Hàng chục trẻ ở Hưng Yên bị sùi mào gà nghi do chữa hẹp bao quy đầu ở phòng khám tư
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:00, 18/07/2017
Ngày 17-7, tại buổi trả lời báo giới, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho nhiều trẻ mắc bệnh sùi mào gà.
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương trả lời báo chí ngày 17-7 về hiện tượng trẻ mắc bệnh sùi mào gà. |
Theo báo cáo của Bệnh viện Da liễu trung ương, từ ngày 1-5-2016 đến 1-7-2017, bệnh viện tiếp nhận 6.370 bệnh nhân bị sùi mào gà, trong đó có 150 bệnh nhi. Riêng khu vực Hà Nội có 2.873 bệnh nhân vào điều trị căn bệnh này, trong đó có 45 bệnh nhi; Nam Định có 2 bệnh nhi/308 bệnh nhân; Hưng Yên có 52 bệnh nhi/389 bệnh nhân.
Điều bất thường là trong số 52 bệnh nhi tại tỉnh Hưng Yên bị sùi mào gà, phải vào viện điều trị thì có 46 bệnh nhi đến từ huyện Khoái Châu. Chỉ riêng 2 tháng gần đây, tại Hưng Yên có 23 bệnh nhi bị sùi mào gà, trong đó có 22 ca thuộc huyện Khoái Châu. Qua khai thác thông tin từ bố mẹ các bệnh nhi, hầu hết các trường hợp bị sùi mào gà trước đó đều đã đến khám, điều trị (nong, làm một số thủ thuật) chít hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư nhân ở thôn 5, xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên).
"Đây có thể là một nguyên nhân bởi qua thực tiễn điều trị tại bệnh viện, chúng tôi nhận thấy nhiều trẻ mắc bệnh trước đó có tiền sử sử dụng các biện pháp điều trị chít hẹp bao quy đầu. Dù chưa thể kết luận, song có thể đánh giá nguy cơ cao do quá trình điều trị này gây nên", PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.
Bệnh sùi mào gà có thể lây truyền. Ở người lớn thì chủ yếu do quan hệ tình dục gây nên; với trẻ em thì chủ yếu là do quá trình chăm sóc, can thiệp y tế, vệ sinh bộ phận sinh dục hoặc đôi khi cũng có thể là do bố mẹ bị bệnh lây sang.
PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, sùi mào gà là bệnh do virus HPV gây ra, dễ lây qua tiếp xúc. Virus HPV có hơn 100 type khác nhau, trong đó có khoảng 20-30 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục, đặc biệt là bệnh sùi mào gà. Đối với trẻ nhỏ mắc sùi mào gà, việc điều trị khó khăn hơn người lớn. Hiện chưa có thuốc đặc trị virus HPV nên Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trẻ nên được chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.
Về phương pháp điều trị đối với trẻ mắc bệnh, PGS.TS Lê Hữu Doanh cho rằng, bôi thuốc điều trị tại chỗ tốt hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp điều trị thuốc bôi mà không hiệu quả thì có thể sử dụng các biện pháp can thiệp, tức làm các thủ thuật. Điều trị sùi mào gà không phải điều trị một lần là khỏi nên đối với trẻ nhỏ, thường thì các bác sĩ sẽ hẹn 2-3 tuần đến khám định kỳ. Nếu xét nghiệm lại vẫn còn tổn thương thì sẽ điều trị tiếp, thường trong vòng vài tháng. Đối với trẻ nhỏ, nếu điều trị tốt và theo dõi định kỳ đến khi khỏi hoàn toàn thì khả năng bị bệnh mãn tính sau này có thể được loại bỏ. Tuy nhiên, trường hợp nhiễm HPV mà để lâu ngày không điều trị thì có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có biến chứng gây ung thư.
Hiện nay, Bệnh viện Da liễu trung ương đã có công văn khẩn gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) để báo cáo sự việc nêu trên, xin ý kiến chỉ đạo về việc tiến hành điều tra nguyên nhân nhằm ngăn chặn các trường hợp mắc mới trong cộng đồng.