Thấp thỏm nỗi lo mùa mưa bão

Tin tức - Ngày đăng : 14:42, 28/06/2017

Nhiều dự án khắc phục sự cố sạt lở đê điều bị chậm tiến độ khiến người dân bất an, thấp thỏm nỗi lo trong mùa mưa bão này; các cơ quan quản lý thì gặp khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai. Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách khắc phục sự cố đê điều đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội.
Thấp thỏm nỗi lo mùa mưa bão
Bảo đảm tiến độ các dự án tu bổ đê điều là yêu cầu cấp bách, nhất là khi mùa mưa bão đã cận kề. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều sự cố sạt lở đê điều

Bước vào mùa mưa bão, hàng nghìn hộ dân sinh sống ven đê hữu Hồng thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng và các xã Cam Thượng, Thái Hòa, Chu Minh, Đông Quang… của huyện Ba Vì thấp thỏm nỗi lo sạt lở nhà cửa, đất đai. Bà Nguyễn Thị Đào, ở xã Cam Thượng cho biết: “Gần một năm nay, chưa đêm nào gia đình tôi có giấc ngủ yên, đặc biệt là những ngày mưa, bão, nước sông Hồng lên cao…”. Chứng kiến 30m2 bếp của gia đình bà Nguyễn Thị Đào tụt xuống, bức tường còn lại và khu chăn nuôi gia súc nằm cheo leo trên triền sông thẳng đứng… chúng tôi mới thực sự thấu hiểu nỗi lo của người dân nơi đây.

Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Ba Vì Đào Quốc Vương: Do nền đất yếu và biến đổi dòng chảy nên tuyến đê hữu Hồng, thuộc địa bàn huyện đã xảy ra 20 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể, từ K0+500 đến K1+200, đoạn thuộc xã Thái Hòa xảy ra 4 cung sạt dài khoảng 30m, cách nhà ở của 3 hộ dân từ 2m đến 5m. Trên địa bàn xã Chu Minh cũng xảy ra 7 sự cố, tại vị trí K22+200 cung sạt làm hỏng 40m đường bê tông, lối đi duy nhất của 30 hộ dân. Sau mỗi trận mưa, khu vực sạt lở ở đây tiếp tục mở rộng thêm, tạo hố sâu lớn nguy hiểm...

Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Đức Thịnh cho biết: Sau mùa mưa bão năm 2016 trên địa bàn thành phố xảy ra 47 sự cố đê điều. Cụ thể, có 9 sự cố về kè trên địa bàn các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên; 15 sự cố về đê trên địa bàn các huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Oai, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai và quận Hà Đông. Bên cạnh đó là 23 sự cố sạt lở bờ sông tại các quận: Hai Bà Trưng, Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Chương Mỹ, Gia Lâm, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Mỹ Đức. Trong 47 sự cố trên, có 31 sự cố được các cơ quan chức năng kiểm tra và đánh giá là nghiêm trọng.

Bất cập đang được giải quyết
Thấp thỏm nỗi lo mùa mưa bão
Sự cố sạt lở bờ sông khiến 40m đường bê tông của nhân dân xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) bị hư hỏng nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã cho phép xử lý cấp bách 10 sự cố đê điều, lập chủ trương đầu tư 3 sự cố và theo dõi diễn biến sạt lở 10 sự cố; đồng thời giao sở, ngành, địa phương liên quan bố trí vốn đầu tư và hoàn thành 23 sự cố sạt lở đặc biệt nghiêm trọng trước ngày 30-4-2017. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 dự án hoàn thành, 3 dự án đang thi công, còn 17 dự án vẫn trong giai đoạn hoàn thiện chủ trương đầu tư. Trong số 17 dự án có 3 dự án được thành phố giao UBND huyện Ba Vì và 11 dự án giao Sở NN&PTNT… làm chủ đầu tư.

Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Đinh Công Sơn cho biết, nguyên nhân chính khiến các dự án bị chậm tiến độ là do trình tự đầu tư kéo dài. Cụ thể, theo Văn bản 6000/UBND-NNNT ngày 27-8-2015 của UBND TP Hà Nội về triển khai dự án xử lý sự cố hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều khẩn cấp, có tính cấp bách quy định: Các dự án phải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; tiếp đó trình UBND thành phố quyết định. 

Sau khi UBND thành phố có quyết định các chủ đầu tư mới hoàn chỉnh phương án thiết kế công trình và xin ý kiến của Bộ NN&PTNT thỏa thuận quy mô, giải pháp kỹ thuật phương án xử lý cấp bách đối với các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III. Để hoàn thành các thủ tục trên, chủ đầu tư phải cần ít nhất là 2 - 3 tháng, cá biệt có dự án cần 4 - 6 tháng… Trong khi đó, thời gian thi công thực tế nhiều dự án chỉ khoảng 1 - 2 tháng…

Theo Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đặng Anh Tuấn: Do Văn bản 6000/UBND-NNNT ban hành trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 136/NĐ-CP ngày 31-12-2015 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công nên dẫn đến những bất cập nêu trên. Để khắc phục, UBND thành phố đã giao liên sở NN& PTNT - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, thay thế Văn bản 6000/UBND-NNNT. Hiện nay, liên sở đã hoàn thiện văn bản mới và trình UBND thành phố xem xét.

Theo văn bản đề xuất của liên sở, sau khi tiếp nhận thông tin, Sở NN&PTNT sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ, nguyên nhân, thống nhất phạm vi khắc phục sự cố. Sau đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Sở NN&PTNT tổng hợp, báo cáo đề xuất với UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo. Văn phòng UBND thành phố kiểm tra, trình lãnh đạo UBND thành phố ban hành văn bản, giao nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị triển khai công tác ứng phó, khắc phục sự cố sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Sở NN& PTNT… Sau 20 ngày kể từ ngày UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục sự cố, chủ đầu tư lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Sau khi báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm lập dự án, thiết kế, dự toán xây dựng theo quy định...

Theo ông Đặng Anh Tuấn, nếu UBND thành phố chấp thuận đề xuất trên thì thời gian tổ chức thi công các dự án xử lý cấp bách đê điều chỉ còn khoảng 15 ngày. Dự kiến ngay trong tháng 7 này, UBND thành phố sẽ ban hành quy định mới, khắc phục những bất cập liên quan công tác xử lý sự cố đê điều, bảo đảm tính cấp bách, kịp thời, giảm thiệt hại… 

Theo hanoimoi.com.vn