Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng: Cánh hạc đã bay về miền xa thẳm
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 14:18, 08/11/2021
1. Hẳn nhiều người còn nhớ trong Lễ vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 có một cụ ông ngót nghét 100 tuổi với mái tóc bạc trắng như cước, tai phải đeo trợ thính, bước đi chầm chậm, đôi tay run run nhưng giọng nói ấm, truyền cảm và dõng dạc, đó là NSNA Lê Vượng. Hôm ấy, ông đã gây ấn tượng với các phóng viên khi bộc bạch rất đỗi giản dị: “Tôi thấy đất nước mình quá đẹp và lòng yêu Hà Nội của mình thì chụp không bao giờ hết. Vì thế bản thân tôi không thể nào rời được chiếc máy ảnh, đi đâu cũng muốn chụp. Mặc dù tôi là NSNA nhưng cũng rất yêu nghệ thuật hội họa, cho nên thấy đẹp quá thì không thể nào bỏ chụp được, vì thế mà tôi say mê nó thôi”.
Giản dị, khiêm tốn, không ngại sẻ chia kinh nghiệm quý về nghề là nhận xét chung của nhiều đồng nghiệp dành cho NSNA Lê Vượng. Là chỗ thân tình với NSNA Lê Vượng mấy chục năm qua, NSNA Trịnh Hải (nguyên phóng viên ảnh Báo Nhân Dân) nhận xét: “NSNA Lê Vượng có năng lực sáng tác rất tốt, tính nết hiền hòa, dễ gần. Mặc dù ông hơn tôi 14 tuổi nhưng những lần tiếp xúc, làm việc cùng nhau, chúng tôi dường như không có khoảng cách. Là NSNA có tài nhưng tính cách nổi bật của ông là rất khiêm tốn”. Còn Đại tá, NSNA Trần Hồng (nguyên phóng viên ảnh của Báo Quân đội nhân dân) cho rằng: “Lê Vượng là người thầy đáng kính, người đồng nghiệp chân tình và mẫu mực. Phải khẳng định đó là con người yêu nghề, yêu đời, một tấm gương làm việc, cống hiến không biết mệt mỏi cho nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà”.
2. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cả cuộc đời NSNA Lê Vượng gắn bó với mảnh đất ngàn năm văn hiến, với niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh từ năm 18 tuổi, với một chiếc máy ảnh, ông đi khắp nơi để ghi lại vẻ đẹp, nhịp sống, phong cảnh, đời sống, kiến trúc Hà Nội và các tỉnh, thành của Việt Nam cũng như các nước Đông Dương. Năm 1962, ông là một trong những cán bộ đầu tiên dưới sự lãnh đạo của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung tham gia gây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông cùng các nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ, nhà điêu khắc đi khảo sát các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, tìm hiểu phong tục, đời sống của các dân tộc để xây dựng nên kho tư liệu, hiện vật cho bảo tàng. Kết quả là ông đã chụp khoảng 8 vạn bức ảnh về mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc, trang trí trong các đình chùa, miếu mạo, nơi thờ tự... và đó đều là những tư liệu hết sức quý giá được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lão nghệ sĩ Lê Vượng từng tâm sự về nghề, về cuộc đời rằng: “Mỗi người tìm được niềm vui giúp ích cho đời, được đắm mình với bao thăng trầm lịch sử, văn hóa đất nước, đó là điều hạnh phúc. Tôi tuổi Ngọ nên rất thích di chuyển. Tôi sớm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh. Suốt chiều dài đất nước là đồng bằng phì nhiêu, những ô ruộng mạ xanh cốm, những cánh đồng trĩu nặng mùa vàng bội thu. Miền cao nguyên đá bốn mùa mây phủ, núi rừng trùng điệp một màu xanh ngát, ruộng bậc thang uốn khúc quanh co. Thung lũng mượt mà, cỏ xanh cho đàn bò lang thang mộng mị. Sông suối êm đềm dòng nước mát, con người thật thà hồn nhiên trong trang phục rực rỡ thêu dệt công phu... Những hình ảnh ấy quyến rũ tôi, thúc giục tôi lên đường đi về nơi ấy!”.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng viết: “Nghệ thuật nhiếp ảnh có nhiều trường phái nhưng Lê Vượng không chạy theo một trường phái nào cả. Ông đi theo nét đẹp cổ điển, chân phương, rất gần hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc, đặc biệt là ảnh phong cảnh. Ảnh của ông gần gũi với hội họa Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng. Con người dân tộc học trong Lê Vượng hòa quyện trong con người nghệ sĩ, muốn tìm cái đẹp của dân tộc. Toàn bộ ảnh của ông thể hiện những nét đẹp độc đáo của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, khơi dậy tình yêu quê hương chân thành, giản dị, chất “lạ” ấy luôn cuốn hút người thưởng ngoạn”.
