Chống “giặc lửa” - chống bệnh chủ quan!

Tin tức - Ngày đăng : 10:54, 29/06/2017

Trong 447 vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2017 phần nhiều do nguyên nhân bất cẩn, thiếu ý thức chấp hành các quy định phòng chống cháy, nổ. Vì vậy, chống "giặc lửa" cũng phải bắt đầu từ chống bệnh chủ quan về an toàn phòng cháy.
Chống “giặc lửa” - chống bệnh chủ quan!
Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy sẽ hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh : Anh Tuấn

Bất cẩn là nguyên nhân phổ biến

Đến nay, căn phòng 213 khu tập thể C2 Trung Tự (quận Đống Đa) đã không còn dấu vết của vụ cháy (xảy ra ngày 28-1-2017) khiến cả khu phố hỗn loạn, song chủ nhân là chị Nguyễn Thị Mai vẫn chưa hết bàng hoàng. Hôm đó, chỉ vì chị quên tắt nến trên bàn thờ trước khi đi làm mà sự cố đáng tiếc đã xảy ra. Rất may, cả nhà đi vắng nên không ai bị thương, nhưng "bà hỏa" đã thiêu rụi nhiều đồ dùng của gia đình. Vẫn nhớ như in vụ cháy nhà do chập điện vào ngày 17-2, ông Nguyễn Huy Hưng (40 tuổi, ở phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết, lúc phát hiện cháy, ông đã tự thoát được ra ngoài, nhưng vợ và hai con vẫn mắc kẹt. Nhờ lực lượng phòng cháy, chữa cháy đến kịp thời nên cả nhà may mắn được bình an.

Bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện trong sinh hoạt là nguyên nhân phổ biến dẫn tới các sự cố cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô thời gian gần đây. Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 447 vụ cháy, trong đó cháy ở khu vực nhà dân vẫn chiếm đa số, với 210 vụ. Chưa kể, đã có 290 sự cố chập điện, nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Sự bất cẩn xuất phát từ những hạn chế trong nhận thức của người dân về phòng cháy chữa cháy. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội chỉ rõ, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy dù đã được quan tâm, song chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân. 

Ngoài cháy ở khu dân cư, cháy rừng cũng là vấn đề đáng quan tâm khi trong 6 tháng qua đã xảy ra 18 vụ. Lớn nhất là vụ cháy 50ha rừng tại Sóc Sơn tính trong nhiều năm trở lại đây. Theo Công an huyện Sóc Sơn, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do thời tiết nắng nóng kéo dài, khu vực rừng bị cháy có tầng lá khô phủ lên bề mặt, khi gặp gió ngọn lửa bùng phát mạnh... Lực lượng tại chỗ lại mỏng khiến công tác chữa cháy ban đầu gặp khó khăn, ngọn lửa lan rộng gây thiệt hại lớn.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội cho rằng, quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư phát triển, gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhu cầu sử dụng năng lượng, nhiên liệu tăng cao... cũng khiến tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp.

Chủ động quản lý cơ sở nguy cơ cháy, nổ cao

Để ngăn chặn "giặc lửa", hạn chế nguy cơ và thiệt hại do cháy, nổ gây nên, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp, tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Đáng chú ý, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố đã chủ động rà soát, phân loại và đưa vào diện quản lý hơn 15.000 cơ sở, 68 khu dân cư tiềm ẩn nguy hiểm cháy, nổ cao để áp dụng các giải pháp phòng ngừa.

Đặc biệt, gần đây nhất (ngày 26-6), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã kết luận chỉ đạo giải quyết dứt điểm đối với 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng (1 công trình chưa thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đã thi công; 78 công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động). Nếu chủ đầu tư không khắc phục, cần thiết, ngành chức năng sẽ củng cố hồ sơ, đề xuất chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý; từ ngày 1-7 không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất... UBND thành phố đã giao Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tham mưu báo cáo, kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, tại kỳ họp thứ tư được khai mạc ngày 3-7, HĐND thành phố sẽ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và Chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Về phía Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, lực lượng sẽ nắm tình hình, dự báo chính xác để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố sẽ thường xuyên diễn tập phòng cháy chữa cháy; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Hiện đang là cao điểm của mùa hè, nguy cơ hỏa hoạn có thể được "tiếp sức" bởi nắng nóng kéo dài gia tăng mạnh, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thờ cúng và khi sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m. Đối với hệ thống điện, mỗi gia đình nên có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm. Ngoài ra, người dân cần tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà, nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy và tiết kiệm điện.

theo hanoimoi.com.vn