Hà Nội: Chi tiết quy định các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cấp độ 2
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:20, 02/11/2021
Đánh giá cấp độ dịch của thành phố tính đến thời điểm ngày 29-10-2021 (theo tiêu chí của Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 13-10-2021 của Bộ Y tế) thì cấp độ dịch của thành phố Hà Nội là cấp 2. Các biện pháp hành chính áp dụng chung cho toàn thành phố tương ứng cấp độ dịch cấp 2 (một số địa bàn xã, phường áp dụng cấp độ 3, 4).
Khuyến khích làm trực tuyến
Theo đó, đối với các hoạt động trên 30 người, thành phố khuyến khích làm trực tuyến; trong trường hợp tổ chức trực tiếp phải xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch và xin phép chính quyền địa phương, kèm theo điều kiện: 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của địa phương.
Đối với tổ chức lễ cưới, thành phố yêu cầu không tập trung quá 30 người/thời điểm. Trong đó, những người thuộc diện cách ly hoặc theo dõi sức khỏe hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không tham dự. Người bên ngoài gia đình chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin không nên tham dự lễ cưới.
Ban tổ chức, nhân viên phục vụ lễ cưới 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin/đã khỏi bệnh Covid-19. Phải tuân thủ “5K” trong quá trình tham dự; luôn giữ khoảng cách giữa các bàn, người giữa các bàn không tiếp xúc gần với nhau; gia đình không thực hiện chúc mừng tại từng bàn; ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương. Ngoài ra, thành phố yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian tổ chức lễ cưới. Địa điểm tổ chức lễ cưới phải thông thoáng, tăng cường thông khí, hạn chế sử dụng điều hòa.
Không tổ chức ăn uống tại lễ tang
Đối với tổ chức tang lễ người tử vong không do nhiễm/nghi nhiễm Covid-19, thành phố yêu cầu không tập trung quá 30 người/thời điểm; hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người.
Những người thuộc diện cách ly hoặc theo dõi sức khỏe hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không tham dự tang lễ. Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin không nên tham dự tang lễ. Ban tổ chức, nhân viên phục vụ lễ tang tiêm đủ liều vắc xin/đã khỏi Covid-19. Thành phố cũng yêu cầu không tổ chức ăn uống tại lễ tang.
Về hoạt động tập luyện thể dục, thể thao trong nhà, thành phố yêu cầu công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm. Hằng ngày cơ sở cung ứng dịch vụ phải thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trang thiết bị. Người hướng dẫn, người tham gia hoạt động tập luyện thể dục thể thao đáp ứng điều kiện đã được tiêm đủ liều vắc xin/đã khỏi bệnh Covid-19.
Khử khuẩn phương tiện vận tải hằng ngày
Với vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, người đi theo phương tiện, hành khách: Tuân thủ “5K”; khai báo y tế, quét mã QR theo quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn trên phương tiện giao thông của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế.
Vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hằng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện...; trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế trên phương tiện phục vụ hành khách.
Cảng hàng không, bến xe, bến tàu, ga đường sắt, các trạm dừng nghỉ: Xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR. Đối với hoạt động vận tải đường sắt và đường hàng không thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh, người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương.
Thành phố yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch vận tải, nắm bắt thông tin về hành trình, nơi xếp dỡ hàng hóa và cấp dịch do địa phương công bố; phổ biến đầy đủ kế hoạch vận tải cho người trên phương tiện để đảm bảo đáp ứng khi có yêu cầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Yêu cầu lái xe chạy đúng hành trình và xếp dỡ hàng hóa tại các địa điểm ghi trong giấy vận tải, hợp đồng vận chuyển hàng hóa; trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế trên phương tiện; tuân thủ “5K”; khai báo y tế, quét mã QR theo quy định.
Yêu cầu đóng cửa nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trước 21h
Cơ sở thể dục thể thao, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phục vụ tập luyện thể dục thể thao trong nhà có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 theo quy định.
Tổ chức quét mã QR, thu thập thông tin người tham gia hoạt động, người đến sử dụng dịch vụ (thông qua mã QR hoặc khai báo y tế trực tiếp hoặc trực tuyến) hằng ngày; đảm bảo đầy đủ dung dịch khử khuẩn, nước rửa tay với xà phòng tại các khu vực tập luyện, thi đấu. Phòng tập phải bảo đảm thông gió tốt, khuyến khích thông gió tự nhiên; có nội quy, bảng hướng dẫn người tập thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ, hoạt động không quá 50% công suất chỗ ngồi, bảo đảm giãn cách, chủ nhà hàng và nhân viên phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Thành phố yêu cầu đóng cửa nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trước 21h hằng ngày. Ngừng hoạt động vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, trò chơi điện tử.
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm đẹp thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Chủ cơ sở và nhân viên được tiêm đủ liều vắc xin/đã khỏi bệnh Covid-19. Các hoạt động bán hàng rong, vé số dạo... không hoạt động. Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp được hoạt động theo chỉ đạo riêng, bảo đảm phòng, chống dịch.
Với các cơ quan, công sở, tăng cường làm việc trực tuyến; thực hiện “5K”; hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị. Những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không tham gia làm việc và phải thông báo với cơ quan y tế để phối hợp thực hiện phòng, chống dịch...
Với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự thực hiện các hoạt động trực tuyến, trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ điều kiện: 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; tuân thủ nghiêm ngặt “5K”, cài đặt và quét mã QR; không tập trung quá 20 người; có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ...
Các cơ sở lưu trú hoạt động không quá 50% công suất
Các cơ sở lưu trú đảm bảo công tác phòng, chống dịch; không quá 50% công suất; chủ cơ sở và nhân viên được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Điểm tham quan du lịch, bảo tàng, triển lãm, thư viện, bảo đảm quy định phòng, chống dịch; mỗi đoàn không quá 10 người; cán bộ, nhân viên phục vụ được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Các cơ sở khác tạm dừng hoạt động (rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao...)
Hà Nội cũng quy định, đối với người từ các địa phương khác về Hà Nội vẫn áp dụng như quy định trước đó là không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có Thông báo 724/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, hiện thành phố ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, 30 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2; 245 xã, phường đạt cấp độ 2; 332 xã, phường đạt cấp độ 1 và có 2 xã, thị trấn (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) ở cấp độ 3.