Nâng cấp tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Cù Chính Lan ở Quỳnh Đôi

Tin tức - Ngày đăng : 17:34, 18/08/2017

Nhân dân xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vừa tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm liệt sĩ Anh hùng Cù Chính Lan. Việc làm ý nghĩa này của các tướng lĩnh quân đội, doanh nghiệp và nhân dân xã Quỳnh Đôi để tỏ lòng tri ân với đồng đội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là một công trình văn hóa, lịch sử của quê hương, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.
Nâng cấp tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Cù Chính Lan ở Quỳnh Đôi
Bức ảnh Anh hùng Liệt sĩ Cù Chính Lan vừa được sưu tập từ Việt Nam Thông tấn xã

Anh hùng Liệt sĩ Cù Chính Lan sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1946, Cù Chính Lan xung phong  nhập ngũ tại Sư đoàn 304, Quân đoàn II và được biên chế vào Đại đội 12, Tiểu đoàn 353, Trung đoàn 9. Anh trở thành chiến sĩ  liên lạc, rồi Tiểu đội trưởng bộ binh. Anh từng nổi tiếng thành tích "tay không bắt giặc": với 1 lưỡi dao cùn bắt sống một binh sĩ Pháp thu một khẩu tiểu liên, được tặng Huân chương Chiến công.

Ngày 13 tháng 12 năm 1951, trong trận phục kích quân Pháp lần thứ 2 tại Giang Mỗ, bất ngờ có một xe tăng Pháp tiếp viện, bắn dữ dội vào đội hình, chặn đường rút,  làm nhiều  bộ đội ta thương vong. Cù Chính Lan nhảy lên xe tăng kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe nổ súng, nhưng tiểu liên bị hóc. Anh giật nắp quăng lựu đạn vào, lính tăng Pháp nhặt lựu đạn ném ra. Cù Chính Lan dũng cảm mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra được một vài giây rồi mới ném vào buồng lái, lựu đạn nổ diệt hết lính tăng trong xe, tạo điều kiện cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Anh được tuyên dương tại Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. 

Ngày 30/01/ 1952 (tức ngày mùng 4 tết Nhâm Thìn), đơn vị Cù Chính Lan được lệnh đánh đồn Gô Tô (Hòa Bình). Tiểu đội anh được giao nhiệm vụ mở cửa hàng rào cho đơn vị tấn công. Dù bị thương nặng 3 lần, anh vẫn cố gắng tham gia chiến đấu cho đến khi hy sinh.

Ngày 19 tháng 5 năm 1952, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng quân đội nhân dân. Trong Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất 10/ 8/1952, anh được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. 

Để ghi nhớ và tôn vinh người anh hùng liệt sĩ, và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân xã Quỳnh Đôi,  năm 2002 trường PTTH dân lập Cù Chính Lan, huyện Quỳnh Lưu đã đầu tư xây dựng bia tưởng niệm anh hùng Cù Chính Lan ngay trên vùng đất linh thiêng đầu làng, cùng với các di tích danh nhân khác của quê hương. 

Nâng cấp tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Cù Chính Lan ở Quỳnh Đôi
Bia tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Cù Chính Lan được nâng cấp, xây dựng lại.
Sau 15 năm, một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp. Năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương bình Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) để vinh danh và tri ân những chiến sĩ quê nhà đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, các tướng lĩnh quê hương Quỳnh Đôi  đã đề xuất nâng cấp khu tưởng niệm. Ý tưởng này đã được đồng chí Hồ Đức Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng nhiều tướng lĩnh quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh như Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu và các đại tá như Hồ Quang Lợi, Hồ Như Hải…, cũng như Quân đoàn 2, Binh chủng Hải quân, QK4 nhiệt tình ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Họa sĩ Đỗ Thanh Phiên, cựu chiến binh binh chủng phòng không không quân và binh chủng công binh nhiệt tình thiết kế, thực hiện. 

Đặc biệt, trong quá trình nâng cấp, xây dựng khu tưởng niệm, theo Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật Quân Đội nhân dân Việt Nam, ban tổ chức đã tìm hiểu lại về chiến tích anh hùng Cù Chính Lan và đã tìm được nhiều tư liệu quý giá. Đấy là, ban tổ chức đã tìm được ảnh chân dung thật của anh hùng Cù Chính Lan. Ảnh này được chụp trong Đại hội chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1951, được lưu giữ tại Việt Nam Thông tấn xã. Ban dự án đã  đề nghị Việt Nam Thông tấn xã in ra hai bản: một bản để thờ tại gia đình Anh hùng Liệt sĩ Cù Chính Lan, một bản trao cho Sư đoàn 304, nơi anh đã anh dũng hy sinh. Cùng với đó, ban tổ chức đã xác định lại ngày anh hy sinh của anh: đó là ngày 30/01/ 1952 (tức ngày mùng 4 tết Nhâm Thìn), chứ không phải như một số tài liệu ghi ngày 29/12/1951 và được biết gia đình giỗ anh vào mồng 6 tháng Chạp cũng không đúng với tư liệu lịch sử của Sư đoàn 304 đã chứng thực. 

Phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Quỳnh Lưu Lê Thành Nhân nhấn mạnh: “Trong kháng chiến kiến quốc, Quỳnh Lưu có 3700 liệt sĩ; 3500  thương bệnh binh và 2544 Mẹ  Việt Nam Anh hùng. Cảm ơn sự đóng góp của các tướng lĩnh cho việc nâng cấp khu tưởng niệm Liệt sĩ, Anh hùng Cù Chính Lan, Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu cũng như nhân dân xã Quỳnh Đôi  sẽ  gìn giữ công trình để giáo dục thế hệ trẻ tại quê nhà.” 

Hồ Sĩ Tá