Phố Hòe Nhai, quận Ba Đình, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 16:23, 23/08/2017
Phố Hòe Nhai dài 387m, rộng 6m
Từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng, cắt ngang qua phố Hàng Than đến đầu phố Quán Thánh.
Đây nguyên là địa phận các thôn Thạch Khối (thượng), Hòe Nhai (sau đổi là Giai Cảnh) và Yên Thành, tất cả đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Xương cũ.
Nay thuộc hai phường Nguyễn Trung Trực và Quán Thánh, quận Ba Đình.
Sở dĩ có tên là Hòe Nhai vì tương truyền rằng đời Lý (1010 – 1225) có lệ quy định các triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ hoàng thành ra tới bến Đông, do đó mà thành tên Hòe Nhai, tức là “đường cây hòe”. Từ tên một con đường, Hòe Nhai được lấy làm tên thôn; và chùa Hồng Phúc ở tại thôn này cũng được gọi là chùa Hòe Nhai (xem mục Hàng Than).
Thời Pháp thuộc, đây là hai đường phố khác nhau: từ đường Yên Phụ đến phố Hàng Than là đường số 34 (voie No34), và từ phố Hàng Than đến phố Phan Đình Phùng là phố Bệnh viện Trung Quốc (rue de l’Hôpital chinois) mà dân chúng quen gọi là phố Nhà Thương Khách vì ở đây có một bệnh viện do Hoa kiều lập nên.
Năm 1945, ta đã đổi đường 34 ra phố Hòa Giải, năm 1949 đổi thành phố Hòe Nhai, còn phố bệnh viện Trung Quốc thì đặt tên là phố Nguyễn Văn Trạch, năm 1949 đổi thành phố Nhà Thương Khách.
Tới năm 1964, hai phố được nhập lại làm một, gọi chung là phố Hòe Nhai để hợp với truyền thuyết “đường cây hòe” từ cửa thành Thăng Long ra bờ sông Hồng.
Trong thời kỳ Đảng mới thành lập, căn gác nhà số 4 (phố Nhà Thương Khách) đã từng là cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng, là nơi biên tập các báo “Lao khổ”, “Tin tranh đấu” phát hành bí mật lúc bấy giờ.