn.