Phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:42, 10/07/2017
Từ quảng trường Đông Kinh nghĩa thục (đầu phố Hàng Đào, Hàng Gai), chạy quanh bờ bắc và đông của hồ Hoàn Kiếm, tới ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay - Hàng Bài.
Đây vốn là một con đường có từ lâu đời, đoạn đầu là đất thôn Thăng Bình rồi đến thôn Hương Minh (tên nôm là thôn Hàng Chè), đoạn giữa là thôn Tả Vọng và đoạn cuối là thôn Hậu Lâu, tất cả đều thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ (tới giữa thế kỷ XIX, Hậu Lâu đổi ra là Cựu Lâu, và tổng Hữu Túc đổi ra là tổng Đông Thọ). Ngôi nhà số 9 vốn là đình thôn Thăng Bình. Đoạn giữa phố Hồ Hoàn Kiếm, nối Đinh Tiên Hoàng vốn có đình Hương Mính. Đây chính là "phố Hàng Chè" mà Đại Nam nhất thống chí đã ghi trong mục "Chợ và phố" của tỉnh Hà Nội hồi thế kỷ XIX.
Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một số đường phố mới. Phố Đinh Tiên Hoàng là một trong phố được mở đầu tiên, có quyết định xây dựng từ năm 1884 với tên gọi ban đầu là Boulevard autour du Petit Lac (đại lộ quanh hồ Gươm), nhưng đến tháng 4/1885 mới được phác thảo. Năm 1888 Hội đồng Thành phố bỏ phiếu tán thành chi 220.000 francs để sớm hoàn thành ngay đại lộ này nhưng do một vài chủ đất ở khu vực này đã yêu cầu bồi thường quá cao trong khi Thành phố trưng dựng nên đã mất nhiều thời gian đàm phán. Khi xây dựng xong, đại lộ quanh hồ Gươm được mang tên là đại lộ Phơ-răng-xi Gác-ni-ê (Boulevard Francis Garnier). Ngày 28/1/1891, một đám cháy xảy ra ở gần Toà Đốc lý trên đại lộ này làm cháy 25 túp lều ở các phố lan cận như rue de l'Huile (phố Hàng Dầu), rue du Lac (phố Bên Hồ).
Dọc theo đại lộ Phơ-răng-xi Gác-ni-ê có cổng đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu (đi tích lịch sử được xếp hạng ngày 16/5/1925 của Toàn quyền Đông Dương); Toà Đốc lý Hà Nội (Mairie de Hanoi) được xây dựng năm 1921, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ngày nay được xây dựng trên khuôn viên của Toà Đốc lý trước kia; Bưu điện Hà Nội (được xây dựng từ trước năm 1894); nơi xử án của Thành phố vào năm 1893, sau được dùng làm Tín dụng ruộng đất (Crédit foncier) và nay là Bưu điện Quốc tế. Năm 1945 đại lộ Phơ-răng-xi Gác-ni-ê sáp nhập với phố Bô-săng (rue Beauchamps) thành phố Lê Thái Tổ, năm 1949 đổi thành đại lộ Đinh Tiên Hoàng, năm 1951 vẫn giữ nguyên tên đại lộ Đinh Tiên Hoàng.
Nay thuộc các phường Hàng Bạc, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.
Đinh Tiên Hoàng là miếu hiệu của Đinh Bộ Lĩnh (923-979), người có công thống nhất đất nước hồi thế kỷ thứ X.
Sau khi Ngô Quyền mất (944) các thế lực phong kiến nổi dậy, mỗi người cát cứ một phương - sử gọi là loạn Mười hai sứ quân. Nền độc lập của đất nước, sự sống còn của dân tộc đòi hỏi phải giữ vững khối thống nhất. Đó là yêu cầu thiết của lịch sử. Và người đáp ứng yêu cầu đó chính là Đinh Bộ Lĩnh.
Ông chính gốc ở làng Đại Hữu vốn thuộc Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Sau khi lần lượt đánh bại các sứ quân, năm 967 ông hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Năm sau, ông lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình. Cho nên nếu như Ngô Quyền đã chấm dứt mười thế kỷ Bắc thuộc thì Đinh Bộ Lĩnh có công xây dựng cơ sở vững chắc cho nền độc lập, thống nhất của đất nước.