Tục vật cầu - kéo mỏ ở làng Ngải Khê
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 17:04, 18/08/2017
Làng Ngải Khê nằm bên bờ sông Kim Ngưu, xưa có tên là trang Ngải Khê thuộc tổng Già Cầu, nay thuộc xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Làng nhỏ, dân cư ở thành hai xóm: xóm trên nằm ở phiến đất hình con rùa, xóm dưới nằm trên phiến đất hình con rồng. Làng cũng có hai đình, một chùa, hai miếu. Làng thờ bốn vị Thành hoàng là những vị có công giúp nước đánh giặc ngoại xâm, giúp dân trị cướp, chữa trị bệnh tật, trồng trọt làm ăn mở mang hương quán. Hàng năm, làng mở lễ hội, tế lễ Thành hoàng làng và tổ chức các trò chơi, trò thi dân gian vào ngày mồng Sáu tháng Giêng âm lịch. Đáng lưu ý nhất trong phần hội có hai trò chơi khá độc đáo và đã trở thành lễ tục ở làng Ngải Khê, đó là trò vật cầu và trò kéo mỏ.
Trò vật cầu
Quả cầu được làm bằng củ của một cây chuối già. Vào những ngày sát tết, những người được làng giao nhiệm vụ làm quả cầu tìm chọn một cây chuối thật già đào lấy củ, đẽo gọt thành hình cầu hơi dẹt, đường kính từ 20 - 30cm, đánh bóng nhẵn nhụi, trơn mượt rất công phu. Trò chơi bắt đầu bằng mục khai cầu của cụ chủ tế. Mọi người tụ tập đầy đủ, đông đúc giữa sân đình. Ban tổ chức tuyên bố bắt đầu trò chơi, cụ chủ tế trong trang phục khăn áo đỏ tươu đứng trước cửa đình, hai tay trịnh trọng nâng quả cầu lên. Hàng trăm cặp mắt hướng vào quả cầu hồi hộp chờ đón. Cụ chủ tế nâng quả cầu dập dình lên xuống mấy nhịp rồi bỗng tung cao quả cầu vào giữa sân. Cả một đám đông gồm đủ nam – phụ - lão - ấu ào cả về phía quả cầu, miệng bò hét, tay tranh cướp, chen lấn, vật lộn rất hăng. Quả cầu trơn truội qua hàng trăm bàn tay tranh nhàu giành giât, xô đổ. Cướp ôm được quả cầu đâu phải chuyện dễ. Trong khi đó, tiếng trống thúc giục, tiếng hò hét ầm ầm náo động cả sân đình. Cuộc vật lộn với quả cầu khiến nhiều người mệt nhoài, để rồi cuối cùng cũng có người khỏe mạnh, tinh nhanh, khôn khéo cướp được quả cầu, chạy nhanh tách khỏi đám đông, ném quả cầu xuống ao đình theo quy định của cuộc chơi, giành giải Nhất. Thế là vận may, là hạnh phúc đến với người thắng cuộc trong năm mới!
Khi quả cầu đã có người ôm được ném xuống ao đình, tức là giành phần thắng, cũng là lúc cụ cao tuổi nhất làng phát lộc Thánh. Lộc Thánh là mâm táo quả và đồng tiền xu. Cụ cao tuổi tung táo ra giữa sân. Hết táo là tung tiền. Mọi người lại xô vào cướp táo, cướp tiền. Cướp được lộc Thánh tức là được nhiều sự may mắn, an khang, thịnh vượng trong cả một năm.
Trò kéo mỏ
Mọi người còn đang hỉ hả về trò vật cầu thì trò kéo mỏ lại được tiếp diễn. Kéo mỏ có phần giống kéo co, nhưng có phần không giống, vì vật để kéo không phải bằng dây thừng, bằng dây, mà bằng hai cây tre. Dân làng chọn hai cây tre bánh tẻ dài 5 - 6 mét, đốt tre được tính từ gốc lên theo bốn chữ: “sinh”, “lão”, “bệnh”, “tử”. Đốt cuối cùng phải đúng vào chữ “sinh”, tránh chữ “tử”. Hai ngọn tre được hơ vào lửa cho dẻo rồi vặn quặp lại như hai cái mỏ, ngoặc vào nhau rồi dùng lạt dẻo buộc cố định lại để làm vật kéo, nên gọi là kéo mỏ. Khác với kéo co là trước khi vào cuộc, hai bên kéo thử, du đi du lại ba lần. Các già làng được kéo làm mẫu trước, sau đó mới đến dân làng. Ngày xưa các cụ chia phe, chia giáp, chia xóm để kéo phân thắng thua, mạnh yếu. Ngày nay trò kéo mỏ ở Ngại Khê được cải tiến đa dạng hơn để tăng phần tập luyện và tinh thần đoàn kết cộng đồng, như kéo đồng đội nam với nhau, nữ với nhau, đồng đội nam nữ, hội nọ với hội kia, kéo đôi, kéo đơn… Kéo đơn là căng thẳng nhất để chọn ra người khỏe nhất làng.
Đặc biệt, để lưu giữ và phát huy trò chơi dân gian cổ truyền của cha ông, làng Ngải Khê hiện còn truyền dạy cho lớp trẻ cách tổ chức các trò chơi để lưu truyền mãi mãi cho đời sau.
Trò chơi dân gian vật cầu, kéo mỏ ở Ngải Khê diễn ra hàng năm vào ngày hội làng truyền thống đã trở thành lễ tục – một nét đẹp văn hóa độc đáo của một làng quê ở vùng đồng trũng Phú Xuyên.
Cao Xuân Quếsưu tầm
(Theo Tục hay lệ lạ Thăng Long – Hà Nội, NXB Phụ nữ, 2016)