Thích thú với bức tranh đồng quê khổng lồ ngay chân cầu vượt thô cứng
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:28, 06/07/2017
Được biết, người lên ý tưởng, bỏ kinh phí thuê họa sĩ vẽ bức tranh này là anh Đinh Tiến Thuật (SN 1978), trú tại đường Nguyễn Công Trứ, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình.
Anh Đinh Tiến Thuật cùng con gái rạng rỡ khi đứng cạnh bức tranh.
Theo anh Thuật, gia đình anh chỉ mới chuyển đến khu phố này sinh sống được hơn một năm. Nhà anh nhìn thẳng ra là chân cầu vượt bê tông thô cứng, rêu mốc, chưa kể, ngay cạnh đó là đầy những loại rác thải, ít khi được dọn dẹp khiến đường phố rất mất mỹ quan.
Thấy vậy, anh Thuật đã cùng mọi người trong khu phố cùng bàn nhau dọn dẹp vệ sinh khu vực này. Khi vệ sinh môi trường được sạch sẽ, lòng lề đường thông thoáng, anh lại nhen nhóm ý tưởng thuê họa sĩ về vẽ một bức tranh phong cảnh khổng lồ và kết hợp trồng hoa dưới chân cầu để làm đẹp cho cả khu phố.
Bức tranh “Mùa vàng Tam Cốc” đã giúp chân cầu vượt không còn thô cứng, xấu xí.
Nhưng để vẽ được bức tranh (mấy chục mét) lên chân cầu vượt, kéo dài cả khu phố thì hơi khó khăn về kinh phí vì nhiều gia đình chỉ thuê nhà ở tạm tại khu vực này, nên anh Thuật đã chủ động là người tiên phong, bỏ tiền để thuê hoạ sĩ về vẽ tranh tại khu vực ngay trước cửa nhà mình để mọi người có tinh thần, hưởng ứng và làm theo.
Khi được hỏi về kinh phí bỏ ra vẽ bức tranh khổng lồ trên, để tô đẹp phố phường, anh Thuật cho biết: “Mình may được sự ủng hộ của người bạn là họa sĩ nên chỉ mất tiền vật liệu, giá mỗi mét tranh cũng rẻ hơn so với giá thị trường rất nhiều. Nếu tính nhanh thì chi phí vẽ bức tranh này cũng hơn 10 triệu đồng, nhưng với mình điều đó không quan trọng bằng ý tưởng của mình đã được thực hiện và hạnh phúc hơn nữa khi có nhiều người cũng vui mừng và thấy thích thú về điều này”.
Cùng với bức tranh khổng lồ và ý thức dọn dẹp của người dân nơi đây, đường xá khu vực này đã trở nên tươi đẹp, sạch sẽ.
Nói về bức tranh khổng lồ đang hoàn thiện rõ nét trên tường chân cầu vượt, anh Thuật chia sẻ, từ khi có ý tưởng vẽ tranh lên tường chân cầu vượt thì anh đã lên mạng tìm kiếm về những hình ảnh phong cảnh đẹp và mang ý nghĩa. Cuối cùng, anh đã chọn bức ảnh “Mùa vàng Tam Cốc” để hiện thực hoá ý tưởng.
“Tôi nghĩ rằng, bức tranh khi vẽ lên chân cầu vượt không chỉ để gia đình mình ngắm mà người dân đi qua đây thường ngày cũng phải có cảm tình. Ngoài tô đẹp cho phố phường nó còn phải mang một ý nghĩa nào đó.
Người đi đường thích thú với bức tranh đã dừng lại để chụp ảnh.
Tôi chọn bức tranh “mùa vàng Tam Cốc” vì nó là hình ảnh của Ninh Bình được nhiều người biết khi đến Tam Cốc du lịch. Mùa vàng mang ý nghĩa sâu xa vì người dân Việt Nam mình gắn liền với nghề nông nghiệp trồng lúa nước.
Mùa vàng là được mùa, nói đến nhân dân được no đủ. Mùa vàng cũng nói đến việc có lao động thì mới có được thành quả của lao động. Đặc biệt, bức tranh này cũng có ý nghĩa lớn khi góp một phần nào để quảng bá cho du lịch Ninh Bình”, anh Thuật lý giải khi chọn lựa bức tranh.
Người dân ở đây đang mong chờ ngày bức tranh hoàn thiện, hàng hoa mười giờ khoe sắc.
Từ một chân cầu không ai để ý, sự cố gắng và đóng góp của anh Thuật và người dân nơi đây đã khiến khu phố này trở nên tươi đẹp, khiến nhiều người đi qua phải dừng lại ngắm nghía. Những hành động đẹp này đã phần nào xoá đi ý nghĩ chân cầu vượt thường nhếch nhác của nhiều người, góp phần tạo động lực bảo vệ môi trường sống