Một nền văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:40, 06/11/2021

Trong lịch sử phát triển của dân tộc, văn học nghệ thuật đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định văn hóa, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc trong công cuộc tự giải phóng mình. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) và Mặt trận Việt Minh (1941 - 1945), những người cộng sản và yêu nước đã dùng vũ khí văn học, nghệ thuật để vận động cách mạng từ trong ngục tù cũng như ngoài công chúng trên báo chí công khai của Đảng. Đặc biệt, sự ra đời của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 - bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa - đã có sức thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ vào Hội Văn hóa cứu quốc - một bộ phận của Mặt trận Việt Minh, góp phần động viên, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử của cách mạng tháng Tám năm 1945… và cách mạng đưa tới cho họ một cái nhìn mới để xác định vai trò, trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp của dân tộc. 

Điều này được minh chứng trong quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập đã phải đối phó với thù trong giặc ngoài câu kết âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Trước tình thế nguy nan “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ đã đoàn kết toàn dân Thủ đô thực hiện “kháng chiến kiến quốc”, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ củng cố chính quyền cách mạng, đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Anh - Pháp - Mỹ - Tưởng và bọn tay sai phản động, bảo vệ chế độ mới, giữ vững an ninh trật tự xã hội ở Thủ đô.
Từ 19/12/1946 đến 17/2/1947, 60 ngày đêm chiến đấu, giữ từng mái nhà, góc phố, với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ“, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Hà Nội đã đánh bại âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não, đánh chiếm, làm chủ thành phố trong 24 giờ của thực dân Pháp. Thắng lợi của cuộc chiến đấu 60 ngày mở đầu kháng chiến toàn quốc là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng; là thắng lợi của truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Hà Nội. Đây là một bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. 

Một nền văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn
Hòa vào dòng chảy lịch sử, văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô vừa cùng các tầng lớp nhân dân trực tiếp cầm súng đánh đuổi quân xâm lược, vừa khắc họa thành công hình ảnh công - nông - binh trong cuộc kháng chiến với tư cách là những nhân vật trung tâm của lịch sử mang âm hưởng hùng ca cách mạng. Thơ có Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Tây tiến (Quang Dũng), Đồng chí (Chính Hữu)… Văn xuôi có Đôi mắt (Nam Cao), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng)… Nhạc có Du kích ca, Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Cảm tử quân (Hoàng Quý), Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Tin chiến thắng (Hoàng Vân), Sẽ về Thủ đô (Huy Du), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)… Sân khấu có Những người ở lại, Hẹn ngày trở lại (Nguyễn Huy Tưởng)… Điện ảnh có phim tài liệu: Hồ Chủ tịch đi thăm Pháp, Phái bộ Phạm Văn Đồng dự Hội nghị Fontaincbleau… Nhiếp ảnh có bộ ảnh về nạn đói năm 1945 của Võ An Ninh, Khởi nghĩa 19/8 của Nguyễn Bá Khoản, Diệt giặc dốt của Nguyễn Hồng… Mỹ thuật có Hà Nội vùng đứng lên, Bừa trên đồi, Xưởng quân giới của Tô Ngọc Vân, Hà Nội những ngày đầu cách mạng của Công Văn Trung, Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội của Phạm Văn Đôn, Cùng nhau học tập của Trần Văn Cẩn, Dân quân tải đạn của Huỳnh Văn Thuận, Giặc đốt làng tôi của Nguyễn Sáng, Công binh xưởng của Văn Giáo, Hà Nội đêm giải phóng của Lê Thanh Đức… 

