Làng Đại Mỗ

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 09:57, 19/07/2017

Đại Mỗ (trước đây là Hữu Hưng) cách Hồ Gươm 20 km về hướng Tây. Dưới triều Lê, Đại Mỗ thuộc Thiên Mỗ (phủ Quốc Oai), huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây. Năm 1848 triều Tự Đức đổi từ Thiên Mỗ sang Đại Mỗ.
Làng Đại Mỗ
Góc đao cong ở mái đình Đại Mỗ
Thành hoàng của làng là Ả Lã nàng Đê, Thủy Hải Long vương và ba ông cháu dòng họ Nguyễn Quý: Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720), Nguyễn Quý Ân (1673 - 1722), Nguyễn Quý Kính (1693 - 1766). Nguyễn Quý Đức là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước nhà, một người văn võ song toàn, có đạo đức, yêu nước, thương dân. Ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ tam danh khoa năm Bính Thìn (1676), Nguyễn Quý Đức cùng Lê Hy viết tiếp Đại Việt sử ký (tục biên) là người đứng ra sửa trường Quốc Tử Giám, Văn Miếu… Năm Đinh Dậu (1717) khai giảng trường Quốc Tử Giám, ông được giảng đầu tiên. Nguyễn Quý Đức là tể tướng rất nghiêm minh khiến dân gian có câu: “Tể tướng Lê Hy thiên hạ sầu bi, tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức”.

Ông nhận chức 4 năm, xét rõ việc tà khúc, giải quyết những việc trì trệ, thiên hạ được thái bình. Ngày 10 tháng bảy năm 1716, hồi làm Hộ bộ thượng thư, Kim đông các đại học sĩ, hành tham tụng sự, thiếu phó kiêm đường hầu, Nguyễn Quý Đức dâng tờ khải xin dựng tiếp các tấm bia đề danh tiến sĩ từ khoa Đinh Mùi (1667) đến khoa Bính Thân (1716). Tuân mệnh vua, ông nhuận sắc rồi cho đem khắc 21 tấm bia tiến sĩ được dựng ở Văn Miều. Là người có đạo đức, khi về hưu ông sống thanh đạm, chia sẻ buồn vui cùng dân làng. Được 30 mẫu lộc điền, ông cắt 4 mẫu để lập chợ Khánh Nguyên, số ruộng còn lại đem chia cho 8 giáp làm ruộng công. Vào năm Bính Tý, lúc đó Nguyễn Quý Đức đương làm đô ngự sử chuyên dàn xếp các chuyện nội triều.

Có người làm sai trái mang của ra đút lót, ông liền mang tang vật giải nộp trình bày với triều đình, ai cũng khen. Khi làm tế tửu Quốc Tử Giám, một lần Nguyễn Quý Đức đang ngồi ở nhà Minh Luân cùng các quan ra đầu bài cho sĩ tử tập, nhân nghe thấy tiếng mọt nghiến cột nhà, ông xướng thơ:

Khai không khổng khiếu hiền nhân chí
(Chí người hiền: khai thông năng khiếu)
Lúc bấy giờ thám hoa Vũ Thạnh đối lại:
Hóa dục côn trùng tạo hóa công
(Công thọ tạo: hóa dục côn trùng)

Gia phả dòng họ Nguyễn Quý còn ghi lại nhiều bài thơ của ông lúc ở triều, lúc đi sứ, lúc về hưu, lúc giúp vợ canh cửu…

Làng Đại Mỗ
Góc nhỏ làng Đại Mỗ
Đình Đại Mỗ có kết cấu hình chữ Nhị gồm đại đình và hậu cung. Trước đây, tòa nhà này vốn là tiền đình, đến khi giặc Pháp phá huy đại đình chỉ còn hậu cung. Nhà đại đình có quy mô kiến trúc lớn kiểu hai tầng 8 mái với các góc đao cong ngược lên. Nhà có mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ dinh, giữa có hàng hoa chạm thủng chạy suốt và sang cả bờ giải. Chính giữa bờ nóc đắp mặt trời lửa trên đầu hổ phù, hai hồi có hai đầu kìm hướng vào. Đầu của các đao đều đắp nổi hình rồng lá, rồng mây.

Dọc theo thân các bờ giải đặt những tượng nghê nhỏ, phần cổ diềm giữa hai mái làm hàng chấn song con tiện để tăng ánh sáng cho không gian. Bộ khung nhà đại đình được định vị rất vững chắc. Đỡ các mái trên là phần kết cấu gỗ dựng trên hai hàng cột cái. Hai hàng hồi làm kiểu cốn mê đỡ hoành, các vì trong có dạng “chồng giường, giá chiêng”.

Dưới câu đầu của mỗi vì lại vươn ra hai bảy ngang ngắn đỡ 4 mái dưới có hệ thống cốn nách đặt trên xà ngang. Các xà này có một đầu ăn mộng sâu vào thân cột cái, đầu kia đặt trực tiếp lên tường bao. Mỗi góc nhà đều đặt một kẻ xó to dày để tăng thêm sức chịu lực cho các góc đao. Các bộ vì nhà được liên kết bằng hệ thống xà đại thượng hạ chạy ngang dọc theo diện tích của tòa nhà. 

Hội đình Đại Mỗ tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng và 14 tháng Tám. Chín chi họ (chín lò) tổ chức hội thi kéo lửa bằng dạng nứa và thổi xôi bằng ống nứa. Xôi đổ ra phải dẻo ngon, hạt nhộng, nắm xôi tròn như quả trứng. Hội làng thường kiệu các vị Đại vương từ đình Mỗ về miếu Hàm Rồng bên dòng sông Nhuệ lấy nước bài ban mộc dục.

Đình Đại Mỗ ngày 25/5/1954 bị giặc Pháp đốt phá trước khi rút lui. Hiện nay dân làng đã khôi phục lại được một phần. Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 21/6/1993. 

Hội Đại Mỗ hằng năm vẫn rất đông vui, hấp dẫn do tục chém may mang tinh thần thượng võ đặc sắc, không nơi nào có. 

Văn Hậu