"Thứ bảy xanh" ở Thanh Trì
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:25, 12/07/2017
Tự giác tháo dỡ công trình vi phạm ở vỉa hè, bờ sông, hiến đất làm đường, biến các “điểm đen” rác thải thành công viên, tuyến đường hoa… là hiệu quả từ việc duy trì "thứ bảy xanh" ở huyện Thanh Trì. Nhờ hoạt động này, cảnh quan môi trường của nhiều địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp…
Sôi nổi phong trào tổng vệ sinhSáng thứ bảy vừa qua, có mặt tại thị trấn Văn Điển và các xã: Vĩnh Quỳnh, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Tân Triều… chúng tôi thực sự bất ngờ khi chứng kiến người đứng đầu các địa phương trên cùng hàng nghìn người dân miệt mài vớt rác, phát quang bụi rậm, trồng hoa… dọc tuyến sông Nhuệ, Tô Lịch. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: Từ 6h30, gần 400 cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Ích Vịnh, Quỳnh Đô có mặt bên bờ sông Tô Lịch để thu gom rác thải, trồng hoa.
Một buổi tổng vệ sinh môi trường của nhân dân xã Hữu Hòa. |
Trước đây, sông Tô Lịch, đoạn chảy qua xã Vĩnh Quỳnh bị ô nhiễm nặng vì một số hộ dân xả rác và nước thải sinh hoạt, chăn nuôi… Thực hiện nghị quyết của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Thanh Trì về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ môi trường, xã đã đến từng gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân không xả rác, tự tháo dỡ công trình xây dựng trong hành lang sông… Sau hai tháng vận động, 186 hộ dân đã tự tháo dỡ công trình, bàn giao đất cho xã xây dựng 2,5km đường bê tông và hệ thống thu gom nước thải dọc bờ sông Tô Lịch…
Trước đây, hơn 1km đường bờ sông Tô Lịch địa bàn thị trấn Văn Điển, nối từ đường Phan Trọng Tuệ với xã Vĩnh Quỳnh bị lấn chiếm, dựng lều lán bán hàng, ô nhiễm môi trường. Để xóa “điểm đen” này, thị trấn đã vận động nhân dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, xây dựng vườn hoa, cây xanh. Hằng tuần, thị trấn bố trí hơn 50 cán bộ, đảng viên, lực lượng công an, dân quân tự vệ… tham gia thu gom, vớt rác thải trên bờ, lòng sông…
Hiệu trưởng Trường THCS Hữu Hòa Đặng Thị Thảo cho biết: Từ 6h30, gần 200 cán bộ, đảng viên, giáo viên của xã và nhà trường đã có mặt tại xóm Cầu, thôn Hữu Lê để thu gom rác thải và trồng cây xanh. Sau 30 “thứ bảy xanh”, gần 2km bờ sông Nhuệ đã được dọn sạch lều lán, cỏ dại, rác thải thay thế bằng những luống hoa dạ thảo…
Ông Nguyễn Công Thường, ở xóm Cầu, xã Hữu Hòa cho biết, gia đình có hai ki ốt giáp bờ sông Nhuệ rộng hơn 30m2, mỗi tháng cho thuê được 4 triệu đồng. Được vận động, gia đình đã tự phá dỡ, bàn giao đất cho xã cải tạo làm vườn hoa, cây xanh. Nhờ đó, khu vực chân cầu không còn ngập rác, cỏ dại và ruồi muỗi… “Xã đã tốn công, tốn sức tạo nên vườn hoa, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo ban nhau giữ gìn, chăm sóc, không đổ rác thải...”, ông Nguyễn Công Thường khẳng định.
Duy trì phong trào
Hơn một năm nay, dịp cuối tuần đã trở thành “ngày hội” bảo vệ môi trường của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương, thành công này là do cán bộ, đảng viên, nhân dân đã nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường. Các xã, thị trấn trên địa bàn đã kiên trì vận động nhân dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm lòng đường, vỉa hè, bờ sông… gắn với việc xóa chân điểm rác, cải tạo thành vườn hoa, cây xanh...
Những tuần đầu thực hiện, nhiều địa phương trên địa bàn chưa vào cuộc tích cực, phát động phong trào mang tính hình thức. Khắc phục tình trạng này, Huyện ủy chỉ đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc huyện phân công lãnh đạo, đảng viên giám sát, kiểm tra và tham gia vệ sinh môi trường cùng nhân dân các xã, thị trấn. Hằng tuần, các xã, thị trấn gửi kế hoạch nêu rõ thời gian, địa điểm tổ chức tổng vệ sinh, trên cơ sở đó, Huyện ủy tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát. Nếu địa phương nào đăng ký mà không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả thấp, huyện sẽ có văn bản nhắc nhở, phê bình.
Sau hơn một năm duy trì "thứ bảy xanh", huyện Thanh Trì đã huy động nhân dân đóng góp gần 12 tỷ đồng để cải tạo, làm sạch sông, hồ, ao trên địa bàn. Toàn huyện đã tổ chức hơn 60 đợt ra quân trọng điểm tổng vệ sinh môi trường, huy động gần 10 nghìn lượt người tham gia phong trào. Đặc biệt, gần 400 hộ dân sinh sống dọc các tuyến sông Nhuệ, Tô Lịch đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, bàn giao mặt bằng để xã, huyện xây dựng các tuyến đường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp…