Một số trăn trở về văn học dịch
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:47, 27/07/2017
Theo thời gian, văn học thế giới vào Việt Nam ngày càng nhiều, thậm chí có lúc ồ ạt, chiếm lĩnh thị trường sách Việt Nam. Điều chúng ta cần phải làm hiện nay là nâng cao chất lượng dịch thuật, lành mạnh hóa sách dịch, chọn đúng và chọn trúng sách để dịch. Tuy nhiên, chúng ta đang còn thiếu và còn yếu ở khâu đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài. Đây là điều chúng ta đang trăn trở và cần tìm cách khắc phục.
Công bằng mà nói, cho đến nay sự xuất hiện của văn học Việt Nam trên văn đàn thế giới chưa xứng đáng với tầm cỡ của một đất nước sắp có tròn trăm triệu dân. Tại sao lại có hiện trạng này? Theo tôi có mấy nguyên nhân chính sau:
- Chúng ta chưa có một đội ngũ, hay những lực lượng dịch giả đủ về số lượng và tốt về chất lượng để đảm đương công việc dịch thuật này.
- Dẫu đã có nhiều cố gắng song chúng ta chưa có một chiến lược dài hơi, một kế hoạch thật sự bài bản, một sự đầu tư đúng mức, đủ sức huy động nhân tài vật lực cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Sự xuất hiện của văn học Việt Nam trên văn đàn thế giới còn khiêm tốn (truyện Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài là một trong số ít tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới)
- Sự liên kết giữa các nhà xuất bản trong nước và nước ngoài trong việc dịch và ấn hành các tác phẩm văn học Việt Nam còn rất thiếu và rất yếu. Chúng ta chưa có những biện pháp hữu hiệu nhằm lôi kéo các nhà xuất bản nước ngoài vào cuộc, để họ kề vai sát cánh với chúng ta. Ngay cả đối với các nhà xuất bản trong nước chúng ta cũng chưa có những biện pháp khuyến khích, kích cầu cần thiết.
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh: có ba lực lượng dịch giả có thể đảm đương nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, đó là: các dịch giả Việt Nam ở trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài thông thạo tiếng Việt. Để đưa các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài chúng ta phải biết tổ chức và sử dụng có hiệu quả ba lực lượng dịch giả nói trên, phải có những biện pháp cụ thể nhằm tăng số lượng và chất lượng của đội ngũ này. Chế độ nhuận bút và các chế độ đãi ngộ khác phải tương xứng với công sức mà họ phải bỏ ra thì mới khuyến khích họ. Hàng năm Nhà nước nên dành một khoản tiền thích hợp cho mục đích giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, như nhiều nước đã và đang làm. Đây là một hình thức đầu tư chiều sâu có hiệu quả thiết thực và mang lại lợi ích lâu dài.
Vừa qua, từ ngày 8 – 12/ 6/ 2017, tại cố đô Krakow Ba Lan, tôi đã tham dự Hội nghị những người dịch văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ IV, do Viện sách, trực thuộc Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Ba Lan tổ chức, với sự tham gia của gần 300 dịch giả (Việt Nam có 5 dịch giả), nói 40 thứ tiếng, đến từ 46 nước trên thế giới. Phía Ba Lan đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho khách tham dự, trong đó có vé máy bay khứ hồi, khách sạn hạng sang. Đây là một hội nghị dịch thuật chỉ sử dụng duy nhất một ngôn ngữ, đó là tiếng Ba Lan, một hội nghị được tổ chức rất chuyên nghiệp, bài bản, thực chất và rất hiệu quả, không có những bài phát biểu chỉ đơn thuần ngoại giao và xã giao, mà chủ yếu cung cấp cho các dịch giả những thông tin, những hiểu biết cần thiết về văn học Ba Lan hiện nay, với sự tham gia của các nhà văn, các nhà bình luận văn học, các giáo sư văn học nổi tiếng và đại diện của trên 40 nhà xuất bản của nước này. Sau hội nghị, các dịch giả văn học Ba Lan đã biết được sắp tới đây mình có thể chọn sách nào, tác giả nào, thể loại văn học nào để chuyển ngữ. Chi phí cho một hội nghị như vậy tuy khá tốn kém, nhưng người tổ chức biết rõ, đó là những khoản chi phí rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Bởi vì, sau mỗi hội nghị dịch thuật như vậy, mỗi năm sẽ có hàng trăm đầu sách văn học Ba Lan được dịch sang các thứ tiếng khác nhau. Chỉ trong 14 năm qua, Viện sách Ba Lan đã tài trợ cho việc dịch và xuất bản trên 2.000 đầu sách văn học Ba Lan. Những đầu sách này được chuyển ngữ sang 48 thứ tiếng trên thế giới. Tôi ao ước, đến một ngày nào đó, văn học Việt Nam - một đất nước có số dân trên gấp đôi số dân Ba Lan cũng sẽ làm được như thế, thậm chí hơn như thế. Và văn học Việt Nam sẽ ồ ạt ra nước ngoài, như văn học nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam, đầu vào và đầu ra của văn học ở nước ta sẽ được cân đối.