Đôi điều về sách Ngữ văn 6, bộ Cánh Diều

Tin tức - Ngày đăng : 14:30, 10/11/2021

Viết sách giáo khoa trước hết là nhiệm vụ xã hội và quy phạm học đường, là hoạt động biên soạn và sáng tạo, có kế thừa và đổi mới, hướng tới phục vụ đối tượng có lứa tuổi và trình độ cụ thể, đặt trong sự tiếp nối lớp học đã qua và chuẩn bị cho những năm học sau, đồng thời còn có vai trò đặc biệt quan trọng với sự bảo trợ, hướng dẫn của thầy cô.
Đôi điều về sách Ngữ văn 6, bộ Cánh Diều
Nội dung và cấu trúc các bài học trong sách Ngữ văn 6, bộ Cánh Diều còn khá nặng nề.
Thêm nữa, khác với các môn tự nhiên có thể tham khảo nguồn sách giáo khoa nước ngoài thì bộ môn ngữ văn lại cần đến vai trò chủ thể biên soạn, thể chế giáo dục, thời cuộc xã hội, đất nước, dân tộc… Từ góc độ người nghiên cứu, xin thử luận bàn về sách Ngữ văn 6, bộ Cánh Diều (2 tập, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2021)…      

Trên cơ sở khung chương trình giáo dục phổ thông (2018), sách Ngữ văn 6 đặt cược vào học tập theo hệ thống thể loại với những dẫn dắt ban đầu về truyện (truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại - truyện ngắn) - thơ (thơ lục bát - thơ có yếu tố tự sự, miêu tả) - kí (hồi kí, du kí) - văn bản nghị luận (nghị luận văn học, nghị luận xã hội) - văn bản thông tin (thuật lại sự kiện theo trật tự thời gian, thuật lại sự kiện theo nguyên nhân - kết quả); có khi được chia thành “6 kiểu văn bản” (tự sự - miêu tả - biểu cảm - thuyết minh - nghị luận - nhật dụng). Thực sự đã thấy rõ nét cả tương quan chương trình và cách thức triển khai, thực hiện chương trình, sự phân khúc và liên thông, tiếp nối, phát triển giữa các cấp học và lớp học cụ thể; chẳng hạn, chuyển tiếp từ học theo chủ điểm tới thể loại, làm quen với đọc hiểu văn bản thông tin “Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập” (Bùi Đình Phong) trước khi học tác phẩm. Ở đây chưa bàn đến việc học tác phẩm trước hay văn bản thông tin trước và kiểu “văn bản thông tin” thực chất chỉ là phần giới thiệu tác giả, tác phẩm; chưa bàn đến chi tiết cọc cạch ở bài đọc hiểu, “vì một nền Cộng hòa Dân chủ” và “thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa”…

Việc ưu tiên định hướng học theo thể loại cho phép lựa chọn bài tập đọc tiêu biểu hơn, sâu rộng hơn, vượt lên tầm “chủ điểm, chủ đề” cũng như nội dung “yêu - căm - chiến - lạc” hiển ngôn, ý thẳng, mạch lộ. Việc đưa tác phẩm kinh điển thế giới Cô bé bán diêm (Andersen) là một ví dụ tiêu biểu cho tiếng nói phản tư, phản tỉnh, đối thoại với lối học nội dung hiển ngôn, hô hào, nặng tính công thức, minh họa một chiều. Các bài đọc hiểu Thánh Gióng, Thạch Sanh, Sự tích Hồ Gươm, Trong lòng mẹ, Bài học đường đời đầu tiên (Có thể đặt “Bài học đầu đời của Dế Mèn”), Ông lão đánh cá và con cá vàng, Anh Cút lủi, Đêm nay Bác không ngủ, Bức tranh của em gái tôi… đạt chất lượng cao cả về sắc thái thẩm mỹ, tâm lý tiếp nhận và sát hợp lứa tuổi…

Cả một hệ thống chỉ đạo, định hướng, thiết kế chương trình cho đến vai trò nhóm tác giả, khâu thẩm định, đọc duyệt, góp ý và biên tập, xuất bản cùng vào cuộc để có được sản phẩm sách giáo khoa khó khăn gấp nhiều lần so với việc đứng ngoài khen chê, yêu cầu, đòi hỏi. Ở đây chỉ xin nêu ba điều thiên về cảm nhận hơn là góp ý, bình luận, nhận xét…

