Phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:59, 08/08/2017
Phố Hàng Giầy dài 267m, rộng 7m.
Từ phố Hàng Chiếu đến phố Lương Ngọc Quyến, cắt ngang qua ngã tư Ngõ Gạch – Nguyễn Siêu – phố Hàng Bún cạnh đền Bạch Mã – Hàng Buồm.
Phố này thực ra là hai phố cũ gộp lại: đoạn từ phố Hàng Chiếu đến phố Ngõ Gạch trước đây gọi là phố Hàng Màn. Đây là địa phận thôn Cổ Lương thuộc tổng Hậu Túc (sau đổi ra là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Thôn này nằm trên bờ bắc sông Tô Lịch. Vượt qua sông Tô (chỗ Ngõ Gạch) là sang địa phận phường Hà Khẩu. Từ đây đến thôn Hài Tượng mới chính là đoạn Hàng Giầy. Cả hai phường thôn này đều thuộc tổng Hữu Túc (sau đổi ra là tổng Đông Thọ), huyện Thọ Xương.
Thời Pháp thuộc là đường số 23 (voie No23), đoạn phía Bắc (phố Hàng Màn) năm 1928 gọi là phố La-tát (rue Lataste). Đoạn phía Nam (phố Hàng Giầy) gọi là phố Nguyễn Duy Hàn (một tên Việt gian, làm tuần phủ Thái Bình. Đã bị Phạm Văn Tráng, một chiến sĩ Việt Nam Quang phục hội ném tạc đạn giết chết tại thị xã Thái Bình ngày 12/4/1913). Năm 1945 đổi tên là phố Tán Thuật. Năm 1949 gọi là phố Hàng Giầy. Các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên phố.
Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Đây nguyên là nơi tập trung những người thợ đóng giày dép vốn góc làng Chắm (Trúc Lâm, Văn Lâm, Phong Lâm) huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Chính họ đã lập ra thôn Hài Tượng (Hài: giầy, Tượng: thợ). Họ đã dựng đền thờ tổ nghề da giày ở số nhà 16 ngõ Hài Tượng (xem mục Hài Tượng).
Ngày nay ở giữa phố Hàng Giầy có một ngôi đền chỗ số nhà 30. Đây nguyên là đền Nội Miếu của thôn Hài Tượng. Tới cuối thế kỷ XIX vào năm 1895 những dân ở ngoài phố Hàng Bạc gốc là người làng Trâu Khê mới mua lại miếu này, sửa sang để làm nơi thờ vọng thành hoàng làng Trâu Khê. Đến nay ở trên nóc cổng còn đề dòng chữ “Trâu Khê vọng sở Nội miếu cổ từ”. Thế là đền ở phố Hàng Giầy nhưng lại thuộc về dân phố Hàng Bạc.