Hà Nội xác định chống dịch ở mức độ cao hơn

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:15, 05/11/2021

Liên tiếp những ngày qua, số ca dương tính mới với SARS-CoV-2 trong cộng đồng trên địa bàn Hà Nội gia tăng với nhiều "điểm nóng".
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, đây là việc đã nằm trong dự báo và cần phải đẩy nhanh tốc độ truy vết để khoanh vùng hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần phải chủ động xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn.
Hà Nội xác định chống dịch ở mức độ cao hơn
 Cán bộ y tế huyện Quốc Oai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các trường hợp liên quan đến các ca F0.

Liên tục xuất hiện các chuỗi lây nhiễm phức tạp

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", tính từ ngày 11-10 đến ngày 4-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 675 ca mắc (trung bình 29,4 ca/ngày), trong đó có 195 ca tại cộng đồng (chiếm tỷ lệ 28,9%), 385 ca tại khu cách ly (chiếm tỷ lệ 57%), 74 ca tại khu phong tỏa (chiếm 11%), 21 ca nhập cảnh (chiếm 3,1%).

Đặc biệt, từ ngày 28-10 đến 4-11, số ca mắc tăng cao từ 33 đến 104 ca/ngày và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Riêng ngày 4-11, thành phố đã ghi nhận thêm 3 chùm ca bệnh mới, đó là chùm ca bệnh tại đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình với 17 ca mắc; chùm ca bệnh tại Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình có 6 ca và chùm ca bệnh tại phường Phú La, quận Hà Đông có 9 ca.

Trước đó, thành phố cũng đã có 7 chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp như ổ dịch tại huyện Quốc Oai với 141 ca; tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận 122 ca; chùm ca bệnh tại Trần Quang Diệu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) 38 ca; chùm ca bệnh tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai 23 ca; chùm ca bệnh tại đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm 7 ca; chùm ca bệnh tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức 14 ca; chùm ca bệnh tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm 30 ca.

Bên cạnh đó, thành phố đã ghi nhận 75 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, trong đó có 32 ca lây nhiễm thứ phát. Không chỉ người về từ các tỉnh phía Nam, mà các ca F0 còn được phát hiện ở những người về Hà Nội từ các tỉnh phía Bắc. Riêng ngày 3-11, trong 13 ca F0 thuộc chùm ca bệnh liên quan đến các vùng dịch có 7 người trở về từ thành phố Hồ Chí Minh, 1 người về từ Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), 1 người về từ tỉnh Bình Dương, 3 người về từ tỉnh Hà Giang và 1 người về từ tỉnh Nam Định.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận xét, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.

Hà Nội xác định chống dịch ở mức độ cao hơn
 Phong tỏa chợ vải Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm liên quan đến nhiều F0.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết thêm, dịch bệnh không chỉ xâm nhập từ bên ngoài mà mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng thời gian qua vì còn có những ca bệnh lẩn khuất chưa được phát hiện; thêm vào đó, sự đi lại của người dân được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin... Một số chùm ca bệnh, ổ dịch như tại thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... dự báo còn phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao. Các chùm ca bệnh này có liên quan đến đám hiếu, đám cưới, giao lưu buôn bán và liên quan các cơ quan, công sở của nhà nước... nên lượng người có tiếp xúc với F0 nhiều.

Việt Nam đang thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19, vì vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc Hà Nội ghi nhận các chùm ca bệnh trong cộng đồng những ngày qua là vấn đề đã nằm trong dự báo. Không chỉ Hà Nội mà các địa phương phải chấp nhận việc ghi nhận số ca F0 nhất định trong cộng đồng. Tuy nhiên, những nỗ lực để kiểm soát số ca mắc vẫn luôn là vấn đề đặt ra với chính quyền và ngành y tế của các địa phương.

Đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm và ý thức người dân

Theo dự báo, trong thời gian tới, trên địa bàn Hà Nội còn tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp, các ca bệnh không rõ nguồn lây.

Đề cập đến chiến lược chống dịch trong giai đoạn mới mà Hà Nội cần triển khai, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, điểm mới trong chống dịch giai đoạn hiện nay là không phong tỏa trên diện rộng mà bó hẹp nhất ở mức có thể để bảo đảm và duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội. Do đó, việc cần làm trong giai đoạn hiện nay vẫn là phải đẩy mạnh công tác truy vết, xét nghiệm để khoanh vùng, cách ly nhanh nhất các ổ dịch.

"Nhiều người tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc Covid-19 thời gian qua cho thấy, vắc xin chỉ giúp hạn chế các biến chứng nhưng vẫn có khả năng làm lây nhiễm vi rút. Chính vì vậy, mỗi người dân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế để bảo vệ những đối tượng chưa được tiêm chủng, trong đó có một số người mắc bệnh nền nặng, trẻ em và người mới được tiêm phòng 1 mũi", PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Hà Nội xác định chống dịch ở mức độ cao hơn
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.

Đồng quan điểm trên, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm vẫn đang được tăng tốc để tiến tới khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất. Cùng với nguyên tắc "5K", người dân vẫn nên hạn chế tối đa đến những nơi đông người. Khi phải đi đến trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bến tàu, nơi công sở..., người dân cần thực hiện quét mã QR theo đúng khuyến cáo, thực hiện khai báo y tế để thuận tiện cho việc truy vết khi phát hiện F0.

Còn theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn, không để bị động. Cùng với đó, tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở như: Nhân lực, thuốc, tập huấn công tác hồi sức cấp cứu phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

"Tăng cường quản lý giám sát và lấy mẫu người về từ các địa phương khác, đặc biệt có yếu tố dịch tễ liên quan và từ các tỉnh có dịch trở về, yêu cầu thực hiện nghiêm việc tự giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà; kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới", bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

HNM