Không có “vùng cấm” về kê khai tài sản
Tin tức - Ngày đăng : 08:58, 27/06/2017
Quy định số 85-QĐ/TƯ ngày 23-5-2017 của Bộ Chính trị về “Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” được kỳ vọng là biện pháp hữu hiệu khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản hiện nay. Với quy định mới này, sẽ không có “vùng cấm” khi kiểm tra tài sản của cán bộ cấp cao.
Quy định mới về kê khai tài sản bảo đảm sự minh bạch, thực chất, chính xác. |
Trung ương nêu gương làm trước
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sau này là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 đã quy định: Việc kê khai tài sản được thực hiện hằng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12.
Tiếp đến, ngày 17-7-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Chính phủ yêu cầu: “Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai”. Ngày 3-1-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 33-CT/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, trong đó nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định của pháp luật phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn”.
Mặc dù đã có những chuyển biến nhất định, nhưng biện pháp kê khai tài sản còn nặng tính hình thức. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015, có hơn 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đạt 99,1% so với số người phải kê khai. Nhưng trong số đó, chỉ có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh chủ yếu phục vụ công tác cán bộ. Chỉ có một số ít được xác minh do có phản ánh kê khai tài sản không trung thực, nhưng qua xác minh, chưa có trường hợp vi phạm nào bị phát hiện.
Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, ngày 23-5-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 85-QĐ/TƯ về “Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Với tinh thần không có “vùng cấm”, bắt đầu từ tháng 5-2017, khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ được kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cá nhân.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy, quy định trên tạo tính chủ động cho cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản. Nhờ quy định mới, tính phòng ngừa và tính răn đe trong phòng, chống tham nhũng lớn hơn. Đây là chủ trương lớn của Đảng, thể hiện tinh thần nêu gương làm trước của Trung ương.
Hướng tới triển khai đồng bộ, toàn diện
Theo quy định mới, có 3 căn cứ để kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, bao gồm: Khi có yêu cầu, kế hoạch của cơ quan tổ chức có thẩm quyền; khi có kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực; khi có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản. Bên cạnh đó, Quy định 85-QĐ/TƯ nêu rõ, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm tra việc kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm, thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của đối tượng kiểm tra và của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của đối tượng kiểm tra…
Nhiều ý kiến nhận định, đây sẽ là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản cho người thân. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền đánh giá, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 85-QĐ/TƯ vừa đúng với tinh thần Luật Phòng, chống tham nhũng, vừa cho thấy tính gương mẫu, tiên phong của Trung ương. Với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nằm trong diện kiểm tra, giám sát kê khai tài sản là không quá rộng, thể hiện bước đi thận trọng của Trung ương. Làm tốt Quy định 85-QĐ/TƯ sẽ là cơ sở để nhân rộng thực hiện đồng bộ, toàn diện các đối tượng kê khai tài sản.
Theo Quy định 85-QĐ/TƯ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả việc thực hiện quy định này… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước để thực hiện và không có “vùng cấm”, đồng nghĩa với việc không né tránh. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương sẽ ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý.
Đây là cơ sở để việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản được thực hiện đồng bộ ở các cấp, các ngành; là hy vọng để khắc phục triệt để tính hình thức trong kê khai tài sản hiện nay. Mặt khác, để việc kê khai tài sản đi vào thực chất, thời gian tới, rất cần cơ quan truyền thông và nhân dân giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên và việc thực hiện Quy định 85-QĐ/TƯ.