Những chuyện chưa kể về nhà văn Tô Hoài
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:50, 06/07/2017
Tôi may mắn được làm quân của nhà văn Tô Hoài thời gian cũng khá dài. Ấy là quãng cuối năm 1989 đầu năm 1990, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng giới thiệu tôi về công tác tại tuần báo văn nghệ của Hà Nội, tờ báo mang tên: báo Người Hà Nội. Khi ấy, tôi được giới thiệu về làm thư ký tòa soạn.
Khi được một nhà văn lừng lẫy tên tuổi, lại đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, đồng thời là Tổng Biên tập báo Người Hà Nội tiếp, lúc ấy tôi lo lắng không biết ông sẽ nói thế nào về mình. Tôi thật bất ngờ khi anh Hoàng Kim Đáng giới thiệu về tôi xong, ông chậm rãi và thủng thẳng nói: “Tớ đã đọc một số bài của Cao Minh trên các báo, viết chững chạc, được”; và thế là tôi trở thành một trong những thư ký tòa soạn trẻ của hệ thống báo văn nghệ (thời ấy thư ký tòa soạn các báo văn nghệ tuổi thường trên bốn mươi). Điều cảm phục và không ngờ nhất là ông - một nhà văn Tô Hoài cao vời vợi lại đã để tâm đọc những bài viết về văn hóa nghệ thuật của một anh nhà báo vô danh như tôi. Sau này được công tác dưới quyền ông, tôi càng có nhiều điều kiện nể phục, kính trọng một nhà văn lớn nhưng đọc và thấu rõ tới từng mẩu tin nhỏ hay mẩu rao vặt...
Cố Nhà văn Tô Hoài
Nhiều người khi làm Tổng biên tập thì đi đứng và ăn nói cũng khác, nhà văn lớn, Tổng biên tập Tô Hoài lại rất khác; chẳng khi nào thấy ông bận rộn hay có vẻ gì quan trọng; lúc nào cũng thấy ông cười tít, mắt nheo nheo nhìn đời, và chẳng ai biết trong đầu ông đang nghĩ gì. Tổng biên tập Tô Hoài có cách làm việc khoa học theo lối người Pháp, chu đáo, cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ. Hàng tuần, sáng thứ hai ông đến giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, nhận xét, góp ý trong vòng hơn tiếng, sau đó là ngồi trò chuyện tào lao cùng mọi người. Tòa soạn thích được nghe ông nói, ông kể bởi ông có cách nói và kể chuyện rất nhẹ nhàng mà hóm hỉnh kiểu Tô Hoài. Khi ấy báo Người Hà Nội là nơi tụ hội nhiều nhà văn nhà thơ có tên tuổi như nhà thơ Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Tô Hà, Chử Văn Long, Vũ Xuân Hoát; nhà văn Triệu Bôn, Nguyễn Trọng Tân, Hương Trâm, Anh Biên, Như Mạo; sau đó có thêm Lê Xuân Sơn, Đại Minh.... Cũng hàng tuần tôi mang bài vở, tranh ảnh minh họa đến nhà ông ở phố Đoàn Nhữ Hài để ông duyệt. Chúng tôi phải thán phục cách duyệt của “cụ Hoài”, cả một số báo với bản thảo đầy ngộn mà cụ đọc duyệt hơn tiếng là xong, không sót từ dấu chấm phẩy cho tới cái vinhet kèm vào trang thơ...
