Đâu chỉ là số phận

Truyện - Ngày đăng : 17:17, 14/07/2017

Một ngày sáng sủa, có nắng đẹp, thế nhưng Tamara và Genka trở về nhà với vẻ ảm đạm, chìm trong đau khổ. Mới một giờ trước, người ta đã tuyên bố rằng họ không qua được kỳ thi và không được nhận vào trường đại học. Họ trì hoãn việc về nhà và im lặng đi quanh các con phố của thành phố một cách vô định.
Đâu chỉ là số phận
Minh họa của Trần Thạch Linh
Lá trên cây đã nhuốm vàng và rụng xuống đó đây. Mùa thu đã đến gần nhưng dù sao vẫn còn nóng bức và ngột ngạt. Mọi người vội vã đến các ki-ốt bán nước, dùng khăn tay lau trán đẫm mồ hôi, uống cho thỏa cơn khát rồi lại vội vã đi tiếp.

Genka liếm đôi môi thô đã khô ráp và vẫn im lặng. Anh đã khát nước từ lâu và lúc này anh không muốn nói chuyện gì cả. Có vẻ như im lặng là tiện hơn. Đến gần 2 giờ Genka không kìm được nữa và đề nghị Tamara rẽ vào quán để ăn trưa.

- Đến lúc phải ăn rồi, chẳng lẽ bây giờ em về ăn ở nhà sao? - anh giải thích. - Những cuộc tranh cãi rồi sẽ được bắt đầu… Đối với em chỉ có mẹ thôi thì không sao, còn anh thì… Mẹ sẽ lại nước mắt ngắn dài ngay đấy, dĩ nhiên rồi, còn bố với anh trai sẽ bắt đầu trách móc, cười chê. Một bữa ăn sẽ như thế đấy.

Tamara ngoan ngoãn đồng ý, cô chỉ hỏi:

- Có đủ tiền không?

- 12 rúp… còn em chắc là có 3 rúp... Đủ đấy!

Genka thường ít lời và hơi thô, bên bàn ăn anh đã mở lời. Họ ngồi trong góc khuất, quay lưng lại mọi người, bên một cây si lớn. Chiếc bàn nhỏ của họ được đặt trong bóng tối khó nhận thấy, hầu như các thực khách không đến chỗ đó và điều này có lẽ làm cho Genka thêm quyết tâm và mạnh bạo. Anh nói dường như không ngần ngại mà thậm chí còn nhìn thẳng vào mắt Tamara:

- Em sẽ vẫn đợi chứ? Nào, sao em lại nhìn anh như thế? Việc rõ ràng là bây giờ anh sẽ được gọi vào quân đội. Vì thế mà anh mới hỏi. Đúng là một vòng xoáy… Anh yêu em mà và chính em cũng biết rõ điều đó - anh hấp tấp nói tiếp và cụp mắt xuống. - Em hãy thứ lỗi bởi dẫu sao trong quán ăn anh cũng không nói theo sách… mà điều đó có vẻ gì thật tầm thường. Anh chưa bao giờ đọc thơ, chưa tặng hoa cho em. Còn bây giờ lại muốn thổ lộ. Có thể trong lòng em sẽ thấy nhẹ nhõm hơn.     

Tamara im lặng, cúi đầu và lấy ngón tay vuốt chiếc khăn trải bàn.

- Vậy em cũng yêu chứ? - Genka hỏi với giọng run run lo lắng.

- Em yêu… - Tamara khẽ thở dài nhưng vẫn không nhìn lên và không thay đổi tư thế.

Genka và Tamara chỉ trở về nhà vào lúc đêm đã khuya. Khi tạm biệt, Genka hôn Tamara một cách rụt rè và thiếu tự tin. Thế nhưng anh không vào được nhà của mình. Cha anh tới gần cửa khi nghe tiếng gõ cửa, lắng nghe và… không mở cửa.

Suốt đêm Genka lang thang khắp phố, thậm chí đã làm một giấc ngủ ngắn trên chiếc ghế đá ở công viên. Đến sáng anh hái những bông hoa đẹp nhất trong thảm hoa của thành phố và đặt chúng lên bệ cửa sổ để dành tặng cho Tamara. Anh đón bình minh trên bậc thềm nhà mình.

Thật ngạc nhiên là cha và cả anh trai cũng không mắng mỏ gì anh. Thậm chí họ không hỏi gì cả, chỉ có người mẹ thỉnh thoảng lại đưa khăn tay lau mắt. Thế rồi hai tuần sau đó Genka nhập ngũ.

Chiến tranh bắt đầu vào năm sau. Genka viết những bức thư đầy tình cảm ấm áp. Ba năm sau anh bị thương nặng vào đầu, phải nằm quân y viện rồi trở về nhà. Tamara đã chờ đợi anh.

