Thắm tình hữu nghị biên giới Việt - Trung

Tin tức - Ngày đăng : 15:38, 09/08/2017

Mấy năm gần đây, nhờ trồng chuối xuất khẩu mà đời sống của bà con các dân tộc thiểu số trên vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã khởi sắc. Trong đó có bản Pô Tô, xã Huổi Luông là nơi đi đầu trong việc thay thế những nương sắn, nương ngô kém năng suất bằng những vườn chuối xuất khẩu mang lại kinh tế cao; giúp không ít gia đình thoát khỏi đói nghèo và giàu lên nhanh chóng. Đây chỉ là một trong nhiều lợi ích từ việc kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện
Kết nghĩa với “6 cùng”

Theo chân Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP), chúng tôi về thăm bà con thôn biên giới Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đến Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt – Trung, chỉ vào một bức ảnh, ông Cao A Xà, trưởng bản Cửa Cải cho biết, cách đây hơn 2 năm, vào ngày 3/9/2014, tại bản Cửa Cải, thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã diễn ra lễ ký kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới giữa bản Cửa Cải và Pô Tô. Pô Tô cũng là bản biên giới đầu tiên của tỉnh Lai Châu được phía Trung Quốc mời sang tổ chức ký kết nghĩa thôn, bản 2 bên biên giới. Trước khi diễn ra lễ kết nghĩa, nhân dân hai bản đã cùng nhau họp bàn và thống nhất những nội dung ký kết với “6 cùng”, gồm: nhân dân 2 bản Cửa Cải và Pô Tô sẽ cùng nhau tuân thủ và nghiêm túc thực hiện các quy định “Hiệp định quy chế quản lý biên giới đất liền mà Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết, đồng thời tuân thủ và duy trì nguyên hiện trạng đường biên giới; cùng nhau phối hợp tốt với các lực lượng chức năng như công an, biên phòng trong công tác đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và pháp luật của mỗi nước như: buôn lậu, mua bán trái phép các chất ma túy và hoạt động buôn bán người; cùng nhau tuyên truyền, giáo dục cho cư dân biên giới tuân thủ mọi quy định của pháp luật mỗi nước; cùng nhau tăng cường giao lưu buôn bán, thăm hỏi lẫn nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; cùng nhau xây dựng mô hình thôn - bản hữu nghị, giàu mạnh; tăng cường sự đoàn kết hợp tác; bảo vệ đoạn biên giới hòa bình, ổn định, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau; cùng nhau tăng cường giao lưu văn hóa dân tộc của cư dân hai bên biên giới.

Thắm tình hữu nghị biên giới Việt - Trung
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng vui múa xòe với bà con các dân tộc bản Pô Tô (Việt Nam) và bản Cửa Cải (Trung Quốc) - Ảnh: Hoàng Anh

 “Và cũng kể từ khi nhân dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải kết nghĩa anh em, người dân bản Pô Tô và bản Cửa Cải luôn nhắc nhở, bảo ban nhau cùng chấp hành nghiêm các Hiệp định về quy chế biên giới đất liền, giữ vững an ninh trật tự hai bên, không để xảy ra việc trộm cắp tài sản, tranh chấp, mâu thuẫn, vượt biên giới trái phép. Những khi vào vụ mùa, người dân thôn Cửa Cải lại sang bản Pô Tô để giúp bà con thu hoạch nông sản. Ngược lại, những khi thôn Cửa Cải có lễ hội, ma chay, cưới hỏi thì bà con bản Pô Tô lại sang làm giúp nhau và múa hát cả đêm vui lắm!” - Trưởng bản Cửa Cải Cao A Xà nói một cách đầy hãnh diện. 

Đánh giá về những kết quả đạt được thông qua kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Lai Châu đánh giá cao mô hình kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới do BĐBP xây dựng và tổ chức trong thời gian qua. Ngoài việc nhân dân 2 bên biên giới giúp đỡ nhau về giống cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm từ cây chuối, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…; thông qua nội dung của mô hình kết nghĩa bà con còn giúp cho mối đoàn kết vốn có lâu đời giữa nhân dân các dân tộc hai bên biên giới luôn được giữ vững, không xảy ra mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. Những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy một cách có hiệu quả, môi trường cảnh quan biên giới được bảo vệ. Không có hiện tượng chặt cây, đốt nương qua biên giới, vứt rác thải xuống suối biên giới; các hiệp định về biên giới được nhân dân hai bên chấp hành nghiêm. Không để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản, vượt biên giới trái phép; đường biên, mốc giới được bảo vệ. Những vấn đề khó khăn của nhân dân hai bên biên giới cũng đã được BĐBP nắm bắt kịp thời, tham mưu cho chính quyền địa phương hai bên chung tay giải quyết. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương giáp biên thường xuyên củng cố mối quan hệ giao lưu đối ngoại nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị cùng phát triển".