Căn nhà rộng gần trăm mét ở phố Đoàn Nhữ Hài được nhà văn Tô Hoài mua bằng tiền nhuận bút. Tiền nhuận bút thời thuộc Pháp rất cao, ông kể, nhuận bút của tập truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” được 30 đồng - mua được 3 tạ gạo thời ấy; nhờ nhuận bút của “Dế mèn” ông đã đủ tiền đi “chu du thiên hạ” khắp Đông Dương, vào Sài Gòn, “đậu” ở Thủ Dầu Một thời gian đủ và cũng là cơ duyên gặp được một cô gái ở đây tên Phượng; đôi trai gái yêu nhau và đây là mối tình lớn nhất của nhà văn, kéo dài suốt hai thế kỷ đau đáu nhớ nhung bởi sự xa cách. Sau này khi ông làm Chủ tịch Hội văn Nghệ Hà Nội, bà Phượng từ Pháp về Việt Nam đã tìm gặp được ông. Câu chuyện này nhà văn Tô Hoài kể riêng cho tôi nghe trong lần tôi đến thăm ông ở Nghĩa Đô, nhà văn lúc này đã ở tuổi 90. Trở lại căn nhà ở phố Đoàn Nhữ Hài, cứ hàng tuần tôi đem bài vở đến để ông duyệt; trước cửa sổ phòng làm việc của ông ở tầng 2 luôn có treo một giò bìm biển, hỏi ông, ông chỉ cười; khi kể về mối tình sâu nặng của mình ông mới cho biết là để nhớ mối tình ấy. Ít người biết nhiều bài viết của Tô Hoài ký bút danh Phượng Vũ hoặc Duy Phượng. Phượng Vũ là tên con trai thứ hai của ông, còn Duy Phượng thì hẳn là ẩn ý tình yêu của đời ông duy chỉ có Phượng mà thôi!
Về bút danh Tô Hoài ngày nay đã trở thành một cái tên lớn không thể thiếu trong văn học Việt Nam hiện đại; nhà văn Tô Hoài cười khì khì, đôi mắt nheo nheo, tinh nhanh: “Có gì đâu, tớ nghĩ đơn giản thôi; thuở bé suốt ngày tớ la cà chơi bời và đi đổ dế ở ven bờ sông Tô Lịch (làng Nghĩa Đô ở gần đấy). Cái tên Tô là ý đấy; còn Hoài là phủ Hoài Đức, làng Nghĩa Đô xưa thuộc phủ Hoài Đức, quê mẹ mình; có thế thôi. Sau này nhiều báo chí đến gặng hỏi chắc hẳn nhà văn lớn khi đặt bút danh phải thâm thúy, cao siêu lắm... họ cứ quan trọng hóa mọi chuyện”.
Truyện “Dế mèn phiêu lưu ký”
Thế nhưng trong văn chương, chữ nghĩa thì cụ vô cùng khắt khe và cẩn trọng. Trong các nhà văn lớn của Việt Nam sáng tạo nhiều từ mới, tôi cho rằng đó là nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Tô Hoài. Một dịp ông đến chơi với báo Người Hà Nội, trong câu chuyện nhà văn hỏi: “Tớ đố các cậu cái anh dạy nhảy, thường hay gọi cho oai là vũ sư ấy, gọi thế nào là chính xác nhất, Việt nhất. Tất nhiên mọi người đều chịu. Cụ thủng thẳng: nó là thằng thợ dìu; chẳng phải nó đang dìu người ta đi bước này, đi bước nọ là gì...”. Và, ít hôm sau nhà văn gửi đến chúng tôi cái truyện ngắn rất hay có cái tít: “Giấc mộng ông thợ dìu”.
Là cây đại thụ trong văn học, nhà văn Tô Hoài không lúc nào ngơi nghỉ làm việc. Những năm cuối đời ông thường về ngôi nhà ở Nghĩa Đô để làm việc cho yên tĩnh và tiện việc chăm sóc thuốc thang của con gái ông. Tôi đến lúc nào cũng thấy cụ Tô Hoài đang đọc sách hoặc viết gì đó; cụ nói viết cũng là cách tập thể dục tinh thần, vả lại còn nhiều thứ để viết lắm, chỉ sợ thời gian không cho phép... Nhà văn Tô Hoài đã nhận lời viết cho ai, cho báo nào thì không bao giờ sai hẹn. Bản thảo viết tay, nét chữ đều tăm tắp, nhưng nếu không quen thì nhiều chữ cũng phải mất công luận. Có một nhà thơ khá tên tuổi cứ khăng khăng nhà văn Tô Hoài lớn như thế mà viết hay sai chính tả. Hóa ra theo cách hiểu của nhà thơ nọ viết thiếu dấu là sai chính tả. Nhưng nhà thơ không hiểu được trong cách viết, của bất kỳ bản thảo nào Tô Hoài cũng viết đúng với cách đọc. Ví dụ các từ: các, khác, tát, Pháp... Tô Hoài chỉ viết: cac, khac, tat, Phap mà không mất công thêm dấu không cần thiết (điều này nhà văn Hồ Anh Thái đã ca ngợi trong một bài viết).
