Phố Hàng Mắm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:39, 10/08/2017

Phố Hàng Mắm dài 188m, rộng 7m. Từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Bạc ở ngã ba Mã Mây, cắt ngang qua phố Nguyễn Hữu Huân.

Phố Hàng Mắm dài 188m, rộng 7m.

Phố Hàng Mắm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Bạc ở ngã ba Mã Mây, cắt ngang qua phố Nguyễn Hữu Huân.

Tên phố Hàng Mắm có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là “rue de la Saumure”, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Mắm, các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.

Nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Thực ra đây là hai phố cổ gộp lại. Đoạn phía đông, từ phố Trần Nhật Duật đến phố Nguyễn Hữu Huân chính là phố Hàng Trứng (không nên lầm với ngõ Hàng Trứng mà nay là phố Đông Thái). Đây là đất thôn Thanh Yên, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương cũ. Khi còn là tổng Tả Túc (tức đầu thế kỷ XIX trở về nước) thì đây là một trong mười thôn có chung tên gốc là Trừng Thanh.

Còn đoạn phía tây – từ phố Nguyễn Hữu Huân đến giáp phố Hàng Bạc thì mới là phố Hàng Mắm. Gọi như thế vì ngày trước ở đây bán các thứ mắm và nước mắm, cùng các thủy sản khác. Vài chục năm lại đây nghề mắm nhường bước cho nghề làm bia, mộ chí và bán đồ sành, sứ. Đây là đất thôn Mỹ Lộc cùng một tổng với thôn Thanh Yên.

Đình miếu các thôn này vẫn còn. Đình Thanh Yên ở trong ngõ Nguyễn Hữu Huân, số nàh 14A, thờ hai ông tiến sĩ họ Vũ và họ Nguyễn (chưa rõ sự tích). Đình Mỹ Lộc thì ở số 45 phố Nguyễn Hữu Huân, thờ Nguyễn Trung Ngạn. Cách đây khoảng hơn trăm năm, thôn Thanh Yên – trong đó có đoạn đầu phố Hàng Mắm – là đất bãi ven sông (ngày ấy sông Hồng chảy sát con đê ngày nay và đê cũng còn rất thấp), là vùng “ngoại ô môn” tức ngoài cửa ô. Ngày đó còn có tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long mà mặt phía đông nhìn ra sông Hồng đã được mở tới chín hoặc mười cửa ô. Tòa thành ấy, ở đoạn này, gần trùng với phố Nguyễn Hữu Huân. Và chỗ ngày nay là ngã tư Hàng Mắm – Nguyễn Hữu Huân có một cửa ô tức ô Mỹ Lộc. Từ nơi đấy ra bờ sông gọi là vùng ngoại ô môn.