Phòng chống Dịch sốt xuất huyết: Không để kéo dài, lan rộng

Tin tức - Ngày đăng : 08:56, 26/07/2017

Với 6.699 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) từ đầu năm đến nay, trong đó 3 ca tử vong, Hà Nội đang trở thành điểm nóng về dịch SXH của cả nước.
Trước tình hình này, ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn.
Còn 700 trường hợp nằm viện
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc SXH. Các địa bàn có số ca mắc cao là Đống Đa (1.407 ca), Hoàng Mai (1.344), Hai Bà Trưng (508), Thanh Trì (427), Thanh Xuân (420), Hà Đông (406). Như vậy, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Đến nay hầu hết số bệnh nhân mắc SXH đã được điều trị khỏi và ra viện, hiện còn khoảng 700 trường hợp (chiếm 10%) đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn.
Tuy đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, nhưng đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn gia tăng và ghi nhận các trường hợp tử vong. Ông Hoàng Đức Hạnh chỉ rõ nguyên do SXH hiện đang là bệnh có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài ra, tại Hà Nội có quá nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước... tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm, hiện nay có tới 14 loại chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh… “Bên cạnh đó, hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất chống dịch tại các khu vực ổ dịch còn chưa được triệt để, hiệu quả chưa cao do nhiều hộ gia đình đi vắng, hoặc không hợp tác với nhân viên y tế chống dịch” - ông Hạnh nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, công tác tuyên truyền cũng chưa đi đúng hướng, không phải cứ phát quang bụi rậm, sạch đường làng ngõ xóm là giảm được SXH. Mà quan trọng là “chặn nguồn sống” của muỗi từ những hành động nhỏ nhất như lật úp xô chậu, chai lọ, lốp xe cùng các dụng cụ chứa nước khác.
Đảm bảo nguồn kinh phí chống dịch
Đề xuất các giải pháp chống dịch, bà Phạm Thị Hòa – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, dù lực lượng chính quyền, các hội đoàn thể có vào cuộc tích cực đến mấy thì cũng không ngăn được dịch SXH nếu người dân không vào cuộc, không có ý thức phòng chống. Mỗi người dân, mỗi gia đình có ý thức tự phòng chống cho mình thì góp phần hạn chế được tình hình dịch SXH. Còn tại quận Đống Đa, địa bàn chiếm 21% số ca mắc SXH toàn TP, đại diện Trung tâm Y tế quận cho biết, quận đang triển khai hệ thống cộng tác viên, đi kiểm tra việc diệt bọ gậy từng hộ gia đình. Ngoài ra, các phường cũng lập danh sách các hộ có phòng thuê trọ, các đơn vị, xí nghiệp, công trường xây dựng để kiểm soát công tác phòng chống dịch. Còn theo ông Khuất Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Trì đề xuất cho phép thành lập đội chống dịch tại các xã và xin cơ chế về kinh phí để đội này hoạt động có hiệu quả.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, phòng chống dịch SXH không chỉ tập trung tại những điểm nóng, những nơi có ổ dịch mà lại để hổng nhưng nơi chưa phát sinh dịch. Vậy nên, việc phòng chống phải thường xuyên, liên tục, không lơ là ở tất cả các địa bàn. Đối với những cơ quan, xí nghiệp, công trình xây dựng chưa làm tốt công tác phòng dịch, không hợp tác với ngành chức năng thì cần xử lý nghiêm để làm gương.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh SXH, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13 của UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống SXH. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gây, phun hóa chất diệt muỗi. Chỉ đạo hệ thống y tế từ TP đến cơ sở giám sát phát hiện sớm ca bệnh, đảm bảo cơ số thuốc, nhân lực, giường bệnh để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân SXH. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng yêu cầu Sở Y tế tổng hợp trình UBND TP nhu cầu trang thiết bị, hóa chất, kinh phí để TP xem xét bổ sung đảm bảo nguồn kinh phí cho phòng chống dịch. “Yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu cơ chế tài chính phù hợp, không thể để tình trạng thiếu kinh phí phòng chống dịch” - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

theo kinhtedothi