Về việc thâm thúy và bằng lòng “hạ bút” viết cho báo nào cũng như ứng xử tinh tế, khe khắt của nhà văn Tô Hoài, tôi đã trực tiếp được trải nghiệm. Đó là vào năm 2002, khi tôi trở lại làm thư ký tòa soạn báo Người Hà Nội, sau nhiều năm công tác ở một số tờ khác. Lúc ấy uy tín và số lượng phát hành của báo sút kém. Trong một buổi gặp mặt tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội ở 19 phố Hàng Buồm, tôi gặp bác Tô Hoài và mời bác viết cho báo; bác cười cười rồi nói sang chuyện khác. Tôi hiểu ý bác chê tờ báo kém như thế bác không viết. Khoảng một năm rưỡi sau đó, trong buổi họp ban chấp hành Hội tổ chức ở Sầm Sơn, Thanh Hóa; nhà văn Tô Hoài gọi tôi ra góc phòng nói: “Tớ thấy báo Người Hà Nội dạo này bảnh lắm”. Tôi mừng quá, bác đã có lời khen anh chị em tòa soạn đã làm tờ báo hay lên, thật là lời khen vô giá của người đã sáng lập ra tờ báo. Nhà văn nói tiếp: “Tớ viết cho báo nhé. Cậu nghĩ cho tớ một chuyên mục”. Thật vô cùng vinh hạnh và sung sướng khi được cụ Tô Hoài đồng ý viết. Sau đó tôi rất lo bởi sự tin tưởng của ông. Mất hàng chục ngày loay hoay tìm cách đặt tên chuyên mục, mấy chục tên nghĩ rồi lại xóa vì thấy không ổn. Bỗng một hôm lóe lên cái tên chuyên mục ấy, tôi mừng quá, đúng rồi, ra được chất của cụ Tô Hoài rồi, mà cũng tha hồ báo khai thác mọi góc khuất ở cụ... Tôi gọi điện báo cáo bác cái tên chuyên mục, nhưng vẫn hơi lo, sợ bác không ưng. Nghe xong, nhà văn Tô Hoài cười khì khì trong máy: “Thằng này khá, hiểu được ý tớ”. Tên chuyên mục ấy là: “Thủng thẳng chuyện đời”. Suốt hơn hai năm nhà văn Tô Hoài đã viết cho chuyên mục ấy và được nhiều bạn đọc rất thích. Nếu có việc phải đi xa, hoặc bận gì đó, bao giờ nhà văn cũng viết trước có khi tới 3 số cho báo, hoặc báo trước cho chúng tôi chủ động.
Mùa xuân năm 2013, một nhóm gồm: nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, nhà thơ Phạm Đức, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Quang Minh, nhà quay phim Đức Hùng và tôi tổ chức làm một bộ phim về nhà văn Tô Hoài; bởi phần lớn chúng tôi đều từng là quân của cụ. Đang dàn dựng quay và chụp mà nhân vật chính là nhà văn Tô Hoài cùng cụ bà, thì nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội dẫn đầu đến chúc sức khỏe và tặng hoa. Nhà văn tuổi đã 93 nhưng vẫn rất minh mẫn và khỏe, trêu chúng tôi: “Các cậu bắt diễn viên diễn nhiều thế…”. Sau đó bác Tô Hoài còn hẹn thời tiết ấm lên sẽ đi quay một số ngoại cảnh phố cổ, Hồ Gươm… Ấy vậy, thời gian sau đó bác Tô Hoài cứ xuống sức dần.
Nhà văn Tô Hoài, cây đại thụ cuối cùng của văn học hiện đại Việt Nam đã ra đi, để lại khoảng trống không thể bù đắp một phong cách, phong thái, tính cách văn chương, sáng tạo văn chương rất Tô Hoài.