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, trung tâm chính trị chuyển từ “thủ đô gió ngàn” Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô tập trung vào hai đề tài chính: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng đất nước ở miền Nam và xây dựng hình tượng con người mới ở Thủ đô vừa xây dựng vừa đánh giặc. Thơ có Ga Hà Nội của Lê Tám, Tình yêu và báo động của Bằng Việt, Hy vọng phố mình của Trúc Thông, Những trò chơi của Phạm Tiến Duật, Giọng nói của Xuân Diệu, Máu và hoa của Tố Hữu… Bên cạnh hình ảnh người Hà Nội tinh tế, hào hoa, các nhà văn có ý thức miêu tả họ với tư cách là những người đi đầu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vẻ đẹp ấy không chỉ được thể hiện trong thơ mà còn được thể hiện rõ nét trong văn xuôi với những tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chu Thiên, Hà Minh Tuân, Hữu Mai… Âm nhạc có các sáng tác của Trần Thụ (Chiều Hồ Gươm), Thái Cơ (Tiếng còi thi đua), Nguyễn Xuân Khoát (Hò kiến thiết), An Chung (Trăng sáng đôi miền), Nguyễn Tài Tuệ (Xa khơi), Hoàng Việt (Tình ca), Văn Ký (Bài ca hy vọng), Vũ Thanh (Bài ca Hà Nội), Phạm Tuyên (Hà Nội, những đêm không ngủ)… Sân khấu có Sợi tơ vàng của Việt Dung, Quẫn của Lộng Chương, Ngôi nhà trong thành phố của Xuân Trình, Em đẹp dần trong mắt anh - Bình minh đó Trái tim anh của Tất Đạt, Quyền được hạnh phúc của Lưu Quang Vũ, Hoa và cỏ dại của Doãn Hoàng Giang… Về điện ảnh, nhiều bộ phim tài liệu về Hà Nội chiến đấu đã chạm đến trái tim công chúng Hà Nội, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân Thủ đô cũng như đồng bào cả nước. Đó là những bộ phim: Hà Nội bản hùng ca, Hà Nội niềm tin, Phố Khâm Thiên, Những ngày đêm không thể nào quên, Vĩnh biệt khách không mời… 

Mười hai ngày đêm B52 ở Hà Nội với chiến thắng rực rỡ của quân và dân Thủ đô đã đi vào lịch sử như một chiến công to lớn của toàn dân tộc. Nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị đã được xây dựng với đề tài về cuộc sống chiến đấu và sản xuất của quân dân Thủ đô, trong đó có nhiều bộ phim truyện rất có giá trị như Phía Bắc Thủ đô, Em bé Hà Nội, Vùng trời, Hà Nội mùa chim làm tổ… Mỹ thuật có Sửa lại nhà ga sau khi giặc Mỹ ném bom của Phạm Long (đoạn đầu máy xe lửa Hà Nội), Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Huỳnh Văn Gấm, Tránh bom đạn em đã có mũ rơm của Nguyễn Văn Chiến, Quyết tâm bảo vệ đất trời Thủ đô năm 1967 của Trường Sinh… Về nhiếp ảnh, Nguyễn Đình Ưu đã có hàng trăm bức ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử của nhân dân Thủ đô tưng bừng cờ hoa đón đoàn quân anh dũng trở về ngày 10/10/1954, những bức ảnh chụp cảnh Bác Hồ đang tưới cây vú sữa của Đinh Đăng Định, Bác Hồ đang cho cá ăn của Vũ Đình Hồng, ảnh Bác bắt nhịp cho dàn nhạc và đồng bào hát bài Kết đoàn của Lâm Hồng Long… Minh Trường đã chụp một phóng sự ảnh về máy bay B52 bị cháy, Đỗ Huân có Đi trực chiến, Nguyễn Đình Ưu có tác phẩm Nữ dân quân, Vũ Ba có các tác phẩm Khâm Thiên bị đổ nát, Phúc Tân kêu gọi trả thù… 

