Mách mẹ cách rèn con từ 6 tháng tuổi để tránh con hư hỏng, ương bướng khi lớn lên
Tin tức - Ngày đăng : 09:01, 26/07/2017
Trẻ 6 tháng - 1 tuổi không nuông chiều nếu trẻ cố tình khóc
Trẻ mới sinh luôn được yêu thương, chiều chuộng vì các em bé không thể chủ động giao tiếp với bất cứ ai. Trẻ sơ sinh đến 5 tháng tuổi thường khóc để thể hiện sự đau đớn, khó chịu khi cảm thấy bẩn, đói, không thoải mái. Qua quan sát bé, bố mẹ sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu của trẻ.
Tuy nhiên, tiếng khóc của trẻ 6 tháng hoàn toàn vì nguyên nhân khác. Lúc này, trẻ đã dần nhận thức được rằng, tiếng khóc của mình có thể là một cách để “ăn vạ”, thu hút sự chú ý của mọi người. Sau nhiều lần khóc, trẻ sẽ nhận ra rằng khóc là vũ khí hữu ích nhất. Vì vậy, khi trẻ được 6 tháng đến 1 tuổi, bạn không nên đáp ứng, nuông chiều trẻ nếu trẻ cố tình khóc để “ăn vạ”.
Nghiêm khắc ngay từ đầu chứ không hùa theo hành động sai trái của con
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con vẫn còn quá nhỏ, chưa hiểu biết được gì nên thường rất khoan dung, thậm chí cho phép con làm một số hành động như: đấm, đá, ném đồ vật…Các bậc phụ huynh rất dễ tha thứ cho con vì họ yêu thương con cái của họ. Tuy nhiên, khi con bạn làm điều gì sai, bạn nên nghiêm khắc với con ngay từ đầu chứ không nên khoan dung, hay hùa theo hành động của con.
Làm thế nào để tránh trẻ hư hỏng khi lớn lên?
Để ngăn một đứa trẻ trước 3 tuổi ương bướng, khó bảo, luôn lấy mình là trung tâm mẹ nên tham khảo một số cách sau:
- Khi trẻ từ 6-14 tháng tuổi khóc để “ăn vạ” mẹ nên tìm một thứ gì đó để đánh lạc hướng của trẻ như đồ chơi, kể chuyện...để làm trẻ quan tâm và nín khóc.
- Khi trẻ được 6-8 tháng tuổi, mẹ nên bế trẻ ra ngoài chơi, để trẻ làm quen với nhiều người, nhiều địa điểm khác nhau.
- Khi trẻ được 8-14 tháng, mẹ (hoặc người chăm sóc chính) nên bé trẻ đi chơi càng nhiều nơi càng tốt, để trẻ có cơ hội làm quen, khám phá mọi thứ, giúp bé thực hành kỹ năng vận động mới như thể dục dụng cụ, bơi lội...
Nếu hầu hết thời gian trẻ đều được vui chơi, vận động, duy trì tâm trạng vui vẻ, trẻ sẽ không cáu bẳn, có những đòi hỏi quá đáng. Khi trẻ khóc và đòi hỏi không chính đáng, bạn không nên đáp ứng nhu cầu của trẻ. Dần dần, trẻ sẽ hiểu rằng khóc sẽ không giúp trẻ được đáp ứng nhu cầu. Lúc này trẻ sẽ dần nhận ra rằng: “Mẹ rất yêu bé nhưng bé không thể dành được nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn so với những người khác.”