Phố Hoàng Hoa Thám, thuộc quận Ba Đình và quận Tây Hồ, Hà Nội.
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:09, 22/08/2017
Phố Hoàng Hoa Thám dài 3.320m, rộng 8-10m.
Từ phố Phan Đình Phùng – Hùng Vương qua vườn Bách Thảo đến Cốn Yên cạnh đường Bưởi.
Từ năm 1890 gọi là đê Pa-nô (digue Parreau). Năm 1945 được đổi thành phố Hoàng Hoa Thám. Nhưng nhân dân ở vùng này vẫn gọi là Đường Thành vì đây là một bức tường thành (hoặc cũng là phần chân tường) của một tòa thành bao bọc kinh đô Thăng Long. Tòa thành đó muộn nhất cùng đã có từ đầu đời Lê. Vì xem bản đồ thành Thăng Long đời Hồng Đức (1490 – 1497) thì đây chính là một trong hai dãy tường thành phía bắc (tường kép) của tòa thành Thăng Long đó.
Nay thuộc các phường: Ngọc Hà, Cống Vị, quận Ba Đình và Thụy Khuê, Bưởi, quận Tây Hồ.
Đường Hoàng Hoa Thám ngày nay đi qua các địa điểm và các thôn xóm sau: đầu phía đông là vườn Bách Thảo tức là thôn Xuân Sơn ngày trước, rồi tiếp đến thôn Hữu Tiệp, và đoạn phía tây là thôn Vĩnh Phúc (gồm hai giáp Thượng và Hạ). Trừ thôn Xuân Sơn là thuộc tổng Yên Thành, còn các thôn khác đều thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Tại các thôn ven đường đó vẫn còn sót lại nhiều di tích cũ. Trước hết nói về núi. Hiện nay còn ba ngọn: núi Xuân ở góc tây bắc vườn Bách Thảo (xem mục Bách Thảo); núi Voi tức là Tượng Phục Sơn ở trong khu vực Nhà máy rượu bia; núi Cung tức là Thái Hòa Sơn ở chỗ giáp giới hai làng Đại Yên và Vĩnh Phúc Thượng. Tiếng là núi nhưng thực ra chỉ đáng gọi là gò. Có tên là núi Voi vì hình thù giống một con voi đang quỳ, đồng thời ngày xưa từng là nơi nuôi voi của vua. Còn gọi là núi Cung vì tương truyền ở đó có cung Thái Hòa.
Đình chùa thì còn nhiều nơi đáng bảo tồn. Ví như đình Hữu Tiệp thờ Huyền Thiên Hắc Đế một nhân vật truyền thuyết đã âm phù vua nhà Lý đánh giặc xâm lăng (xem mục Bách Thảo). Đình Vĩnh Phúc (thượng) thì thờ Thái Tể họ Hoàng. Thần tích kể rằng: Đời Lý có một công chúa đi thuyền không may bị đắm và chết đuối. Nhiều người lặn xuống tìm xác nhưng đều mất tích. Lúc đó có một người họ Hoàng ở làng Lệ Mật (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội), nhận làm việc này. Chàng giao chiến với với thủy quái và vớt được xác công chúa. Vua định thưởng tước lộc. Nhưng chàng từ chối, chỉ xin được phép đưa dân nghèo bên làng mình sang khai khẩn dải đất phía tây thành. Vua y cho. Thế là dân Lệ Mật kéo sang kinh thành lập ra kinh quán (quê ở Kinh đô) để phân biệt với cựu quán (quê cũ bên Lệ Mật). Sau khi họ Hoàng mất, dân lập đình thờ ở thôn Vĩnh Phúc (thượng), cạnh ngay lăng và cả ở bên Lệ Mật nữa. Họ gọi ông là Thái Tể. Hàng năm cứ vào ngày 23 tháng 3, dân “kinh quán” lại về “cựu quán” làm lễ.
Hoàng Hoa Thám (1845 – 1913) tức Đề Thám là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Ông tên thật là Trương Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Cha là Trương Văn Thận, có tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhân chống lại triều đình nhà Nguyễn. Năm 1812 ông Nhân bị bắt. Sau đó ít lâu, Trương Văn Thận cũng bị bắt và ông đã cắn lưỡi tự sát. Em ông là Trương Văn Thân đem Trương Nghĩa lên vùng Yên Thế (tỉnh Bắc Ninh) ngụ ở làng Trũng, đổi tên mình là Hoàng Quát và đổi tên chái là Hoàng Hoa Thám.
Cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo nổ ra năm 1887 đã làm cho thực dân Pháp lao đao. Tháng 9 năm 1894, chúng đã phải thương lượng đình chiến và giành một khu vực 4 tổng ở Yên Thế cho nghĩa quân… Cuối năm 1895 chúng trở mặt tấn công. Nhưng sau hai năm không thu được kết quả gì, tới tháng 11/1897 chúng lại phải đình chiến lần thứ hai.
Trong những năm tiếp theo đó, nghĩa quân vừa xây dựng kinh tế vừa đánh du kích, gây cho địch nhiều tổn thất… Năm 1909 Pháp lại mở những cuộc tấn công mới vào Yên Thế. Nghĩa quân vẫn đẩy lùi được chúng, nhưng thế lực lúc này suy yếu dần. Cuối cùng giặc Pháp đã dùng một số tên phản bội lập mưu ám sát Hoàng Hoa Thám. Ngày 10/2/1913 tại một khu rừng ở Yên Thế ông đã bị tử trận.