3. Mảng ảnh đặc sắc, giá trị nhất của NSNA Lê Vượng là về Hà Nội, trong đó có những bức ảnh tư liệu quý giá về phong cảnh, cuộc sống người Hà Nội gần một thế kỷ qua, đóng góp cho công tác lưu trữ, nghiên cứu về Thủ đô và phục vụ nhu cầu thưởng lãm của công chúng. Trong các sáng tác, ông cũng thể hiện sự đau xót, trăn trở, day dứt khi có những bức ảnh về những góc phố, những con đường, đình đền, miếu mạo của Thủ đô đã đổi thay quá nhiều, đã bị tân trang đến trơn láng đến vô cảm. Với tình cảm ăm ắp chân thành, ông cũng hướng ống kính của mình về phía cuộc sống đời thường, về những gì được coi là đặc trưng của Hà Nội, nơi có những bác xích lô mệt mỏi ngủ gật đợi khách, cầu Thê Húc mờ sương trong một ngày mùa đông giá rét, hoàng hôn trên cầu Long Biên, phố cổ thâm trầm, tàu điện leng keng... Bởi thế, nhiều người gọi ông là người kể chuyện Hà Nội bằng ảnh, người lưu giữ ký ức cho Hà Nội.
Chị Lê Thiếu Ngân, con gái của NSNA Lê Vượng cho biết: “Sinh thời, hằng ngày cha tôi thường mang túi máy ảnh, đạp xe đi đến các di tích, danh lam thắng cảnh, từng con phố, mỗi ngõ hẹp, góc nhà để chụp, ghi lại vẻ đẹp mê hồn như tranh của Hà Nội. Ngày tháng dần trôi, trong kho lưu trữ ảnh đẹp về Hà Nội, về đất nước, con người Việt Nam, cha tôi đã tích lũy và đã nhận được sự đánh giá đúng mức của các nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa. Cả cuộc đời sống nhân nghĩa, thanh bạch, cha tôi đã được nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu, trong đó có hai phần thưởng - danh hiệu lớn của Hà Nội. Đó là sự tôn vinh của Thủ đô, của xã hội và cộng đồng. Thật không có gì hạnh phúc hơn!”.
Phải chăng là định mệnh mà lão nghệ sĩ Lê Vượng lại vĩnh biệt Hà Nội, vĩnh biệt chúng ta vào một ngày thu tháng 10 khi gió mùa Đông Bắc tràn về kéo theo những cơn mưa nặng hạt. Ngựa đã mỏi gối. Cánh hạc đã bay về miền xa thẳm, trái tim người nghệ sĩ sau hơn một thế kỷ đã ngừng đập... Ông đã yên nghỉ sau một cuộc đời nhân nghĩa, lao động miệt mài cho cái đẹp, cho Hà Nội.
NSNA Lê Vượng sinh năm 1918 tại Hà Nội. Ông là thành viên sáng lập Hội NSNA Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, với tước hiệu NSNA xuất sắc (EVAPA), thành viên của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (AFIAP). Ông được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (năm 2017), Giải thưởng Lớn - Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” (năm 2016), Huy chương "Vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật". Ông đã có nhiều triển lãm ảnh cá nhân, triển lãm ảnh nhóm ở trong và ngoài nước; đặc biệt, một số tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật tại Tây Ban Nha và Mỹ. Năm 2014, ông có vinh dự được trưng bày bộ ảnh “Sắc màu dân tộc” và “Cảnh đẹp Việt Nam” tại tòa nhà Thượng viện Pháp.