Phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:31, 25/07/2017
Từ phố Ngõ Trạm (gần chợ Hàng Da), chạy ngoặt ra phố Phùng Hưng.
Đây nguyên là đất thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi ra tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương cũ.
Thời Pháp thuộc gọi là phố Hà Trung (rue Hà Trung). Ngoài ra Hà Trung còn là tên một ngõ cụt từ phố Phùng Hưng rẽ vào chạy song song với phố Hà Trung.
Nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.
Từ 1832 nhà Nguyễn có đặt một nhà trạm ở khu vực này để chuyển công văn giấy tờ của triều đình. Vì lúc đó có lệ rằng tên các trạm được đặt bằng cách lấy chữ đầu của tên tỉnh ghép với một chữ tên thôn. Ngày ấy thành Thăng Long đã đổi ra là tỉnh Hà Nội cho nên trạm này có tên là trạm Hà Trung.
Cho tới khi Pháp xâm lược, chúng bỏ hệ thống trạm, mở các sở “giây thép” tức bưu điện thay thế, nên trạm Hà Trung không còn nữa, chỉ lưu lại một tên cho ngõ dẫn tới công trạm, tức phố Hà Trung ngày nay. Cho nên tới những năm đầu thế kỷ XX, phố Hà Trung thường được gọi là Ngõ Trạm Hà Trung. Khi Pháp mở một phố mới ở đằng sau Ngõ Trạm Hà Trung thì lúc đó (khoảng 1910) Ngõ Trạm Hà Trung được gọi là Ngõ Trạm cũ, và phố mới mở gọi là Ngõ Trạm Mới, tức phố Ngõ Trạm ngày nay. Cũng vào những năm đầu thế kỷ XX, có người làng Nành (Phù Ninh, nay thuộc xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm, Hà Nội) đi lính cho Pháp, học được nghề đóng giầy da, khâu yên ngựa, túi súng... Người đó sau khi giải ngũ, ra mở một cửa hiệu đóng hàng da kiểu mới tại phố này (trong thời gian ấy, hàng da kiểu cũ vẫn tồn tại ở phố Hàng Giầy, ngõ Hài Tượng và đầu phố Hàng Bồ). Ông còn truyền nghề cho họ hàng con cháu. Từ đó phố Hà Trung trở thành một dãy phố gồm phần lớn các cửa hàng da kiểu mới: va li, cặp sách, giày da... của dân làng Nành dời quê định cư ở đây.