Đỗ Hữu Thiêm - Một con người trung hiếu
Thơ - Ngày đăng : 09:10, 07/08/2017
Như nhiều thanh niên học sinh thời ấy: Đỗ Hữu Thiêm - quê Phùng Xá, Mỹ Đức, học sinh trường cấp 3 Ứng Hòa, Hà Tây (cũ) đã xung phong nhập ngũ khi chưa học hết lớp 10 (12).
Sau thời gian tập luyện ở miền Bắc, anh vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở Nam Trung Bộ. Lý tưởng chiến đấu của người lính cách mạng đã được thử thách ngay trong cuộc giáp trận đầu tiên, trận chiến đấu mà ta đã dũng cảm trả giá cao cho chiến thắng, một trận đánh mà những người còn sống - nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: “Không dám nhận mình may”. Rồi năm 1966, trong một trận chiến đấu với quân Mỹ, anh bị thương:
Trúng đạn, ổ khóa nòng vỡ toác
Súng gục
Gãy đôi
Tay tôi … gân đứt, tim giật buốt thót
Máu chảy tràn xuống mắt, xuống mặt
ướt đỏ vách hào…
Anh bị bắt làm tù binh:
Những cột khói đen húc vào bụng
không gian
lố nhố xì xồ lũ Mỹ
Tôi bị trói vào thân cây cháy dở
Đen thui đoạn đầu đài
Máu nhầy nhụa bả vai.
Anh bị giam ở nhà lao Phú Quốc gần 7 năm. Đến năm 1973 được trao trả - theo hiệp định Paris. Từ ngày rơi vào tay giặc, anh đã chứng kiến bao tấm gương kiên trung bất khuất của đồng đội, đã cùng đồng đội nếm trải bao cảnh khủng bố, đọa đày và đã vượt lên những thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ của kẻ thù để giữ vững lòng trung thành với cách mạng và phẩm chất kiên cường của người chiến sĩ.
Hình ảnh đầu tiên mà anh thấy là người đồng đội bị khảo tra:
Kìm điện với dùi cui
Anh kiệt sức nằm trên sàn lạnh
Ánh mắt anh như thép gươm thần.
Trong một buổi, anh cùng mấy anh em trừng trị một tên phản bội, anh đã bị nhốt vào “chuồng cọp”, một cái cũi bằng kẽm gai mà 3 chiều không chiều nào dài quá 0,7m, chỉ có thể nửa nằm nửa ngồi, dưới nắng nung trên cát và sắt hay trong đêm mưa dầm như anh đã tả trong Đêm mưa chuồng cọp:
Lạnh thấm dần vào xương, vào cốt
Lạnh ngấm sao nhức buốt ruột, buốt gan
Mưa cứ ào ào như người ném đá dăm
Gió vẫn quất vào như đẽo thịt…
Ngồi không được thẳng làm sao đứng
Ngửa mặt đau rồi,
cúi mỏi lưng
Thép gai vít đầu, thép gai căng tứ phía
Nằm thì cát lấp lỗ tai/…
Nhưng:
Không! Đời vẫn còn quả tim thức nóng
Đập thâu đêm dẫn máu đến tế bào.
Để cứu đồng đội, một chiến sĩ trong phòng giam đã nhận hết trách nhiệm về mình và chịu cực hình đóng đinh vào đầu đến chết. Sự hi sinh của anh làm kẻ thù khiếp sợ, đưa xác anh ra nghĩa trang, chúng dùng cả một đội binh súng lên đạn sẵn:
Và chiều nay, một chiếc xe tang,
cứ run rẩy, cứ vội vàng lấm lét
Nào súng, nào lê, cả bầy lính ngục
Còn hốt hoảng, trước linh hồn
của một tù binh.
Đó là anh Gương mà các anh mãi mãi tôn thờ như tấm gương sáng chói, như ân nhân cứu mạng.
Rồi những ngày tuyệt thực, chỉ còn da bọc xương và hơi thở thoi thóp nhưng vẫn quyết đấu tranh đến cùng, buộc địch phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của anh em về điều kiện sống. Có đồng chí đã tự mổ bụng phơi cả ruột gan để phản đối bọn địch trong cuộc tuyệt thực - đó là anh Kim, mà sau ngày giải phóng miền Nam, Thiêm có dịp gặp lại ở quê anh Bắc Ninh:
Ôm ghì anh với bao nghĩa tình
Mà thảng thốt ngỡ hôm nào trong mộng
Đường chỉ thắt vết thương xưa sẹo cứng
Truyền sang tôi hơi ấm trong anh…
Chính trong những ngày ở tù, anh đã làm thơ để tự động viên mình và động viên đồng chí. Trước một bạn tù nhỏ tuổi, một thiếu niên miền Nam 13 tuổi bị giặc bắt khi trong hộp đánh giầy có lựu đạn. Chúng tra tấn em đến phải nằm thoi thóp trên vũng máu. Anh đau đớn, nỗi đau của người cha:
Ôi! Chim non
Trong máu, cháu nằm thoi thóp
Tôi đã thành phỗng đất
Bất lực một người cha.