Trước hết, sách giáo khoa ngữ văn kiến tạo mặt bằng kiến thức để học trò đọc hiểu, “học” và “tập” theo, khác biệt với sách tham khảo, càng khác biệt với sách hướng dẫn, giáo trình, bài giảng của giáo viên. Dự cảm, có cần và nên xếp “Bài mở đầu (Nội dung và cấu trúc sách Ngữ văn 6)” theo cách nào, chỉ là dẫn giải “mở đầu” hay đã là “bài” trong cơ cấu chung của các bài trong sách. “Bài mở đầu” này nghiêng về giới thiệu, khái quát cấu trúc và nội dung sách, đặt ra yêu cầu Học đọc (đọc hiểu 5 thể loại và rèn luyện tiếng Việt) - Học viết - Học nói và nghe, chưa nhằm kiểm tra kiến thức, không đặt ra câu hỏi và ít nhiều trùng lặp với các bài học thể loại. Trong cấu trúc 10 bài chuẩn, các mục “yêu cầu cần đạt” và “tự đánh giá” thiên về chức năng, nhiệm vụ của giáo viên. Bởi lẽ, chỉ giáo viên căn cứ vào chương trình mới đặt ra, hiểu được “yêu cầu cần đạt” và đủ khả năng, quyền hạn để đánh giá năng lực từng học trò đặt trong mặt bằng kiến thức và tương quan giữa em này với em khác.

Thứ hai, nội dung và cấu trúc các bài học còn khá nặng nề. Chẳng hạn, bên cạnh truyện, thơ, ký, việc học thêm thể loại nghị luận thực sự khó, khô khan, ít hứng thú. Biết rằng thể loại nghị luận cần thiết với thế giới người lớn nhưng có cần học quá sớm? Thêm nữa, việc mở rộng tới kiểu “văn bản thông tin” vượt khỏi khuôn khổ thể loại quen thuộc, được định danh bằng “kiểu văn bản”, “văn bản thuyết minh”, “bài văn thuyết minh”, “phương thức thuyết minh”. Sách giáo khoa “để học” có quá nhiều thuật ngữ (tự sự, đơn vị ngôn ngữ, biện pháp tu từ ẩn dụ, kênh chữ, kênh hình, đa phương thức,…) có phần giao thoa với sách hướng dẫn “để dạy”.  Đôi khi phần câu hỏi và hướng dẫn tự học lại quá rộng, chuyên sâu, cần cả phương tiện công nghệ thông tin và thời gian vật chất nữa; chẳng hạn: “Đọc sách báo, truy cập internet, thu thập tư liệu (gồm các bài viết, hình ảnh, video,…) liên quan đến các sự kiện nổi bật…”. Cần giới hạn yêu cầu, phạm vi thật cụ thể. Các em còn phải học nhiều bài khác, nhiều môn khác cũng quan trọng không kém… Lại nữa, việc lập thêm các bảng “tra cứu từ ngữ”, tra cứu “tên riêng nước ngoài”, “yếu tố Hán Việt thông dụng” thực sự giàu tính học thuật nhưng học trò không có nhu cầu xem lại, học xong là xong, lên lớp khác… 

Thứ ba, cảm nhận việc tuyển chọn tác phẩm chưa đều, còn văn bản thiếu sinh động, khó nhớ, nặng nề, khô khan, có mục bài đọc hiểu lộ rõ bàn tay xếp đặt, gò vào răn dạy hiển ngôn (À ơi tay mẹ, Về thăm mẹ, Những điều bố yêu, Thời thơ ấu của Hon-đa, Tại sao chúng ta phải đối xử thân thiện với động vật? Khan hiếm nước ngọt, Tại sao nên có vật nuôi trong nhà? Điều không tính trước…). Đây đó vẫn còn những nhận định, lý giải xa chất văn chương, đậm sắc thái tuyên truyền về “một số sự kiện lịch sử trọng đại”, “sự kiện văn hóa, thể thao”, “sự kiện khoa học”, “một số sự kiện lớn của Việt Nam và thế giới”… Nhìn chung, việc tuyển chọn bài đọc hiểu cần hướng đến tác phẩm sinh động, tiêu biểu, dễ nhớ dễ thuộc, thực sự là “văn”, phù hợp tuổi học trò và mong để lại ấn tượng sâu đậm đến hết đời.

Trên đây là một vài cảm nhận ban đầu. Về cơ bản, bộ sách giáo khoa Cánh Diều Ngữ văn 6 (hai tập) đã kết tập được tinh thần cải cách giáo dục thời Đổi mới. Nhìn rộng ra, tôi cứ vân vi, chưa rõ cơ chế quản trị viết sách “toàn bộ hệ thống vào cuộc” là tốt hay theo kiểu cá nhân chịu trách nhiệm là tốt? - Trường hợp nhà giáo trường Bưởi (Trung học Bảo hộ) Dương Quảng Hàm (1898-1946) một mình soạn cả chương trình văn học cho Ban Trung học (1943) khi mới 45 tuổi, chỉ chịu trách nhiệm trước Nha học chính Đông Pháp, thực hiện nhanh, gọn, ngay và luôn, cả thời thực dân nửa phong kiến, dân chủ, cộng hòa và xã hội chủ nghĩa Đổi mới ngày nay đều sử dụng tốt!... Lại cảm nghĩ, một trong các vị tổng chủ biên, Chủ biên và các thành viên đều có thể như Dương Quảng Hàm mà tự lên chương trình, xây dựng đề cương và soạn sách…

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn