Thư thời chiến: "Di sản" quý giá
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:38, 04/08/2017
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những lá thư thời chiến ngày nào vẫn còn nguyên giá trị. Không ít người ví von đó chính là “di sản”, là kho tư liệu, là bức tranh sinh động, chân thực nhất về chiến tranh, về đời sống, tinh thần của những người lính, của xã hội “một thời đạn bom, máu lửa”. Mỗi bức thư là một kỷ vật lưu giữ tình cảm yêu thương, khát vọng hòa bình và lý tưởng sống của thế hệ cha anh đi trước…
Ký ức một thời
“Bố tôi là một cựu chiến binh. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Huế từ 1964 đến 1971, (sau đó ra Bắc và những năm 1980 lại lên biên giới Cao Bằng cho tới khi về nghỉ hưu). Những tháng năm xa cách đó, trong hành trang chiến đấu luôn có những lá thư nhà và tấm ảnh của con (chính là tôi mà lúc ra đi mẹ tôi mới mang thai, khi tôi sinh ra bố tôi chưa biết mặt con). Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng ông bà. Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi cũng biết phần nào sự ngóng trông chờ đợi mà mẹ tôi và ông bà vẫn dành cho bố tôi. Đất nước mình có ngàn vạn những người lính như bố tôi và ngàn vạn gia đình như gia đình tôi. Trong số những tài sản của gia đình tôi cũng có một gói những lá thư thời chiến. Nó được cất giữ và nâng niu như những báu vật của gia đình. Ngày bé, chúng tôi thường lấy những lá thư của bố mẹ gửi cho nhau đó ra đọc trộm. Những lá thư viết bằng giấy pơ luya mỏng dày chi chít những hàng chữ li ti. Không hiểu hết ý nghĩa của những lá thư đó, nhưng tôi hiểu đó là hình thức chuyển tải những gì mà những người xa nhau viết để thông tin cho nhau, gửi gắm tình cảm yêu thương...”- PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí và Truyên truyền bùi ngùi khi kể lại câu chuyện về “báu vật” của gia đình.
Thư thời chiến - Di sản quý giá
Không chỉ với PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, những lá thư thời chiến đã mang lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Qua những lá thư được viết trong thời chiến, người đọc hình dung được những năm tháng họ đã sống, chiến đấu… Là người may mắn trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh Trương Công Đạo, Ủy viên Hội đồng Quản lý, Phó Giám đốc Quỹ Mãi mãi tuổi 20 chia sẻ rằng đọc những lá thư thời chiến Việt Nam, anh thấy có chính mình trong đó. “Đó là một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình mãnh liệt. Một lòng tin tuyệt đối vào Đảng vào Bác Hồ. Một ý chí chiến đấu cao, sự sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân. Một thế hệ mà niềm vui là được ra trận…”
Có thể nói mỗi lá thư là một câu chuyện sinh động, chân thật và rung động lòng người, dù những câu chuyện ấy đã cách nay gần nửa thế kỷ… Có lúc là lời tâm tình, có lúc là tâm trạng xao xuyến trong cái khoảnh khắc yên bình giữa hai trận đánh, khi lại là nỗi ngậm ngùi, xót xa, thương cảm trước những ước mơ cao đẹp còn dang dở… Nói như TS. nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thì những bức thư, trang nhật ký trong chiến tranh đã vượt lên khỏi việc đáp ứng nhu cầu tình cảm riêng tư ban đầu để từ những trang viết của cuộc đời là từng số phận con người và cao hơn nữa là hơi thở của cả thời đại…
Kho báu cần gìn giữ
Dưới góc nhìn lịch sử, PGS. TS Hà Minh Hồng, Trường ĐH KHXH & NV TP. Hồ Chí Minh cho rằng nếu ghép tất cả những lá thư thời chiến trong một cuộc chiến vào với nhau, sẽ có một bức tranh không gian 4 chiều khổng lồ. Tùy theo người viết thư là ai, làm gì, ở đâu trên đất nước thời chiến tranh, những lá thư thời chiến của Việt Nam đã hiển thị hết tất cả cuộc chiến lên trang giấy. Đây là nguồn sử thi vô cùng phong phú sinh động về lịch sử cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, hào hùng bậc nhất của dân tộc và thời đại. “Đó là kho báu cần giữ gìn, bảo vệ và phát huy cho những thế hệ đang đồng hành trong công cuộc xây dựng phát triển và hội nhập” - PGS.TS Hà Minh Hồng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh mạng Internet ngày càng phát triển, điện thoại phổ cập, email phổ biến, và tin nhắn trên điện thoại di động đã được sử dụng rộng rãi thì những lá thư viết tay cũng trở nên hiếm dần, nhất là với lớp trẻ. Chính từ thực tế này, bà Đinh Thị Lệ Hằng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Có lẽ vì thế mà những lá thư viết tay, đặc biệt là những lá thư thời chiến Việt Nam lại càng có giá trị hơn. Hiếm có tác phẩm ngôn tình nào lại đầy ắp, chan chứa lời yêu thương, thầm kín như những lá thư thời chiến”. Còn PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí và Truyên truyền cho rằng những bức thời chiến mang theo những thông điệp của cuộc sống, chiến đấu, mang theo những thông điệp từ trái tim con người. “Hôm nay, những dòng thông tin ấy vẫn còn nguyên giá trị thông tin, giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Những lá thư thời chiến chứa đựng đầy đủ những giá trị của những tác phẩm báo chí, truyền thông và mang ý nghĩa vượt thời gian” - Ông Oanh nói.
