Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 'Chưa thể bỏ ngay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân'

Tin tức - Ngày đăng : 16:06, 11/07/2017

“Về nguyên tắc, thời điểm này chưa áp dụng Nghị quyết 58 và Nghị quyết 58 không phải là quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cam kết Bộ Tư pháp sẽ chủ động làm, không phụ thuộc mệnh lệnh hành chính”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 'Chưa thể bỏ ngay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân'
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm về Nghị quyết 58

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Theo đó, một loạt giấy tờ như giấy chứng nhận kết hôn của người xin nhập quốc tịch với công dân Việt Nam (nếu có); giấy tờ chứng minh nơi cư trú cha, mẹ hoặc người giám hộ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam… được bãi bỏ.

Đáng chú ý trong lĩnh vực hộ tịch, Chính phủ đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài sẽ bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (trường hợp cha mẹ trẻ có đăng ký kết hôn); Bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) trong thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 4.7.

Tuy nhiên, tại tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Nghị quyết này đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực giấy tờ công dân, Điều 2 của Nghị quyết giao cho Bộ Tư pháp trên cơ sở phương án đã được Chính phủ thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có chứa các thủ tục.

“Về nguyên tắc, thời điểm này chưa áp dụng Nghị quyết 58 và Nghị quyết 58 không phải là quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cam kết Bộ Tư pháp sẽ chủ động làm, không phụ thuộc mệnh lệnh hành chính”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: “Đây là Bộ Tư pháp chủ động làm chứ không cần văn bản đôn đốc hoặc văn bản về mặt hành chính nào của cấp trên xuống”.

Trao đổi thêm với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Nghị quyết 58 chỉ là định hướng để giao việc, định hướng trong tương lai chứ chưa phải bỏ một số giấy tờ ngay được.

Thứ trưởng Ngọc nói thêm, việc áp dụng sẽ tiến hành khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện, kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cũng như cơ sở dữ liệu khác. Đây là định hướng triển khai công việc chứ không phải bỏ ngay.

Theo ông Ngọc, Luật Hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 1.1.2020 có hiệu lực, khi đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an soạn thảo mới hoàn thiện. Thông tin quản lý dân cư đều có trong cơ sở dữ liệu này nên người dân sẽ không cần xuất trình các loại giấy tờ như giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... khi làm thủ tục. Cái khó nhất hiện nay là không có tiền để đồng bộ các hệ thống dữ liệu điện tử, trong khi việc này đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Trước đó, nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu quan điểm, khi các đương sự đăng ký kết hôn mà không bắt buộc thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ gây ra rất nhiều bất cập, tranh chấp về sau trong vấn đề hôn nhân gia đình, tài sản và con cái.

Theo luật sư này, việc xác nhận tình trạng hôn nhân là căn cứ để xác định một người đang độc thân hay đã ly hôn... để căn cứ cho người đó kết hôn hoặc được thực hiện các quyền giao dịch về tài sản theo quy định Luật Hôn nhân gia đình cũng như Luật đất đai và pháp luật liên quan về tài sản chung, riêng của vợ chồng. Đây cũng là căn cứ để xác nhận quan hệ hôn nhân nào hợp pháp, quan hệ nào không hợp pháp.

“Việc xác nhận tình trạng hôn nhân cũng là căn cứ để xác định con chung, con riêng tránh các tranh chấp phức tạp về sau trong vấn đề tranh chấp nuôi con. Nếu không có xác nhận tình trạng hôn nhân có thể dẫn đến 1 người có thể lấy nhiều người chồng/vợ”, ông Hùng nói và cho rằng, lúc này các tranh chấp hôn nhân với người nước ngoài sẽ rất phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố như hôn nhân, con cái, tài sản... có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên ông Hùng cũng cho rằng, phương án không xác định tình trạng hôn nhân chỉ khả thi khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp một giấy là Giấy trích lục dữ liệu dân cư như một số nước đã thực hiện. Trên giấy đó sẽ có đủ thông tin được trích xuất từ dữ liệu quốc gia về việc người đó kết hôn chưa, ly hôn chưa hay đang độc thân hay. Do đó, việc đơn giản hóa ở đây là tích hợp thông tin từ sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, tình trạng độc thân vào cùng 1 giấy.

"Tất nhiên, để làm được điều này là không đơn giản, phải kết hợp từ nhiều cơ quan liên quan và cần nhiều thời gian", ông Hùng nói.

Theo motthegioi.vn