Và anh đã ru em bằng những lời, những cử chỉ sẻ chia thương yêu, cảm phục:
Hận lòng anh nhức nhối buồng gan
Dòng nước miếng thoa mình em đã cạn
Anh hiểu đêm tù là có hạn
Hiểu thêm nhiều đứa trẻ nhỏ
miền Nam…
(Đứa em)
Trong tù, anh đã tự động viên mình giữ vững phương hướng, phương châm sống:
Trúng đạn xã cánh
Tôi là con chim què
Gục nằm trong máu me
Vai nặng đến ngàn cân, đầu choáng
Lẩy bẩy loạng choạng
Ngóc dậy bấm bước tôi đi…
Tôi đi chập chững vô phương
Tôi đi bước lệch, bước cong
Đau đớn chói ngấm rão mệt
Nhưng:
Tôi vẫn là tôi, không phải bóng ma
Chút máu lạnh trong tim hồi sinh bốc cháy
Đối mặt với dập vùi, cạm bẫy
Ngóc dậy bấm bước tôi đi
(Tôi đi)
Trong ngày đau thương nhất, ngày Bác Hồ mất, những người tù đã bất chấp sự hăm dọa của kẻ thù, tổ chức truy điệu Bác ngay trong phòng giam. Nỗi đau thương tột độ của các anh làm cho kẻ thù khiếp sợ, không dám động đến các anh, sợ khối đau thương đó sẽ cháy thành thuốc nổ, và kỳ lạ thay:
Chúng bỗng chống súng
Kính cẩn nghiêng mình trố mắt
(Cụ Thám và người tù với nỗi buồn trên đảo).
Sau ngày trao trả tù binh, Đỗ Hữu Thiêm được học một lớp ngắn hạn về nông nghiệp rồi được điều về làm công nhân ở một Công ty gieo trồng ở Hà Tây (cũ). Anh trở về đời thường, làm một người lao động bình thường, lập gia đình với một cô giáo làng, sinh được 2 con trai, 2 con gái, các cháu lớn lên được học hành cơ bản, trở thành những trí thức tốt, cán bộ tốt, những bố hiền, mẹ thảo, cho ông bà những đứa cháu chăm ngoan. Còn ông bà về hưu trong cảnh thanh bạch, chấp nhận sự thiệt thòi mà thanh thản. Song anh đã vượt lên hoàn cảnh sức khỏe và nhiều mặc cảm… để yêu, để sống, và trong sức mạnh để anh vượt lên ấy, ngoài bản lĩnh người lính, có sức mạnh của thơ.
Do có chút năng khiếu thơ, đã bắt đầu làm thơ khi mới lên đường nhập ngũ, trong tù anh đã sáng tác thơ và sau khi trở về, anh càng sáng tác nhiều thơ, với bút danh Đỗ Thiêm. Những kỷ niệm của thời đánh giặc, thời trong tù nếu trước kia mới chỉ là phác thảo trong đầu anh thì nay đã hiện cả lên trang giấy. Và anh đã gửi vào đó những thông điệp của tâm hồn chiến sĩ. Với anh, những kỷ niệm đó mãi mãi là vô giá, là vốn tin thần không vơi cạn, là nền tảng của cảm hứng thơ của anh trước những đề tài của cuộc sống, kể cả những đề tài của cuộc sống đương thời, thường nhật.
4 tập thơ nối tiếp nhau ra đời, được bạn đọc đón nhận, đã là những bằng chứng: Bóng chim trời (tập thơ đầu), tiếp theo là Tiếng họa mi và sự trong trắng (2006), Cây nến cháy (2014) và tập thơ đang in Trên đèo cao (2017).
Nhận định về thơ Đỗ Thiêm, đại tá, nhà thơ Quang Hoài, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: “Thơ đến với Đỗ Hữu Thiêm một cách tự nhiên, như một cứu cánh. Từ quan niệm: dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải giữ lấy nhân cách làm người, còn người thì mới mong có được sự thanh thản”, ông đã tìm đến thơ như một sự giãi bày chia sẻ để rồi trở thành người động viên khuyến khích mình, “tự” hoàn thiện mình hơn trong cuộc sống đời thường”. Yêu thơ, yêu quê hương, yêu những người làm thơ, anh luôn chia sẻ với bạn bè và được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB thơ huyện Mỹ Đức 8 năm liền. Với sự ủng hộ của UBND huyện Mỹ Đức, CLB đã cho ra mắt bạn đọc 7 tập thơ có chất lượng.
Cầu chúc cho anh có sức khỏe để tiếp tục giữ gìn và phát huy tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, xứng đáng là một người trong những người con trung hiếu của đất nước.n