Phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:11, 10/08/2017

Phố Hàng Hòm dài 127m, rộng 6m. Phố đi từ cuối phố Hàng Quạt đến cuối phố Hàng Gai.

Phố Hàng Hòm dài 127m, rộng 6m.

Phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phố đi từ cuối phố Hàng Quạt đến cuối phố Hàng Gai.

Đây nguyên là đất thôn Cổ Vũ thượng, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Phố Hàng Hòm có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là Rue des Cerceuils. Ngày 22/1/1891, có một đám cháy lớn xảy ra ở phố này và đã thiêu cháy các phố Rue des Bambous (phố Hàng Tre), Rue des Radeaux (phố Hàng Mành), Rue des Sceaux (phố Hàng Thùng), Rue de la Saumure (phố Hàng Mắm), Rue des Changeurs (phố Hàng Bạc), Rue du Pont en Bois (phố Cầu Gỗ) và Rue de la Chaux (phố Hàng Vôi). Có 208 nhà bị thiêu hủy trong đó có 4 ngôi chùa, một chủ cho thuê xe kéo tay là người Hoa bị cháy mất 60 xe trong vụ cháy ngày 22/1/1891. Sau phố này đổi tên thành Rue des Caisses, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Hòm, các lần đổi tên tiếp theo vào năm 1949, 1951 vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Hòm.

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số người dân làng Hà Vĩ là một làng có nghề làm gỗ sơn thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) ra đây mở hiệu làm hòm, rương. Ban đầu làm những hòm sơn đen đựng quần áo, những tráp sơn đen đựng giấy tờ… Về sau mới làm những hòm gỗ kiểu mới như vẫn còn thấy hiện nay ở phố này. Do đó mà thành tên phố. Dân Hà Vĩ ra đây đã lập một ngồi đình – gọi là đình Hà Vĩ - ở số nhà 11, thờ ông tổ nghề sơn. Đó là ông Trần Lư, người làng Bình Vọng, cũng thuộc huyện Thường Tín, sinh năm 1470, đỗ tiến sĩ năm 1502 (theo sách “Toàn Việt thi lục” thì ông mất năm 1540). Trần Lư đã dạy nghề này cho dân làng Bình Vọng, từ đây nghề sơn tỏa ra các làng quanh vùng: Duyên Trường, Hạ Thái, Hà Vĩ…