Ngay từ giai đoạn khởi động trước Đổi mới hàng chục năm, nhiều tác giả với đủ các thể loại tác phẩm (thơ Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, văn xuôi Đỗ Chu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, kịch Lưu Quang Vũ…) xuất hiện, đã hình thành tư tưởng cách tân mạnh mẽ, mang tinh thần xã hội - công dân sâu sắc, được ghi nhận như những hiện tượng “vượt rào”. Hà Nội thời mở cửa có những thay đổi lớn lao, sự xung đột giữa lối sống thời bao cấp và lối sống thời mở cửa. Đó cũng là thứ xung đột khó tránh khi cuộc sống sau chiến tranh đặt ra cho con người những nhu cầu mới, những suy nghĩ và cách sống mới được thể hiện một cách đặc sắc. Âm nhạc có các tác phẩm: Trăng chiều (Đặng Hữu Phúc - lời: Phan Đan), Truyền thuyết hồ Gươm (Hoàng Phúc Thắng), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài - lời: Chu Lai), Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải - thơ: Bùi Thanh Tuấn), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang - thơ: Phan Vũ), Hà Nội và tôi (Lê Vinh), Mối tình đầu (Thế Duy), Tháng mười Hà Nội (Trương Ngọc Ninh). Đặc biệt Phú Quang đã gieo vào lòng người Hà Nội thời mở cửa biết bao cảm xúc như: Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Tình khúc 24 (thơ Dương Tường), Chiều không em (thơ Nguyễn Thụy Kha), Chiều phủ Tây Hồ (thơ Thái Thăng Long)…Về mỹ thuật có Dân quân Thủ đô tháng 12/1972 của Lương Xuân Nhị, Phong cảnh của Nguyễn Văn Tỵ, Lễ hội ngàn năm của Trần Đốc, Chiến thắng B52 năm 1972 của Nguyễn Sơn Ka, Hào khí Thăng Long của Trần Thị Hồng… Sân khấu Hà Nội có Đỉnh cao và vực thẳm (kịch, Thanh Hương), Hà Nội đêm trở gió (kịch, Chu Lai), Tôi và chúng ta (kịch, Lưu Quang Vũ), Vòng hào quang tội lỗi (cải lương, Phùng Dũng - Đức Thịnh), Sen trắng Đông A (cải lương, Phùng Dũng - Đức Thịnh), Người đẹp xứ Tây Lăng (chèo, Hoài Giao), Những người cùng phố (chèo, Bùi Vũ Minh). Nhiếp ảnh có Phố Hàng Đào của Lại Hiển, Thắp sáng dòng điện mùa xuân của Phạm Công Thắng, Đêm phố cổ của Hoàng Minh, Mạ xuân của Hồng Trọng Mậu, Em yêu hòa bình của Như Hảo, Soi bóng của Nguyễn Văn Thắng, Đi chợ sớm của Xuân Chính, Mùa xuân bên hồ Hoàn Kiếm của Phạm Ánh, Đón nắng của Văn Phúc, Ngày hội của Lại Diễn Đàm, Đường nét hiện đại của Vũ Quang Ngọc, Ô Quan Chưởng - một thoáng nét xưa của Trần Đạo Lai…

Một nền văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn
Tác phẩm Bắc Nam một nhà của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ
Trong những năm gần đây, văn học nghệ thuật Thủ đô sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tính nhân văn dân chủ, thể hiện bằng hàng ngàn tác phẩm ở đủ thể loại... Trong đó, có thể kể đến tập truyện Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Lãng du (Tạ Duy Anh), tập sách nghiên cứu phê bình Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 - 2015 (Nguyễn Việt Chiến)… Những vở diễn: Những gương mặt thấp thoáng (Nhà hát Kịch Hà Nội), Linh thiêng hai tiếng đồng bào, Hồn Trương Ba - da hàng thịt (Nhà hát Múa rối Thăng Long), Nàng thứ phi họ Đặng (Nhà hát Chèo Hà Nội)… Tranh sơn mài Giấc mơ Long Biên (Trần Văn Ninh), tượng đài Khâm Thiên căm thù, bất khuất (Nguyễn Tự)… Các phim tài liệu: Ngôi nhà 30 liệt sĩ (biên kịch và đạo diễn NSND Lê Thi), 30 tháng Tư, ngày thống nhất (biên kịch Lê Thi, Phạm Minh Lợi), Lang thang như đám mây trời (biên kịch Lương Đức, đạo diễn Trịnh Quang Tùng)… Vở thanh xướng kịch (oratorio) Hoa Lư -Thăng Long (Doãn Nho), ca khúc Huyền diệu biển, Hoa lửa (Ngô Quốc Tính), cuốn sách Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội, tiết mục múa Lung linh phố cổ (Trần Văn Quý và Nguyễn Tố Linh)… Tập sách Ảnh nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội của NSNA Hoàng Kim Đáng, tác phẩm nhiếp ảnh Hà Nội những ngày cách ly xã hội do Covid-19; tác phẩm Thiên đô của họa sĩ Nguyễn Đình Huống, tác phẩm Sớm ngoại ô của họa sĩ Nguyễn Hữu Thông; bộ sách biên khảo Hội làng Thăng Long - Hà Nội gồm 3 tập, do PGS Lê Trung Vũ chủ biên, cuốn sách Sự tích các Thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội (PGS.TS Đỗ Thị Hảo chủ biên) và tác phẩm Nghệ thuật múa cổ truyền và hiện đại (GS.TS. NSND Lê Ngọc Canh)…  

Có thể nói, trong suốt quá trình phát triển, nền văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn đã góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Nhất là hiện nay văn học nghệ thuật luôn gắn bó mật thiết với đời sống, trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh hoàn thiện con người, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

NSND Trần Quốc Chiêm