Chuyên gia giám định cổ vật: Tiêu chuẩn bằng cấp chưa hẳn đúng

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:18, 25/07/2017

Trước nhu cầu “hot” của việc lưu trữ, giao lưu, buôn bán cổ vật, cuối năm 2011, Bộ VHTT&DL ban hành Quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật, trong đó có quy định chuyên gia giám định cổ vật.
Tuy nhiên, 6 năm sau Bộ mới có Thông tư số 02/2017/TT-BVHTTDL về Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật, hiệu lực từ 25/8/2017.

Nhu cầu bức thiết
Trong Thông tư số 02 của Bộ VHTT&DL quy định: Chuyên gia giám định cổ vật phải có trình độ đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học và văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất. Chuyên gia giám định cổ vật cần có ít nhất 5 năm trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, bảo quản, tu sửa cổ vật, thẩm định tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa và khoa học tự nhiên có liên quan; có ít nhất ba bài báo khoa học về cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tham gia biên soạn sách chuyên khảo về cổ vật đã được xuất bản; là thành viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên, có ít nhất 10 năm thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.

PGS.TS Tống Trung Tín vui mừng vì sau 6 năm bàn thảo, Bộ VHTT&DL đã đưa ra được quy định cụ thể về Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật. Bởi vì, thực tế buôn bán, trao đổi cổ vật đang là lĩnh vực “hot”, giá luôn được đẩy lên “trời” nếu được gắn mác lâu đời, hoặc độ quý hiếm. Chính vì vậy đang xảy ra tình trạng loạn nhà giám định cổ vật. Từ bảo tàng tỉnh đến bảo tàng T.Ư, rồi bảo tàng tư nhân đều muốn thành lập Hội đồng Giám định cổ vật để tiện cho việc lưu trữ và trao đổi. “Hiện nay, đồ giả cổ rất nhiều, thậm chí tràn lan và “có đồ làm giả hơn thật”. Nếu quy định thành lập cơ sở giám định cổ vật chặt chẽ, rõ ràng sẽ giảm loạn trung tâm giám định cổ vật, loạn chuyên gia giám định cổ vật” - PGS.TS Tống Trung Tín - Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật thuộc Bộ VHTT&DL cổ học cho biết. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Thông tư 02 đã quy định tương đối đầy đủ về điều kiện hoạt động của cơ sở giám định cổ vật nhưng lại vẫn trong tình trạng vừa thừa và vừa thiếu.
Loạn có thêm loạn?
Trước khi ban hành, Thông tư 02 đã trải qua nhiều hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia. Ông Đào Phan Long - nhà sưu tầm cổ vật cho biết: “Cứ với quy định như trong Thông tư thì ai cũng có thể thành lập cơ sở giám định cổ vật được. Và như thế trong tương lai sẽ có rất nhiều cơ sở giám định cổ vật ra đời”. Trong khi đó, ai là người thẩm định cơ sở giám định, ai là người thẩm định chuyên gia giám định, hoặc giám định sai sẽ bị phạt như thế nào thì chưa có quy định rõ ràng.
GS.TS Lưu Trần Tiêu cũng từng cho rằng tiêu chí “có trình độ đại học trở lên” là máy móc. Bởi vì, giám định cổ vật là lĩnh vực đặc thù, rất cần sự linh động. Nhiều người có bằng cấp nhưng chưa chắc đã thẩm định đúng chất lượng của cổ vật bằng những người có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này. Trong Thông tư 02, ngoài tiêu chí bằng cấp còn kèm quy định có ít nhất 10 năm kinh nghiệm sưu tầm đồ cổ, một số chuyên gia cho rằng 10 năm chưa phải là thước đo hợp lý để trở thành chuyên gia giám định cổ vật. Có quá nhiều trường hợp chuyên gia thực địa, sưu tầm đến 15 - 20 năm vẫn giám định sai. Bởi vì, nhiều cổ vật làm giả còn tinh xảo hơn cả cổ vật thật.
PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng Thông tư này đáp ứng nhu cầu về thẩm định, trao đổi cổ vật ở địa phương, giảm bớt áp lực cho Hội đồng giám định thuộc Bộ VHTT&DL. Nhưng theo PGS Tín, cần có thêm quy định cho phép Hội đồng giám định thuộc Bộ VHTT&DL là trọng tài cho giám định sai của hội đồng cơ sở, hoặc thẩm định trình độ giám định của các chuyên gia. Thông tư 02 đã ra đời và sắp có hiệu lực, nhưng Bộ VHTT&DL đã đưa ra điều khoản trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ để xem xét, bổ sung và sửa đổi.

theo kinhtedothi