Phố Đoàn Thị Điểm, quận Đống Đa, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:45, 12/07/2017
Đi từ phố Tôn Đức Thắng đến làng An Trạch, song song với phố Cát Linh, cắt phố Đặng Trần Côn.
Đây là đất thuộc phường Bích Câu đời Lê, như vậy là nằm chung trên dải đất đã từng là nền của câu chuyện Tú Uyên – Giáng Kiều mà chính bà Điểm là người đầu tiên đưa vào văn học chữ viết (truyện Bích câu kỳ ngộ, trong tập Truyền kỳ tân phả của bà). Vào đầu thế kỷ XIX đây là thôn Cận Tú Uyên thuộc tổng Yên Thành, huyện tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Sang giữa thế kỷ XIX thôn này đổi ra là An Trạch (còn đọc là Yên Trạch).
Thời Pháp thuộc là phố Tô-lăng (rue Tholance). Tên hiện nay được đặt từ sau cách mạng.
Nay thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.
Đoàn Thị Điểm (1706 – 1748) hiệu là Hồng Hà nữ sĩ. Hồng Hà không phải là sông Hồng mà là “ráng đỏ”. Bà là con ông Đoàn Doãn Nghi, ở thôn Trung Phú, xã Giai Phạm nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Mẹ bà là con gái ông bá tước họ Vũ, nhà tại phường Hà Khẩu (nay là khu vực Hàng Buồm). Bà từ nhỏ đã nổi tiếng là hay chữ, văn chương hơn đời. Vì vậy mà dân vùng Đông đã gọi tên bà là “Bà Trạng Giữa” (thôn Trung Phú có tên nôm là làng Giữa).
Bà từng dạy học ở nhiều nơi như Vô Ngại (cũng thuộc huyện Yên Mỹ - Hưng Yên), Chương Dương (thuộc huyện Thường Tín – Hà Nội), có thời gian được vời vào dạy các cung phi trong phủ chúa. Nhưng về đường duyên phận thì khá muộn màng: năm 37 tuổi bà mới lấy chồng, làm vợ kế ông Nguyễn Kiều, tiến sĩ làng Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng quận Tây Hồ). Cưới xin xong ông Kiều đi sứ phương Bắc. Ba năm sau mới trở về. Họ chung sống ở Thăng Long với nhau ba năm thì ông Kiều được bổ làm trấn thủ xứ Nghệ. Bà Điểm theo chồng vào trong đó, nhưng giữa đường mang bệnh và tới nơi thì từ trần. Nguyễn Kiều đưa thi hài bà về chôn ở quê mình. Nay mộ bà Điểm còn đó, ở xứ Cổng Đồng, cách mộ ông Kiều một đoạn không xa.
Bà Điểm là tác giả tập Truyền kỳ tân phả bằng chữ Hán gồm năm (hoặc sáu) truyện ngắn có tính chất huyền thoại. Ngoài ra bà còn là người dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra quốc âm. Đây là một bản dịch thiên tài, vừa giữ đúng tinh thần của nguyên tác vừa diễn đạt bằng một ngôn ngữ văn học tuyệt vời (tuy nhiên gần đây có nhà nghiên cứu cho rằng bản dịch nổi tiếng đó là của Phan Huy Ích).