Genka đã đến nhà máy và học làm thợ tiện. Tamara làm việc cùng với mẹ tại xưởng may. Họ lại gặp nhau. Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.

- Genka, bao giờ thì chúng mình kết hôn? - Một lần Tamara hỏi.

Genka im lặng hồi lâu, sau đó bắt đầu giảng giải:

- Chắc là sau chiến tranh, Tamara ạ. Em cũng hiểu là cha và anh trai của anh đang ở ngoài mặt trận. Mẹ anh, hai đứa con của anh trai… Chính vì vậy mà chúng ta chắc là chưa thể. Chiến tranh sắp kết thúc rồi. Cuộc sống rồi sẽ dễ chịu hơn… Khi đó chúng ta sẽ kết hôn.

Tamara im lặng. Cô không nói với Genka rằng đã hơn một tháng nay có một bác sĩ trẻ từ quân y viện vẫn ghé qua nhà họ. Và rằng, mẹ cô đã phản đối Genka. Bà trách cứ cô chuyện này và khen ngợi anh chàng bác sĩ hết lời, rằng người đó có học thức, tự chủ, tính cách không giống với Genka, là người tốt và không ném tiền bạc đi như những người khác. Chỉ nên sống với những người như thế.

Tamara cũng đoán được vì sao chàng bác sĩ lại thường ghé đến nhà họ. Bà mẹ may cho anh ta một chiếc áo khoác, và anh ta tới nhà họ để mặc thử. Tamara có mặt ở nhà. Từ đó Anatoli Nikolaevits bắt đầu đặt hàng chỗ mẹ hết thứ này đến thứ khác. Tamara biết được rằng anh ta đã từng ra mặt trận, còn bây giờ thì anh đã chuyển về đây cùng với quân y viện, gần chỗ ở của họ. Người thân của anh không còn ai, họ đã thiệt mạng trong trận ném bom ở Odessa. Quả bom đã rơi trúng nhà họ.

Sau câu trả lời của Genka, Tamara đã nhìn nhận Anatoli theo một cách khác. Và thật kỳ lạ, cô nhận thấy rằng Anatoli đẹp trai hơn Genka.

Một lần Anatoli mời Tamara đi xem phim. Tamara do dự đôi chút nhưng đã đồng ý. Cô hiếm khi gặp Genka. Đến mùa thu, anh vào đại học và gần như không có thời gian rỗi.

- Xin lỗi em, Tamara! Chính em cũng hiểu rằng, ban ngày thì anh làm việc, buổi tối thì phải chạy đến trường. Và anh vẫn yêu em như trước, em đừng nghi ngờ… - Genka thanh minh.

Bằng cách nào đó mà Anatoli luôn ở bên cạnh cô một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Anh biết nói một cách thú vị về tình yêu, về vẻ đẹp nhưng không bao giờ để cho cô cảm thấy ưu thế của mình. Anh cũng kể với cô nhiểu điều thú vị về mặt trận, điều mà Genka chưa bao giờ làm. Anh ấy chỉ nhăn mặt như thể bị đau răng khi cô hỏi, anh gọi chiến tranh là địa ngục, gọi cô, Tamara là cô ngốc và khuyên cô học thêm. Trước sự phản đối của cô, rằng cô là thợ may, rằng nghề nghiệp mang đến cho cô nhiều tiền hơn bất kỳ một kỹ sư nào, Genka cười và trả lời:

- Thế chẳng lẽ hạnh phúc là ở tiền bạc sao?

Và vì vấn đề của họ mà anh đã không thể kết hôn. Với Genka thì mọi thứ đã kết thúc.   

Tamara đã lấy Anatoli. Đám cưới được tổ chức khiêm tốn. Anatoli nói rằng đang có chiến tranh, việc chi tiêu mạnh tay thì sẽ không tiện. Còn phải mua thêm đồ nội thất, mọi thứ đồ đạc, tiền bạc sẽ hữu ích. Anatoli đã mời đến đám cưới ba người bạn đồng nghiệp, hai cô bạn gái của Tamara, mẹ của mình và một bà hàng xóm. Tất cả khách mời chỉ có thế. Các bạn của Anatoli mang theo rượu và không uống hết. Họ nhảy theo điệu nhạc từ máy hát. Còn Tamara thì nghĩ về Genka. Có lẽ vì cô đã học cùng trường với anh từ lớp ba, mà cũng có thể cô nhớ lại Genka đã mơ ước đến việc tổ chức đám cưới của họ như thế nào. Anh muốn mời tất cả những bạn bè quen biết và đám cưới sẽ diễn ra trong rừng ở ngoại ô thành phố. Sẽ có đốt lửa, đem theo hai chiếc đàn phong cầm và đi dạo cho đến sáng. Và anh còn muốn việc này sẽ diễn ra vào ngày chiến thắng.

