Hà Nội thông qua Nghị quyết về xử lý các cơ sở không đảm bảo PCCC

Tin tức - Ngày đăng : 14:48, 04/07/2017

Sáng 4/7, tại Kỳ họp thứ 4, với 100% số ĐB có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Nhiều cơ sở nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ

Đánh giá về thực trạng tình hình, cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP cho biết: Theo kết quả công tác điều tra cơ bản tính đến thời điểm 15/5/2017, trên địa bàn TP hiện có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Từ năm 2011 đến nay, Cảnh sát PC&CC TP đã tổ chức kiểm tra, phúc tra 152.664 lượt cơ sở; phát hiện và yêu cầu cơ sở khắc phục 486.609 tồn tại, thiếu sót về PCCC; xử lý vi phạm 19.879 lượt tổ chức, cá nhân; tổng số tiền phạt 31.218.270.000 đồng; tạm đình chỉ: 277 cơ sở; đình chỉ: 59 cơ sở.

Đồng thời, thống kê cũng cho thấy, số cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật này có hiệu lực là 592 cơ sở. Ngoài ra, trên địa bàn TP hiện đang tồn tại gần 1.300 khu chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2 - 5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng, đã xuống cấp, không được đầu tư trang bị phương tiện PCCC, có nguy cơ cháy, nổ cao. Cuối năm 2016, UBND TP đã hoàn tất việc giao 19 DN lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ.
Tờ trình của UBND TP cũng cho thấy, từ năm 2011 đến năm 2016, trên địa bàn TP đã xảy ra 6.254 vụ cháy, nổ các loại. Trong đó: có 76 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, 2.588 vụ cháy nhỏ và 2.595 vụ cháy do sự cố trên hệ thống lưới điện, cháy bãi rác, phế liệu...; làm 74 người chết, 140 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 588 tỷ đồng. Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, đáng chú ý đối với cơ sở được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực hiện không đảm bảo các yêu cầu và điều kiện an toàn về PCCC theo quy chuấn, tiêu chuấn hiện hành luôn là nguy cơ tiềm ẩn dễ gây ra cháy, nổ, dẫn đến cháy to, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Thẩm tra vấn đề này, Ban Pháp chế HĐND TP cũng khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết, để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập khi xử lý, áp dụng các quy chuẩn, quy định pháp luật trong quản lý nhà nước về công tác PCCC đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Bởi thời gian qua trên địa bàn TP xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; vi phạm các quy định về PCCC của các tổ chức, cá nhân diễn ra trên toàn diện rộng với mức độ vi phạm ngày càng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn xã hội. 

Cụ thể các phương án xử lý

Nghị quyết được thông qua chỉ rõ phạm vi điều chỉnh, là các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mở, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người trên địa bàn TP. Đồng thời đề ra các phương án xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật năm 2001 có hiệu lực.
Trong đó, có các phương án với từng loại cơ sở và các đặc điểm thiếu PCCC. Như với cơ sở đã đưa vào hoạt động nhưng có điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ công năng sử dụng phải kiểm tra sự phù hợp với thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng (nếu có) và thực hiện việc thiết kế điều chỉnh, bổ sung hệ thống PCCC, hệ thống kỹ thuật khác có liên quan. và cứu nạn, cứu hộ. Phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chiều rộng, chiều cao thông thủy, tải trọng của đường giao thông, kích thước bãi đỗ cho xe chữa cháy tiếp cận. Nhà và công trình phải đảm bảo bậc chịu lửa quy định; theo từng loại hình cơ sở phải đảm bảo yêu cầu lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp quy định; có yêu cầu và định mức trang bị phương tiện về PCCC, hệ thống kỹ thuật có liên quan về PCCC…

Nghị quyết cũng quy định việc xử lý đối với cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người. Theo đó, chủ cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển khi không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời gian chờ di chuyển yêu cầu cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan về PCCC, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn về PCCC….

Về kinh phí thực hiện, chủ đầu tư chủ động kinh phí để thực hiện, xây dựng phương án di chuyển và thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước hỗ trợ ngân sách đối với cơ sở thuộc diện di dời và bố trí nguồn kinh phí thực hiện đối với cơ sở thuộc dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Theo kinhtedothi.vn