Thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa ở Hà Nội: Sớm khắc phục những khó khăn

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 06:43, 09/11/2021

Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2012 của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được các cấp, các ngành, địa phương của thành phố tập trung triển khai gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố cho thấy, việc thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc… cần sớm có giải pháp, khắc phục, tháo gỡ hiệu quả.
Thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa ở Hà Nội: Sớm khắc phục những khó khăn
Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội nghe giới thiệu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Thành cổ Sơn Tây.

Kết quả đáng khích lệ

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa, ngay sau khi có Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố cụ thể hóa bằng 20 chỉ tiêu, 37 chương trình, đề án, dự án. Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển sâu rộng, hiệu quả. Đáng lưu ý, hệ thống thư viện, công viên, sân chơi… được quy hoạch và xây dựng đồng bộ ở nhiều nơi, thu hút nhân dân vui chơi, tập luyện.

Đặc biệt, đến nay đã có 66% đám tang thực hiện hỏa táng; 82,5% thôn, làng, tổ dân phố xây dựng quy ước, hương ước phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 ra đời đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến tháng 9-2021, thành phố có 1.340 di tích được đầu tư tu bổ (đạt 71,8% số di tích cần tu bổ); 26 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thành phố đã bố trí chi thường xuyên cho ngành Văn hóa giai đoạn 2016-2020 là hơn 271.000 tỷ đồng và đầu tư hỗ trợ 43 công trình văn hóa với 1.452 tỷ đồng.

Không chỉ cấp thành phố, ở các quận, huyện, thị xã, công tác quy hoạch và phát triển văn hóa cũng được quan tâm. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, quận hiện có 201/250 tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống công viên và các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn được mở mang, góp phần tạo thêm không gian vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho hay, giai đoạn 2013-2021, huyện đã xây dựng mới 8 trung tâm văn hóa - thể thao xã; cải tạo, sửa chữa 87 nhà văn hóa xã, thôn, đầu tư xây dựng 5 vườn hoa, sân chơi… với tổng kinh phí hơn 1.646 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố có vườn hoa, sân chơi công cộng. 

Ông Đào Hữu Xưởng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Với sự quan tâm của Nhà nước, đời sống văn hóa, tinh thần, thể chất của nhân dân ngày càng được nâng cao”.

Thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa ở Hà Nội: Sớm khắc phục những khó khăn
Việc quy hoạch, xây dựng đồng bộ các thư viện tại các xã, phường, thị trấn ở Hà Nội sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân Thủ đô. Trong ảnh: Người dân tìm đọc sách báo tại tủ sách thôn La Thượng, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Phát triển văn hóa gắn với kinh tế - xã hội

Qua giám sát thực tế tại một số địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Đáng lưu ý, vẫn còn 6 chỉ tiêu chưa hoàn thành, 15 đề án, dự án đang triển khai; kết quả triển khai 2 quy tắc ứng xử tại các địa phương chưa đồng đều. Việc thực hiện quy tắc ứng xử và văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô chưa trở thành nếp sống, thói quen hằng ngày. Ngoài ra, hệ thống thiết chế văn hóa cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được tôn tạo kịp thời.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế chính sách còn thiếu, chưa thống nhất và đồng bộ giữa các cấp dẫn đến lúng túng khi triển khai thực hiện. Việc phân công, phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước cho cấp huyện đã từng bước được hoàn thiện, nhưng còn bất cập trong phân cấp đầu tư cho các di tích. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển văn hóa còn gặp khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thực sự quyết liệt, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho rằng, để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND hiệu quả, bên cạnh tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý văn hóa, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, sau đợt giám sát, HĐND thành phố sẽ kiến nghị UBND thành phố coi trọng quy hoạch phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực văn hóa; đồng thời khai thác tiềm năng sẵn có của các di sản văn hóa kết hợp với phát triển du lịch.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà thông tin, qua giám sát, HĐND thành phố đã nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan. Từ đó, HĐND thành phố sẽ kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND tại buổi làm việc với UBND thành phố về lĩnh vực này trong thời gian tới.

HNM