Tăng tự chủ để giảm biên chế
Tin tức - Ngày đăng : 09:01, 27/06/2017
Đến nay, công tác sắp xếp bộ máy các đơn vị hành chính, sự nghiệp đã được hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và nghị quyết của HĐND TP Hà Nội. Tuy vậy, đợt khảo sát mới đây của Ban Pháp chế HĐND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-HĐND của HĐND thành phố cho thấy, việc tinh giản biên chế cơ bản vẫn là đối tượng nghỉ hưu...; và tới đây cần khuyến khích các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ để giảm biên chế.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong những đơn vị được giao tự chủ tài chính. Ảnh: Thái Hiền |
Thành công hơn mong đợi
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp đã thực hiện một cách đồng bộ, nhanh chóng. Ngoài hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở, tương đương và hơn 400 đơn vị sự nghiệp (giảm khoảng 30% đầu mối), TP Hà Nội còn kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của 70 ban quản lý dự án xuống còn 41 ban. Đặc biệt, các đơn vị sự nghiệp cấp huyện cũng được sắp xếp từ 206 đơn vị xuống còn 110 đơn vị (giảm hơn 50% đầu mối).
Đáng lưu ý, 6 tháng đầu năm 2017, UBND thành phố đã giao tự chủ tài chính thêm 3 đơn vị sự nghiệp (các bệnh viện: Xanh Pôn, Phụ sản, Ung bướu trực thuộc Sở Y tế). Đã có thêm 5 đơn vị đăng ký thực hiện trong năm 2017 gồm các bệnh viện: Thanh Nhàn, Đức Giang, Mắt Hà Đông (Sở Y tế); Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Sở Văn hóa và Thể thao); Tạp chí Giáo dục Thủ đô (Sở Giáo dục và Đào tạo).
Không chỉ sắp xếp thu gọn đầu mối, Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã thực hiện 3 đợt tinh giản biên chế với 269 trường hợp, đồng thời giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng được tinh giản và nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích các đối tượng nghỉ tự nguyện tinh giản biên chế.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Việt cho biết: “Thời gian đầu khi triển khai một khối lượng công việc đồ sộ, bao gồm bộ máy từ thành phố đến cấp huyện, cũng có nhiều khó khăn. Song, được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND thành phố, trên cơ sở thực hiện công khai, dân chủ nên trong thời gian ngắn, việc sắp xếp thu gọn đầu mối các cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện bài bản”. Sau khi sắp xếp, các cơ quan hành chính đã hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, Sở Nội vụ đã thẩm định, trình UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt bản mô tả và khung năng lực của từng vị trí việc làm.
Trên thực tế, ngay sau sắp xếp, các đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức. Điển hình như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội được hợp nhất từ 7 ban quản lý dự án của thành phố. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án, sau khi hợp nhất, Ban đã được rút gọn từ 48 phòng xuống còn 8 phòng; giảm từ 135 trưởng, phó phòng xuống còn 36 trưởng, phó phòng; sắp xếp giảm từ 452 viên chức, hợp đồng xuống còn 421 người. Các đơn vị phòng đã “bắt nhịp” ngay với công việc, bảo đảm guồng máy được vận hành thông suốt.
Tiếp tục vận động, thực hiện chính sách đặc thù
Làm việc với Sở Nội vụ về thực hiện Nghị quyết 16/NQ-HĐND của HĐND thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội nhận định, việc thực hiện tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng giảm hơn 250 biên chế ở 3 đợt vừa qua, cơ bản vẫn là đối tượng nghỉ hưu, chưa phải được tinh giản sau sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Đặc biệt, một số tồn tại về quản lý, sử dụng biên chế tại Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông, các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các phòng chuyên môn của UBND quận, huyện chưa được tập trung giải quyết dứt điểm.
Làm rõ vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Việt cho rằng cần triển khai từng bước, vì việc tinh giản biên chế liên quan đến con người. Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế. Trước mắt, thành phố hướng dẫn, vận động các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành Giáo dục, Y tế chuyển sang cơ chế tự chủ. Cùng với đó, Sở cũng tham mưu cho UBND thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù về khuyến khích các đối tượng nghỉ theo Nghị định số 108/2014/ NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định, một năm thực hiện 2 lần tinh giản, nhưng Sở Nội vụ tham mưu cho thành phố duyệt chính sách thường xuyên để giảm số lượng và bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Sau đợt khảo sát, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố sớm chỉ đạo đẩy nhanh việc thẩm định và hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền, phấn đấu xong trong năm 2017. Đối với lực lượng Thanh tra Xây dựng, Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chủ động mời các bộ, ngành liên quan để sớm thống nhất đề án thí điểm hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị tại các quận, huyện, thị xã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.