“Bây giờ anh ấy đang ở đâu đó… đang trải nghiệm!” - cô nghĩ. Và cô bắt đầu thấy nuối tiếc điều gì đó và không hiểu sao lại cảm thấy buồn bã. Mà thật lạ là cô không thấy tiếc cho Genka mà tiếc cho mình. Tamara không biết vì sao nữa. Cô nhìn ông thiếu tá cao lớn, gù lưng, hói đầu đang nhảy với cô bạn của mình và cô như muốn khóc òa lên. Chắc hẳn bản nhạc thật buồn. Một điệu tango nào đó đang vang lên chậm rãi tẻ ngắt.

***

10 năm đã trôi qua. Tamara và Anatoli không có con. Lúc đầu họ chỉ muốn sống vì mình và chưa có kế hoạch sinh con. Sau khi họ thấy cô hàng xóm rửa ráy cho đứa con mới sinh của mình ra sao; Chứng kiến việc giặt giũ, những chiếc tã, tiếng la hét, những đứa trẻ nhếch nhác, còn người mẹ thì trông không còn ra hồn người, họ quyết định là sẽ không cần có con nữa.

- Rút cục thì có khác gì đâu - Anatoli tranh luận - cái việc mình có để lại người nối dõi hay không ấy mà? Việc tiếp nối cái họ của mình, dòng giống của mình ư? - anh mỉa mai. - Thì đấy, chúng ta đâu phải là những ông hoàng bà chúa. Chỉ cần có tình cảm thôi.

Và họ đã sống như thế. Họ sống thoải mái. Sau chiến tranh Anatoli Nikolaevits xuất ngũ và họ được nhận một căn hộ mới trong khu nhà.

- Bây giờ thì, Tamara, chúng ta sẽ sắm đồ gỗ! - Anatoli tuyên bố sau khi đồ đạc trong phòng đã được xếp dọn. - Chứ cứ như thế này thì không tiện mời khách khứa rồi - anh bật cười. - Đúng vậy! Nếu như em biết là đã có bao nhiêu rắc rối với anh vì căn hộ này! Thôi, không sao, mọi thứ đã xong xuôi rồi…

Anatoli và Tamara kiếm được không ít tiền, trong căn phòng của họ bắt đầu xuất hiện những đồ nội thất. Thoạt đầu là chiếc ghế trường kỷ, sau đó là những chiếc ghế đắt tiền, tủ quần áo bằng gỗ sồi, sau nữa là chiếc đàn piano. Thực ra là chẳng ai trong số họ biết chơi loại nhạc cụ này, nhưng… mọi thứ có thể học mà. Đối với Anatoli và Tamara thì việc ngồi bên chiếc bàn viết đẹp đẽ và cùng tông với nó là chiếc tủ buýp phê đắt tiền là một lạc thú. Sau nữa là bộ đồ ăn các loại bằng sứ được gia công tinh xảo, chén đĩa bằng pha lê và cuối cùng là thư viện riêng của mình. Anatoli tự mình đăng ký mua các loại ấn phẩm và thường xuyên đánh dấu theo từng số. Đã không sắm thì thôi, chứ đã mua thì phải là những “đồ xịn”. Anatoli không chịu được những đồ “rác rưởi”. Những tấm thảm và bức tranh cũng là thứ của hiếm được nhập khẩu từ xa đến. Ngôi nhà của Tamara, như người ta nói, là một chiếc cốc đầy đặn và cô sống hạnh phúc với anh chàng bác sĩ của mình.

Rồi bỗng nhiên Tamara gặp lại người xưa, Genka trông già đi và bất hạnh. Thực ra anh đã lấy vợ vì tình yêu, anh đã tốt nghiệp đại học nhưng lúc nào cái nghèo cũng gặm nhấm anh: nuôi bốn đứa con là quá sức với đồng lương của anh. Anh hỏi:

- Em đã học xong rồi chứ?

- Không.

- Em hạnh phúc chứ?

- Vâng. Có điều là không hiểu sao mà chẳng có bạn bè.

- Còn anh thì không được hạnh phúc. Vì miếng cơm manh áo mà tình yêu đã trôi đi mất. Nói chung cũng như phần đông thôi…

“Thật tốt là mình đã không lấy anh ấy - lần đầu tiên Tamara nghĩ ngợi mà không thấy tiếc nuối. - Rõ ràng, đâu phải là số phận…”
Bích Nguyễn
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

Truyện ngắn của Boris Sotnikov (Nga)