12 tác phẩm của các danh họa Việt Nam được đấu giá, bất chấp ‘vấn nạn’ tranh giả
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:04, 26/07/2017
“Phố cũ” của Bùi Xuân Phái được đưa ra đấu giá lần này. Tuy nhiên, theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của danh họa, thì đây là tranh chép. |
Khá bình tình trước thông tin này, đại diện của Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s chia sẻ: “Danh họa Bùi Xuân Phái là tài sản của Việt Nam, tên của ông đã được đặt tên một con phố. Hậu duệ của danh họa hiện vẫn còn sống và đang ở Hà Nội. Chúng ta là người Việt Nam nếu không thể khẳng định được tác phẩm của ông là thật hay giả, (nó vẫn đang được đấu giá không chỉ một lần trên các sàn đấu giá danh tiếng thế giới) thì thật hổ thẹn không chỉ với người đã khuất mà còn có tội với non sông. Hãy đưa ra ánh sáng. Nhà đấu giá không chỉ là nơi trung gian mua bán tác phẩm nghệ thuật; mà còn là nơi để soi chiếu, giúp tìm ra đâu là chân giá trị”.Cũng theo đại diện này, Luật Đấu giá tài sản 2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 là tín hiệu đáng mừng cho thị trường đấu giá còn rất non trẻ tại Việt Nam. Từ đây, những vấn đề liên quan đến đấu giá sẽ có căn cứ để tháo gỡ. Cả người mua, người bán và nhà đấu giá đều được phân chia những quyền lợi và trách nhiệm cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của mỗi bên, các hiện vật đấu giá được minh bạch, công khai về nguồn gốc và giá trị kinh tế.
“Tranh giả và tranh chép đã ảnh hưởng xấu đến nền Mỹ thuật Việt Nam suốt những năm 90 cho đến nay, mà không có bất kì biện pháp nào được đưa ra nhằm giải quyết triệt để. Đặc biệt nạn làm tranh giả của các danh họa thời Đông Dương đã ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế của các cố họa sĩ và giá trị của các tác phẩm thật. Nếu chúng ta tiếp tục sợ hãi và né tránh sự thật thì vấn đề bao giờ mới được giải quyết? Chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa. Với tất cả nguồn lực, cùng đội ngũ thẩm định uy tín, chúng tôi mong muốn đưa những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thật sự đến các nhà đầu tư, nhà sưu tập và công chúng yêu nghệ thuật”, đại diện này khẳng định.
Được biết, phiên đấu giá có chủ đề “Những tác phẩm hội họa đặc biệt của hai bộ tứ trụ hội họa Việt Nam: “Trí – Lân – Vân – Cẩn”, “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái”, với 12 tác phẩm của hai “bộ tứ” này, giá khởi điểm từ 2.000-8.000 USD. Và, cũng nhằm dành cho công chúng một cơ hội thưởng thức các tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật đặc biệt, những kiệt tác hội họa của Việt Nam, Nhà đấu giá đã tổ chức một cuộc triển lãm trước phiên đấu giá, kéo dài đến hết ngày 29/7/2017.
Một số tác phẩm đấu giá:
“Chân dung Dương Bích Liên” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. |
Quán cà phê Lâm là địa điểm ưu thích của giới văn nghệ sĩ Hà Nội. Họ đến uống cà phê, trò chuyện, thảo luận về những tác phẩm mới, ký họa cho nhau và đó cũng là nơi mà bức tranh “Chân dung Dương Bích Liên” ra đời. Tác phẩm bằng chất liệu chì màu.
Trong nhóm Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Dương Bích Liên ít được nhiều người biết đến bởi ông đã “tự nguyện chọn tiếng im lặng của hội họa làm bản thân”. Ông sống cô đơn, không lập gia đình và rất ít bạn bè. Bức tranh mang dấu ấn của hai con người, hai danh họa, hai tư tưởng khác biệt nhau, thể hiện khả năng dessin rất ấn tượng của họa sĩ Nghiêm. Nguyễn Tư Nghiêm luôn được biết đến với các tác phẩm sơn mài và bột màu mang đậm truyền thống văn hóa dân gian. Rất ít các tác phẩm kí họa của ông được giữ đến ngày nay. Vì vậy, có thể thấy “Chân dung Dương Bích Liên” là tác phẩm độc và hiếm.
“Cảm hứng tình yêu” của danh họa Trần Văn Cẩn. |
Gần như suốt cả cuộc đời, Trần Văn Cẩn đã yêu vẻ đẹp e lệ, giản dị của những thiếu nữ trên toan vẽ. Chỉ đến khi tuổi xế chiếu, ông mới đem lòng yêu thương một cô gái trẻ tên Trần Thị Hồng mà không biết rằng, cô gái ấy sẽ trở thành hình tượng xuyên suốt trong hai mươi năm sáng tác cuối đời của mình.
Vào thời điểm đó, bất chấp sự chênh lệch tuổi tác, sự khác biệt về vị trí xã hội khi ông là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn bà chỉ là một sinh viên trong trường cùng những lời dị nghị, dèm pha của mọi người, ông Cẩn cương quyết lấy bà Hồng làm vợ.
Bức tranh là sự kết hợp các đặc trưng của họa pháp Trần Văn Cẩn: chủ đề hiện thực, chất liệu bột màu, bố cục giản lược, thiếu nữ và áo dài – hình tượng bất tử trong tranh Trần Văn Cẩn. Hình tượng trong tranh ông lúc nào cũng thanh thoát, nhẹ nhàng, tươi mới như hoa, phảng phất khí chất của mọi thiếu nữ Hà Nội thế kỉ XX.
“Con giáp” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. |
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khắc họa chú chó trong tư thế canh gác vững chãi, bốn chân đứng thẳng, đuôi dựng cao, đôi mắt khuất trong bóng tối. Hình thái trong tác phẩm có sự cách điệu rõ nét, họa sĩ giản lược hình ảnh thật, phân lập đối tượng thành các khối chuyển động theo nhịp.
Cách xử lý bố cục ấn tượng, ngay từ đầu dụng ý của Nguyễn Tư Nghiêm là chỉ đặt một đối tượng duy nhất, ông lược bỏ hoàn toàn yếu tố ngoại cảnh để con vật tràn lấp trong khung hình, chuyển động như các họa tiết điêu khắc trong đình làng cổ – một họa pháp nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Nghiêm.
Mặt khác, nét vẽ được cô đọng, tĩnh từ tư thế tới nội dung. Tất cả biểu lộ một loài vật trung thành, thông minh, có cảm xúc đồng điệu với con người, gắn liền với đời sống người Việt hàng ngàn năm nay.
Tranh chì “Trung đoàn 69” của danh họa Tô Ngọc Vân, vẽ năm 1949. |
Tranh chì “Du kích” của danh họa Tô Ngọc Vân vẽ năm 1950. |
Tác phẩm sáp màu “Trung thu” của danh họa Bùi Xuân Phái. |
Tác phẩm màu nước “Chân dung Văn Dương Thành” của danh họa Bùi Xuân Phái, vẽ năm 1985. |