Giúp nhau làm giàu từ cây chuối 

Dọc theo đường biên giới vào trung tâm xã Huổi Luông, trên những triền đồi bạc màu trơ trọc đất đá ngày nào, giờ đây là bạt ngàn màu xanh của chuối. Chỉ vào những vườn chuối đang trĩu quả, ông Lý A Khớ, trưởng bản Pô Tô phấn khởi khoe với chúng tôi: “Chẳng biết ai là người đầu tiên đưa giống chuối vào trồng ở vùng đất này, nhưng kể từ khi bà con 2 bản tổ chức kết nghĩa anh em thì bà con thôn Pô Tô chúng tôi đã được nhân dân thôn Cửa Cải cung cấp giống chuối để canh tác đại trà và chuyển giao kỹ thuật. Do cho giá trị kinh tế cao nên cây chuối đã nhanh chóng được nhân rộng và trở thành sản phẩm hàng hóa, cũng như thu nhập chính của bà con các dân tộc địa phương. Nhiều hộ dân từ việc trồng nhỏ lẻ đã từng bước mở rộng diện tích trồng loại cây này với nguồn thu lớn, ổn định mỗi năm. Từ năm 2014 đến nay, nhờ việc kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa, bà con các dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao ở thôn Pô Tô đã mở rộng khoảng hơn 100 ha trồng chuối.

Thắm tình hữu nghị biên giới Việt - Trung

Bà con các dân tộc bản Pô Tô (Việt Nam) và bản Cửa Cải (Trung Quốc) cùng nhau tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ và trình diễn các làn điệu dân ca - Ảnh: Hoàng Anh
Cây chuối đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo, mang lại giá trị kinh tế cho đồng bào trên địa bàn xã Huổi Luông nói chung và với bà con bản Pô Tô nói riêng. Đơn cử như gia đình anh Lừu A Siu, bản Pô Tô, xã Huổi Luông chỉ trồng hơn 1ha chuối được mấy năm nay nhưng mỗi năm cũng thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ bán chuối quả thương phẩm. Gia đình anh từ một hộ nghèo trở thành một hộ khá của bản nhờ thu nhập từ cây chuối. Cũng tương tự như hoàn cảnh của gia đình anh Siu, anh Tẩn Chỉn Phù, một nông dân ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông, cho biết: Gia đình anh có 6 nhân khẩu, cách đây vài năm là hộ nghèo trong xã. Tuy nhiên, sau khi trồng hơn 1ha chuối, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn, nhờ đó mà con cái có điều kiện để ăn học. Gia đình anh Phù chỉ mới bắt đầu trồng chuối cách đây khoảng hơn 2 năm. Sau khi trồng thử nghiệm, thấy cây chuối cho thu nhập nhiều hơn hẳn nên gia đình anh đã trồng hết chuối trên diện tích nương ngô, nương sắn trước đây. Từ đó, nhờ tiền bán chuối, gia đình anh không chỉ có thu nhập ổn định mà còn giúp bà con trong bản cây giống để nhân rộng diện tích. 

Trước khi chia tay với bà con bản Pô Tô, tôi được ông Lý A Hành, Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ cho biết: Xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ là địa phương có diện tích chuối tương đối lớn với trên 900 ha, nguồn thu từ cây chuối mỗi năm hàng tỷ đồng đã giúp nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào nơi đây. Cây chuối cũng đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương từ trên 70% xuống chỉ còn 15% so với 3-4 năm trước đây. Theo ông Hành, nương ngô, nương sắn trước đây cho năng suất thấp nên bà con đã thay đổi sang trồng chuối để có năng suất cao hơn không những giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, mà còn giúp nhiều hộ nơi đây vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng. Trong vòng 3 năm nay, bà con đã mua được rất nhiều ô tô. Cây chuối không chỉ khẳng định được hiệu quả trên triền núi dốc Huổi Luông, mà đã được nhân rộng ra các địa bàn biên giới khác như Bản Lang, Ma Ly Pho, Ma Ly Chải. Đồng bào dân tộc ở các địa phương đã đưa cây chuối vào trồng đại trà và coi là cây mũi nhọn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ vùng đất biên viễn nghèo khó này.

Trần Hoàng Anh