Cần có sự đầu tư xứng tầm để thúc đẩy phát triển văn hóa

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:45, 01/08/2017

Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức tại TP.HCM. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy.
Cần có sự đầu tư xứng tầm để thúc đẩy phát triển văn hóa

Các đại biểu tại Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

Báo cáo của Bộ VHTTDL cho biết, cả nước hiện có trên 18,6 triệu hộ Gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 85,67%); 60.304 Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, 2.161 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới… Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, đi vào nề nếp, đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa đã thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao thu hút đông đảo nhân dân đến sinh hoạt…

Nhìn nhận về những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong những năm qua đã có bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực. Xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bức tranh nông thôn mới ngày càng khởi sắc qua nhiều công trình văn hóa – thể thao được xây dựng từ sự đóng góp công sức của nhân dân.

Qua đó, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở, kinh tế - xã hội.

" Trong bối cảnh hội nhập, văn hóa giữ vai trò hết sức quan trọng, đôi khi quan trọng hơn cả kinh tế. Thế nhưng, nhìn lại hoạt động đầu tư cho văn hóa cơ sở cả về nhân lực, vật lực và tài lực đến nay dường như chưa rõ ràng. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể nào về định mức tỉ lệ đầu tư cho văn hóa, vì thế cần có sự đầu tư xứng tầm để thúc đẩy phát triển văn hóa, làm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… Đầu tư cho kinh tế thì dễ thấy ngay kết quả, nhưng đối với văn hóa thì sau một thế hệ mới nhìn nhận được kết quả." (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình )

Thẳng thắn nhìn rõ những vấn đề còn hạn chế, bất cập, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, văn hóa cơ sở vẫn chưa phát triển đồng đều ở các khu vực, việc bình xét công nhận danh hiệu văn hóa ở một số nơi còn chưa chặt chẽ và chưa bám sát tiêu chuẩn.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa được khai thác triệt để, nhiều địa phương chưa thực hiện quy hoạch đất, có nơi có quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thậm chí có địa phương còn chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển vị trí đất thiết chế văn hóa để kêu gọi đầu tư. Kết quả đạt được chưa vững chắc…

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, những kết quả đạt được đã tạo động lực tích cực đến sự phát triển của kinh tế, xã hội. Sự xuất hiện nhiều điển hình trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở là rất đáng trân trọng và cần được phát huy.

Ông Phan Thanh Bình cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, văn hóa giữ vai trò hết sức quan trọng, đôi khi quan trọng hơn cả kinh tế. Thế nhưng, nhìn lại hoạt động đầu tư cho văn hóa cơ sở cả về nhân lực, vật lực và tài lực đến nay dường như chưa rõ ràng. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể nào về định mức tỉ lệ đầu tư cho văn hóa, vì thế cần có sự đầu tư xứng tầm để thúc đẩy phát triển văn hóa, làm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… Theo ông Bình, đầu tư cho kinh tế thì dễ thấy ngay kết quả, nhưng đối với văn hóa thì sau một thế hệ mới nhìn nhận được kết quả.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để tránh những bất cập và lãng phí trong xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, không thể áp đặt về tiêu chí hay mô hình chung mà cần phải tôn trọng và hiểu văn hóa bản địa của từng vùng miền. Đồng thời, khi đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở nên đi kèm với định mức kinh phí hoạt động phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Cần có sự đầu tư xứng tầm để thúc đẩy phát triển văn hóa

Sự xuất hiện nhiều điển hình trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở là rất đáng trân trọng và cần được phát huy. Trong ảnh: Một mô hình tiêu biểu trong xây dựng phát triển văn hóa cơ sở ở TP.HCM

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phải dựa trên và gắn liền với đời sống văn hóa cộng đồng chứ không thể làm theo mô hình được dựng sẵn. Đặc biệt, nên quan tâm đến tín ngưỡng tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu được văn hóa bản địa thì mới bảo tồn và gìn giữ được bản sắc truyền thống của địa phương.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, quan trọng nhất là xây dựng con người. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là giá trị truyền thống có nguy cơ không được tôn trọng, nền tảng gắn kết xã hội giảm đi, con người ít có trách nhiệm trước những vấn đề của xã hội… Vì thế cần thay đổi nhận thức về văn hóa cơ sở, nếu văn hóa cơ sở không chắc, con người sống hai mặt thì rất nguy hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, dự kiến trong tháng 9 tới, Ủy ban sẽ có cuộc làm việc với Chính phủ về tình hình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Qua đó, có kiến nghị đổi mới về chính sách và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa trong tình hình mới.

Hoàng Hải/báo Văn Hóa