TS. Trần Bách Hiếu, Trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Đối với giới trẻ hiện nay, có lẽ ít ai biết đến những lá thư viết tay mộc mạc và giản dị, thậm chí hầu như không còn viết thư tay. Câu chuyện những lá thư trở thành câu chuyện của ngày xưa, của những điều cũ kỹ. Dẫu thế, hãy một lần tìm và đọc “Những lá thư thời chiến”. Bởi nó là một cuốn lịch sử về tinh thần. Những lá thư sẽ giúp chúng ta hiểu được cha ông ta đã chiến thắng hai cuộc kháng chiến vĩ đại để bảo vệ dân tộc như thế nào, một thời hào hùng, trần trụi trong khói lửa, đạn bom mà chính các cuốn sách lịch sử khác chưa nói đến. Chúng ta có thể dễ dàng tìm ra được những góc khuất tinh thần của mỗi con người mà chưa có một nguồn tài liệu nào có thể mô tả một cách chân thực hơn. Để từ những cuộc gian nan vất vả của người chiến sĩ đã ngã xuống, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu, sẽ nhận được những kỷ niệm, những yêu thương, những đau đớn mà cha ông ta đã trải qua thông qua những bức thư đó.”
ThS. Nguyễn Kim Thành, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng những bức thư thời chiến chính là “di sản” vô cùng quý giá. Tại thời điểm viết lá thư, sứ mệnh của chúng chỉ đơn thuần là kết nối, truyền tin. Nhưng qua thử thách của thời gian và lịch sử, giá trị của lá thư càng khẳng định được sức sống mãnh liệt của nó, truyền tải thông điệp của thế hệ đi trước bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc và gửi gắm ước mơ, lý tưởng sống đến thế hệ mai sau. Tầm di sản của những lá thư được thể hiện rõ ràng từ chính điều mộc mạc, giản dị đó.
Kế thừa và phát huy giá trị di sản của những lá thư thời chiến
Những lá thư thời chiến không chỉ chuyển tải thông điệp về tình yêu thương, mà còn mang đến cho các bạn trẻ ý nghĩa về sự sống và cái chết, sống có lý tưởng, có mục đích, sống cho nhau và vì nhau, tình yêu hướng tới sự cao thượng và cả sự lãng mạn riêng tư. Theo ThS. Nguyễn Kim Thành, Hội Di sản văn hóa Việt Nam việc giáo dục thế hệ trẻ thông qua những lá thư không phải là hình thức mới lạ. Trên thế giới, các nước đã thực hiện rất thành công khi ra các tuyển tập những bức thư của những người nổi tiếng và đã tạo hiệu ứng xã hội tốt để giáo dục con cái như: bức thư nổi tiếng của cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai mình, Thủ tướng Anh Winston Churchill, nhà văn Mỹ Ernest Hemingway, Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, nhà soạn nhạc người Đức Ludwig Van Beethoven… Có những tâm tư, tình cảm được chia sẻ trong đó đã trở thành châm ngôn sống cho mọi thế hệ. “Những câu chuyện nhỏ từ những bức thư đi cùng năm tháng thực sự là tài liệu quý giá đối với các bạn trẻ Việt Nam - những thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh và đang tìm hiểu về cội nguồn dân tộc mình. Thế hệ trẻ kế thừa tinh thần yêu nước của dân tộc ta, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong khói bom, đạn nổ. Từ đó biết phát huy tinh thần ấy, cùng nhau đoàn kết tạo thành sức mạnh đưa Việt Nam phát triển theo đúng di nguyện của thế hệ ông cha.”
Theo bà Phan Thị Xuân Yến, Khoa Giáo dục Chính trị , Đại học Sài Gòn: Thư thời chiến không chỉ giúp chúng ta hình dung về thời chiến, nhớ về thế hệ cha anh mà còn dạy cho chúng ta cách sống, dạy tình yêu đôi lứa, dạy quan hệ xã hội, dạy quan tâm đến gia đình, dạy quan hệ bạn bè, dạy nghĩa vụ công dân, dạy lý tưởng và ước mơ… và có thể được coi là một trong những tài liệu giảng dạy học tập tốt nhất, là sách “giáo khoa” cho những bài giảng dạy và học tập trực quan sinh động nhất của tuổi trẻ học đường.
Là một giảng viên lịch sử, ThS. Nguyễn Thị Hòa, Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho rằng cần thiết khai thác nội dung những lá thư để đưa vào nội dung giảng dạy nhằm làm phong phú, sinh động bài giảng, cuốn hút người học và quan trọng hơn hết là giúp người học tái hiện lại lịch sử đa chiều, toàn diện một cách chân thực nhất, gần gũi nhất. “Chúng ta cũng hoàn toàn có thể khai thác nội dung cuốn sách để tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho người học như hoạt động đọc và viết cảm nhận, hoạt động ngoại khóa chủ đề, sân khấu hóa về hình tượng các chiến sỹ trong những lá thư để sống lại trong khung cảnh của lịch sử… Qua các hoạt động đó, người học không chỉ nhớ, hiểu hơn về sự kiện lịch sử dân tộc mà còn nắm được cái thần thái, giá trị của lịch sử dân tộc, nhận thức mình là ai và mình phải làm gì. Bởi vậy, nội dung của “những lá thư thời chiến Việt Nam” có giá trị to lớn đối với việc giáo dục thế hệ trẻ không dừng lại ở giáo dục truyền thống lịch sử mà còn giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống.” – bà Hòa nhấn mạnh.