Vai trò không thể thiếu của chuyển giao công nghệ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:44, 20/06/2017
Kể từ khi ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam được thực hiện ngày 4-6-1992, đến nay nền y học Việt Nam đã đón nhận thêm nhiều thành công nổi bật khác về việc ghép tạng. Trong thành tựu này có vai trò quan trọng của việc trao đổi, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật y học hiện đại từ các nền y học tiên tiến trên thế giới.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y - cơ sở đầu tiên trong cả nước triển khai ghép tất cả các loại tạng - về vấn đề này.
Ê kíp bác sĩ tiến hành một ca ghép tạng. |
- Xin được bắt đầu bằng thông tin về ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam diễn ra ngày 21-2-2017 mà các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Ông có thể cho biết về tình hình sức khỏe của bệnh nhân sau hơn 3 tháng phẫu thuật?
- Đó là ca ghép phổi đối với cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi, quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; người cho phổi là bố và bác ruột của cháu. Để thực hiện ghép, chúng tôi đã cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi của cháu, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy từ bác ruột để ghép. Ca ghép đã thành công sau khoảng 11 giờ tiến hành. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe của cả người bố và người bác đều ổn định, hiện họ đã đi lại, ăn uống tốt.
Cháu Bình cũng đang hồi phục rất tốt. Hằng ngày cháu chơi đùa, chạy nhảy rất thoải mái, đặc biệt, cháu đã tăng cân - hiện nặng 15,5kg.
- Như ông đã đề cập, thành công này có sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia Nhật Bản. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật y học hiện đại giữa hai bên khi thực hiện ca ghép này?
- Trước khi triển khai ca ghép, chúng tôi đã cử 3 đoàn sang Nhật học tập. Mỗi đoàn gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, bác sĩ hô hấp và điều dưỡng. Mỗi kíp đi học về, chúng tôi lại rút kinh nghiệm xem các y, bác sĩ đã lĩnh hội được gì. Ba kíp đã làm chủ được kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ. Đoàn bác sĩ Nhật Bản thường xuyên trao đổi với chúng tôi qua email, hình ảnh và nhiều phương tiện khác, sau đó sang Việt Nam để cùng hội chẩn, tiến hành phẫu thuật.
Nhìn lại quá trình chuyển giao công nghệ, có thể rút ra một số kinh nghiệm. Cụ thể là phải mạnh dạn tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới trong lĩnh vực của mình, tạo mối liên hệ với các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Chúng tôi đã tìm và thấy Bệnh viện Đại học Okayama là đơn vị đi đầu trong ghép phổi từ người cho sống, nhanh chóng tiếp cận và có được sự hợp tác. Các bạn Nhật rất nhiệt tình, chu đáo, hướng dẫn rất kỹ càng, do vậy, quá trình chuẩn bị và chuyển giao công nghệ rất hiệu quả. Ngoài ra, Học viện Quân y có đội ngũ nhân lực với năng lực ngoại ngữ rất tốt. Trong đợt làm việc với chuyên gia Nhật Bản, khi chuẩn bị cũng như diễn ra ca ghép phổi, hai bên đều trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh.
Chuyên gia Nhật Bản tin tưởng rằng, Học viện Quân y có thể làm chủ được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong ghép phổi và sẽ thực hiện tốt các ca ghép tiếp theo. Hiện nay, chúng tôi đang có bệnh nhân 57 tuổi, ở Khoa Hồi sức và đã có chỉ định ghép phổi. Chúng tôi đang tìm người cho phù hợp. Nếu hợp lý, chúng tôi sẽ chủ động triển khai ghép, và sẽ mời chuyên gia sang chỉ đạo, thậm chí chỉ đạo từ xa.
- Ông có thể khái quát về thành tựu ghép tạng trong 25 năm qua của đơn vị và những yếu tố cơ bản làm nền tảng cho những thành công này?
- Sau 25 năm, có rất nhiều những cột mốc, đỉnh cao mà Học viện Quân y đã trải qua. Ngày 4-6-1992, ca ghép thận đầu tiên đã diễn ra thành công, bệnh nhân là một đồng chí thiếu tá quân đội và nhận thận từ người em ruột. Sau đó 12 năm, tháng 1-2004, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện. Sáu năm sau, tháng 6-2010, ca ghép tim đầu tiên trên người đã ghi tên Việt Nam vào danh sách một số ít nước ghép tim trên người thành công. Ngày 1-3-2014, ca ghép đồng thời thận - tụy đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công...
Để có được kết quả nói trên, cần phải nói rằng Học viện đã xác định ghép tạng là hướng đi mới, là những đỉnh cao trong y học cần phải chinh phục. Vì là cơ sở đào tạo nên Học viện có rất nhiều chuyên ngành - điều kiện thuận lợi cho việc ghép tạng. Ngoài ra, Học viện cũng có truyền thống hợp tác, đoàn kết quân - dân y rất tốt, tính tổ chức kỷ luật rất cao. Trong ghép tạng, bên cạnh chuyên môn, kỹ thuật thì công tác tổ chức cũng rất quan trọng. Nếu không có tổ chức kỷ luật tốt, không có sự kết hợp thật nhuần nhuyễn quân - dân y, ca ghép không thể thành công.
- Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ông hy vọng gì vào điều này?
- Tôi cho rằng việc sửa đổi là cần thiết. Sau 10 năm kể từ khi Luật Chuyển giao công nghệ ra đời, thế giới đã có nhiều thay đổi, tư duy hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ cần có sự đổi mới để bắt nhịp với sự biến đổi không ngừng của đời sống công nghệ. Trong xu thế hội nhập, phát triển, chúng ta cần cập nhật, chuyển giao những công nghệ tiên tiến. Tôi tin rằng, việc sửa đổi luật sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp cho các nhà khoa học, doanh nghiệp của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong tình hình mới.
- Xin cảm ơn ông!