Làm thế nào để người lớn bớt ngại học?

Tin tức - Ngày đăng : 16:36, 18/07/2017

Rào cản tâm lý ngại học do một thời gian dài mưu sinh khiến nhiều người lớn cho rằng học tập là phù phiếm, điều kiện học tập của người lớn khá khó khăn. Đặc biệt người cao tuổi tự ti, ngại khó, ỷ lại tuổi tác và kinh nghiệm để biện minh cho sự ngại học. Bên cạnh đó, việc học của người lớn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan hoạch định chính sách.
Với mong muốn đưa ra những giải pháp tối ưu để làm người lớn bớt “ngại học”, ngày 18.7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: "Học tập của người lớn: Thực trạng và giải pháp". 

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trình bày thực trạng chung và những khó khăn, vướng mắc trong học tập của người lớn. GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, người lớn với tâm lý ngại học, tự bằng lòng với kiến thức đã có, điều kiện học tập khó khăn… cộng với sự quan tâm chưa đúng mức của cơ quan hoạch định chính sách học tập của người lớn nên đã có những biểu hiện bất cập trong xã hội như: Năng suất lao động thấp; Đạo đức xã hội xuống cấp, thói hư tật xấu gia tăng một số nơi; Hội nhập khó khăn do thiếu hiểu biết; Sự tụt hậu xa của đất nước về nhiều mặt so với khu vực và thế giới; Sự lãng phí thời gian trong nhiều cơ quan Nhà nước các cấp; Sự phát triển thiếu bền vững...

Trong khi đó, nhiều người lớn có nhận thức đúng và trách nhiệm với sự học thì điều kiện học tập lại khó khăn, xã hội chưa động viên được họ tích cực hơn trong lao động, sản xuất và cống hiến.

Làm thế nào để người lớn bớt ngại học? ảnh 1
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Thảo Anh)

Từ thực trạng đó, GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị: Đã đến lúc chúng ta phải tuyên truyền mạnh hơn về Học tập của người lớn, tính cấp thiết phải đầu tư thích đáng cho sự học của đối tượng này, không phải chỉ thông qua mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” mà cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực làm chuyển biến thực sự các trung tâm học tập cộng đồng, cộng đồng học tập…

"Sự chuyển biến đó trước tiên phải từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi đến các bộ, ban, ngành, đoàn thể - nơi đang có một đội ngũ hùng hậu lực lượng lao động làm việc, rồi đến Hội Khuyến học Việt Nam. Trước yêu cầu cấp thiết của sự phát triển, hội nhập... chúng ta không thể làm khác được" - GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Làm thế nào để người lớn bớt ngại học? ảnh 2
Đại diện các bộ, ban, ngành nhiều nhà hoạch định chính sách giáo dục – đào tạo và các Hội Khuyến học địa phương tham dự hội thảo

Trình bày báo cáo đề dẫn của hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Hội thảo có một ý nghĩa đặc biệt, bởi chúng ta bàn đến một vấn đề lớn, mang tính chiến lược giáo dục: Chính việc tổ chức tốt giáo dục người lớn, thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn là điều kiện tiên quyết để chúng ta đạt mục tiêu có nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận với thành quả của cuộc cách mạng 4.0 mang lại.

GS.TS Phạm Tất Dong đặc biệt nhấn mạnh: Nếu như trước đây chúng ta đã thực hiện khẩu hiệu “Đào tạo một lần cho mỗi con người” thì nay, khẩu hiệu mới là “Đào tạo liên tục trong suốt cuộc đời” của người lao động.

Tại hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, giáo dục người lớn cần được coi như một ngành học bên cạnh ngành học mẫu giáo, phổ thông, chuyên nghiệp. Người lớn có nhiều kinh nghiệm sống, được trải nghiệm qua sản xuất kinh doanh và nhiều hoạt động xã hội… kiến thức chuyển tải tới người lớn không đơn thuần là theo cơ chế truyền thụ, phổ biến, áp đặt, mà cần phải tính đến kinh nghiệm riêng của từng người.

"Với đặc điểm này, nhất thiết phải có khoa đào tạo giáo viên (khoa sư phạm người lớn)" - GS.TS Phạm Tất Dong đề xuất.

theo laodong.com.vn