Chương trình số 08-CTr/TU: Ban hành được nhiều chính sách đặc thù chăm lo đời sống Nhân dân

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 22:03, 06/11/2021

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh đây là chương trình quan trọng, liên quan đến Nhân dân, vì thế chúng ta phải làm thực chất, có sản phẩm.
20 chỉ tiêu đạt kết quả tốt

Chiều ngày 4/11, Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025” tổ chức  Hội nghị giao ban công tác Quý III/2021.
Tham dự Chương trình có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Lan Hương; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Chử Xuân Dũng và các đồng chí ủy viên Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Để đảm bảo an sinh xã hội, TP đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh để đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống của Nhân dân.
Trong 27 chỉ tiêu đề ra, Chương trình số 08-CTr/TU thực hiện được 20 chỉ tiêu đạt kết quả tốt, còn 7 chỉ tiêu tiển khai còn chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, toàn TP giải quyết việc làm cho 116/912/160.000 lao động, đạt 73% kế hoạch năm. Hết tháng 9/2021, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 89,7% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), tương đương 7.270.542 người tham gia BHYT.
Sở LĐTB&XH đã phối hợp với BHXH TP xây dựng quy trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 55.000 người, với số tiền 1.300 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 51.000 người; hỗ trợ học nghề 1.220 người, số tiền hỗ trợ 3,84 tỷ đồng.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội
Để đảm bảo hiệu quả chống dịch cao nhất cũng như chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, TP Hà Nội đã đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho Nhân dân và triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng. Đến ngày 27/9, đã tiêm được gần 6,9 triệu mũi, chiếm 96,3% người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm ít nhất 1 mũi. Đối với công tác giảm nghèo, đến nay, TP có 15/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH TP đã giải ngân cho 83.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thu hút tạo việc làm cho 58.000 lao động.
Cùng với đó là thực hiện đầy đủ kịp thời đối với chính sách đối với người có công với cách mạng và chính sách bảo trợ xã hội. Ngoài ra, ngày 23/9/2021, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND, trong đó quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội của TP là 440.000 đồng (hệ số 1) và quy định bổ sung 3 nhóm đối tượng đặc thù của TP được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và 7 nhóm đối tượng đặc thù được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các trung tâm BTXH của TP.
Về công tác phòng chống Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến ngày 13/9/2021, kinh phí phí ủng hộ phòng chống Covid-19 và mua vắc xin là trên 450 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ TP đã hỗ trợ các đối tượng khó khăn, trung tâm cách ly, hỗ trợ tỉnh bạn, chuyển giao trang thiết bị y tế…với tổng số tiền 109,628 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 502,5 tỷ đồng, 175 tấn hàng nhu yếu phẩm.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 3642/QĐ-UBND, Nghị quyết 15/NQ-HĐND, đến ngày 30/9/2021, các cơ quan liên quan, địa phương đã ban hành quyết định hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định với tổng kinh phí 1.374,553 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước là 991,836 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 382,716 tỷ đồng).
Không để sót đối tượng tham gia
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình số 08 sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tầng lớp Nhân dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08 Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là Chương trình quan trọng nên chúng ta cần tập trung thực hiện thực chất, có sản phẩm.
Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08 cũng lưu ý các thành viên trong Ban chỉ đạo chương trình thực hiện có trách nhiệm. Những công việc chúng ta làm được cần cần đánh giá sâu sắc hơn thì mới nhận diện được và đưa ra phương hướng sát với thực tế. Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, cần rà soát và kết cấu lại, nhiệm vụ phải thực chất và sát thực tế. Vì đây là Chương trình liên quan đến Nhân dân, có nhiều đối tượng thụ hưởng cho nên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. “Đây là chương trình rất lớn, rất khó, rộng, để làm được thì chúng ta phải tập trung quan tâm. Và để quan trọng là chúng ta có kế hoạch để đưa ra giải pháp ngay. Các sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình tăng cường phối hợp và tập trung để thực hiện tốt các nội dung của Chương trình” – Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08 nêu rõ.  
Vì đối tượng thụ hưởng trực tiếp là Nhân dân, cho nên Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh đến việc tuyên truyền mạnh cho chương trình này để người dân thấy được lợi ích và tham gia. Đồng thời, phải tìm được đối tượng, không được bỏ sót ai khi triển khai các nội dung. Mội nội dung nữa là xây dựng các cơ chế mang tính chất đặc thù của TP Hà Nội; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện để Chương trình 08 đảm bảo hiệu quả, có chất lượng.

KTĐT